Ung thư phổi: Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh

Hà An

(Dân trí) - Khoảng 13% bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm lại không có bất cứ triệu chứng gì. Vì vậy, cần đi khám để phát hiện và sàng lọc sớm ung thư phổi.

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở phổi. Khoảng 85%-90% các trường hợp có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá (chủ động hay thụ động). Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu người mắc mới và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi.

Năm 2018, Việt Nam có thêm hơn 23.000 người mắc ung thư phổi, con số này có thể sẽ tăng lên vào những năm tiếp theo. Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan.

Theo Bệnh viện phổi Trung ương, ung thư phổi loại không tế bào nhỏ chiếm hơn 80% trường hợp, bao gồm ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy và một số ít là ung thư tế bào lớn. Diễn tiến âm thầm và tiên lượng xấu là những đặc điểm quan trọng của loại bệnh này. Người bệnh có thể đến khám vì ho kéo dài, ho ra máu, khó thở, đau ngực, đau xương...

Ung thư phổi: Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh - 1
90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá.

Trong khi đó, hơn 50% trường hợp bệnh nhân khi chẩn đoán đã ở giai đoạn di căn, tức các tế bào ung thư đã lan tràn ở phổi và các cơ quan khác của cơ thể. Tiên lượng khả năng sống được 5 năm của các trường hợp này rất thấp, chỉ khoảng 6%.

Nguyên nhân do đâu?

Theo BS Nguyễn Nhật Linh - Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các nhà khoa học đã phát hiện ra chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể thường không thay đổi được. Ngược lại, có đến hơn 80% bệnh ung thư phát sinh có liên quan đến yếu tố có thể thay đổi được.

Cụ thể bao gồm:

- Thuốc lá: hút thuốc lá, kể cả thụ động là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc ung thư phổi đã chỉ ra, 90% người mắc có liên quan đến hút thuốc lá, 24% người mắc bắt nguồn từ hút thuốc thụ động.

- Chế độ ăn uống không lành mạnh.

- Ô nhiễm môi trường, chất thải từ động cơ, khói bụi, các chất phóng xạ…

- Các bệnh lý mãn tính có sẵn ở phổi: lao phổi, các nốt vôi hóa, tổn thương sẹo cũ ở phổi, các viêm phổi mạn có dị sản.

Các triệu chứng của ung thư phổi

Tùy theo vị trí và kích thước của khối u mà triệu chứng sớm khác nhau tùy mỗi người. Sau đây là 5 triệu chứng hay gặp nhất mà bạn cần đi khám ngay:

- Ho kéo dài không rõ nguyên nhân: với tất cả trường hợp ho kéo dài trên 2 tuần, đã điều trị nhưng không có hiệu quả

- Ho máu: Là một dấu hiệu nguy hiểm cần phải được phát hiện sớm và xử trí ngay. Thường được mô tả là ho ra đờm nhuốm ít máu đỏ tươi, trong vài ngày liên tiếp, thậm chí số lượng máu tăng dần theo thời gian.

- Đau ngực: Đôi khi chỉ đau âm ỉ, đau tăng lên khi ho, thường đau 1 bên ngực hoặc có thể lan lên vai, lan ra sau lưng.

- Khó thở: là triệu chứng khá thường gặp trong ung thư phổi. Mới đầu có thể khi vận động mạnh, leo cầu thang, khi bệnh tiến triển gây khó thở liên tục, ngay cả khi nghỉ ngơi.

- Gầy sút cân, mệt mỏi: Đôi khi những người mắc ung thư phổi thường không ho hay đau ngực, mà chỉ thấy xuất hiện cảm giác chán ăn, ăn không ngon kéo dài, gầy sút từ vài kg tới 5-6kg trong 1,2 tháng.

Ung thư phổi: Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh - 2

Ngoài 5 triệu chứng điển hình, thường gặp ở trên, ta còn có thể gặp phải triệu chứng khác do tổn thương, di căn của ung thư phổi ở giai đoạn muộn hơn:

- Khàn tiếng mới xuất hiện

- Nuốt khó, nuốt đau, nuốt nghẹn kéo dài, liên tục

- Phù mặt tăng dần, kèm theo đau đầu, chóng mặt, tím mặt

- Hay hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh.

- Ngón tay biến dạng, sưng to

Tuy nhiên khoảng 13% bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm lại không có bất cứ triệu chứng gì. Vì vậy, cần đi khám để phát hiện và sàng lọc sớm ung thư phổi nếu thấy mình hoặc người thân trong gia đình có một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên.

Phòng ung thư phổi

Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.