U gan lành tính có tiến triển thành ung thư gan?
(Dân trí) - Tỉ lệ u gan lành tính chuyển sang ác tính chiếm 5%. Bệnh nhân cần được theo dõi và chỉ định mổ khi gây chèn ép, chảy máu hoặc tăng kích thước.
TS.BS Đỗ Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, u gan có 2 loại, u gan lành tính và u gan ác tính. Trong đó, ung thư gan là bệnh lý có tỉ lệ tử vong hàng đầu, cao hơn nhiều so với ung thư phổi và ung thư dạ dày. Người bệnh được phát hiện và điều trị sớm sẽ có hiệu quả.
U gan ác tính thường phát triển trên nền các bệnh lý viêm gan B, viêm gan C và xơ gan do rượu. Nhiều người uống rượu lâu năm dẫn tới xơ gan, nhưng lại phát hiện muộn, dẫn tới ung thư gan. Vì thế, người dân cần phải tiêm phòng vaccine viêm gan B và tiêm nhắc lại sau 5 năm. Khi có viêm gan phải đi kiểm tra định lượng để xem với mức nào thì phải uống thuốc.
Ngoài ra, tỉ lệ u gan lành tính chuyển sang ác tính chiếm 5%. U gan lành tính thường được theo dõi và có chỉ định mổ khi nó gây chèn áp, chảy máu, hoặc tăng kích thước. Tỷ lệ phẫu thuật của u gan lành tính chiếm 15%, BS Tuấn Anh cho biết.
Đối với người có u gan lành tính, BS Tuấn Anh khuyến cáo nên kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần, nếu thấy có dấu hiệu bất thường phải đến cơ sở y tế ngay. Người mắc u gan lành tính khi có những bất thường được can thiệp sớm thì sẽ mang lại hiệu quả cao.
Các triệu chứng ung thư gan thường không xuất hiện trong giai đoạn đầu. Vì thế, bệnh có xu hướng được chẩn đoán ở giai đoạn nặng hơn. Nếu bạn đã mắc các bệnh khác về gan hoặc tiền sử gia đình bị ung thư gan, bạn có nguy cơ cao phát triển ung thư gan và nên tái khám định kỳ.
Triệu chứng của ung thư gan di căn khác nhau tùy thuộc vào vị trí các khối u mới hình thành. Ví dụ, nếu ung thư gan di căn đến xương, nó có thể gây ra gãy xương.
Các triệu chứng phổ biến của ung thư gan khi đã di căn bao gồm:
- Đau bụng.
- Đau ở vị trí gần xương bả vai phải hoặc ở vùng bụng trên.
- Chán ăn, sụt cân hoặc buồn nôn.
- Chướng bụng hoặc đầy hơi ở bụng.
- Vàng da và mắt.
- Liên tục mệt mỏi hoặc suy nhược.
- Sốt không rõ nguyên nhân.