Vì sao 75% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn?

Nam Phương

(Dân trí) - Ung thư phổi hiện là bệnh ung thư phổ biến thứ hai tại Việt Nam. Tiên lượng bệnh xấu vì đa phần người bệnh vào viện thì đã ở giai đoạn muộn.

Theo Globocan năm 2018, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất (11,6%) và có tỷ lệ tử vong cao nhất (18,4%) trong các loại ung thư. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ 2 sau ung thư gan cả về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong (với tỷ lệ mắc 14,4% và tỷ lệ tử vong là 18% năm 2018). Đây là một trong số những bệnh ung thư nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao, do thường được phát hiện muộn và khó điều trị.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết có đến 75% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Điều này khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chỉ có thể giúp kéo dài thời gian sống, tăng chất lượng sống cho người bệnh.

Vì sao 75% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn? - 1
PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội).

Dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị song nhiều bệnh ung thư vẫn còn là thách thức lớn trong điều trị, trong đó có ung thư phổi. Ung thư phổi đều được xếp vào nhóm bệnh ung thư khó phát hiện sớm. Cũng vì thế, bệnh tiên lượng rất xấu.

Ung thư phổi là bệnh hay gặp, hiện có có nhiều tiến bộ trong điều trị (thuốc mới, kỹ thuật xạ trị mới).  Bệnh viện K Trung ương đang nghiên cứu theo hướng này nhằm cải thiện chất lượng điều trị. 

"Ung thư phổi diễn biến "âm thầm", chỉ có triệu chứng khi đã ở giai đoạn muộn. Hiện cũng chưa có phương pháp phát hiện sớm bệnh thực sự có hiệu quả, chụp X-quang không phát hiện được sớm tổn thương", PGS Quảng nói.

Theo chuyên gia, hiện nay sàng lọc ung thư phổi bằng chụp cắt lớp liều thấp đang được nghiên cứu cũng là một tiến bộ lớn của lĩnh vực sàng lọc ung thư. Tuy nhiên, biện pháp sàng lọc này mới chỉ dừng ở mức khuyến cáo.

Cách sàng lọc này với phần mềm vi tính hỗ trợ diễn giải hình ảnh chụp chính xác và giảm chi phí. Liều chụp được đặt ở mức 2mSv (so với liều chuẩn 7mSv), giảm nguy cơ tiếp xúc tia xạ so với chụp cắt lớp vi tính ngực thông thường.

Vì sao 75% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn? - 2
Ung thư phổi khó phát hiện sớm do các triệu chứng ở giai đoạn đầu thường mờ nhạt thậm chí không có biểu hiện.

Các dữ liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm tăng được thêm 20% số trường hợp ung thư phổi được phát hiện khi so với chụp X-quang phổi thông thường. Chính nhờ những lợi ích rõ rệt như vậy, do đó, nhiều khuyến cáo hiện nay đang đề nghị đưa chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp, tiến hành hàng năm là phương pháp tốt để sàng lọc, phát hiện ung thư phổi sớm.

Test chẩn đoán được coi là dương tính khi phát hiện các nốt không calci hóa từ 4mm trở lên đối với chụp cắt lớp vi tính liều thấp, và nốt không calci hóa bất kỳ trên X quang ngực.

Hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ về tầm soát ung thư phổi

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến nghị tầm soát ung thư phổi hàng năm bằng phương pháp chụp cắt lớp CT scan ngực liều thấp cho những người từ 55 đến 74 tuổi, có sức khỏe khá tốt và đáp ứng các điều kiện sau:

- Là những người hút thuốc hiện tại hoặc những người đã bỏ thuốc trong 15 năm qua.

- Có tiền sử hút thuốc ít nhất 30 năm. Đây là số năm bạn hút thuốc nhân với số bao thuốc mỗi ngày. Ví dụ: một người hút 2 bao thuốc mỗi ngày trong 15 năm [2 x 15 = 30] có 30 năm hút thuốc. Một người người hút 1 gói mỗi ngày trong 30 năm [1 x 30 = 30] cũng có 30 năm hút thuốc.