1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng 2,2 lần sau 10 năm

Nam Phương

(Dân trí) - Số trẻ thừa cân, béo phì tại nước ta tăng nhanh báo động trong 10 năm qua, đặc biệt tỷ lệ này ở TPHCM đã vượt 50%, TP Hà Nội vượt 41%.

Tối 25/9, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về dinh dưỡng phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam với chủ đề "Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI - Đồng hành dinh dưỡng cùng con trong mùa dịch".

Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng nhanh đáng báo động trong 10 năm qua, đặc biệt tại các thành phố lớn. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.

Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng 2,2 lần sau 10 năm - 1

Ảnh minh họa: CNN.

Cụ thể, tỷ lệ thừa, cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Theo báo cáo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có đến 53% các vị phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu mới đây đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh. Bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài khiến trẻ ăn uống tự do, đầy đủ hơn, cũng như có ít cơ hội tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết thừa cân béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của các bệnh không lây nhiễm, chiếm hơn 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Béo phì ở trẻ em có nguy cơ liên quan đến béo phì, nguy cơ tử vong sớm và tàn tật ở người trưởng thành. 

Ths.Bs Từ Thị Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thừa cân béo phì ảnh hưởng đến rối loạn chuyển hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh cao huyết áp, tim mạch.

Bộ Y tế mới đây đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm. Theo đó, chiến lược tổng thể nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam, gồm 6 mục tiêu cụ thể với 29 chỉ tiêu. Trong đó, một trong số các mục tiêu quan trọng đó là khống chế thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, dự phòng các bệnh mạn tính không lây và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Cụ thể, đến năm 2030 đạt mục tiêu khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10% (khu vực thành phố ở mức dưới 11% và khu vực nông thôn ở mức dưới 7%), trẻ 5-18 tuổi ở mức dưới 19% (khu vực thành phố ở mức dưới 27% và khu vực nông thôn ở mức dưới 13%). Đặc biệt, tỷ lệ này ở người trưởng thành 19-64 tuổi là mức dưới 20% (khu vực thành phố ở mức dưới 27% và khu vực nông thôn ở mức dưới 17%).

Thông qua chương trình, Bộ Y tế mong muốn kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, người nuôi dưỡng trẻ cần có hiểu biết đầy đủ về thực trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam. Từ đó, có những kiến thức, biện pháp dinh dưỡng hợp lý, lối sống khoa học, lành mạnh để phòng ngừa thừa cân, béo phì ở trẻ.