1. Dòng sự kiện:
  2. Dịch cúm đầu năm 2025

Từ vụ mẹ ôm con cầu cứu ở viện nhi: Đầy rẫy chiêu "lấy nước mắt kiếm tiền"

Biên Thùy

(Dân trí) - Đại diện các bệnh viện cảnh báo, không thiếu những trường hợp hoang tin hoặc lợi dụng hình ảnh bệnh nhân đã xuất viện, thậm chí đã mất từ lâu để làm công cụ trục lợi.

Liên quan đến đoạn clip người phụ nữ ôm đứa trẻ gào khóc cầu cứu được lan truyền mạnh mẽ thời gian gần đây, ngày 13/2, Công an quận 1 (TPHCM) cho biết đã di lý bà Hồ Thị Xuân (SN 1987, ngụ tỉnh Lâm Đồng) về trụ sở để lấy lời khai, làm rõ vụ việc.

Những đoạn clip thương tâm không có thật

Qua đó, công an xác định đoạn clip do bà Xuân quay trong trạng thái vừa ôm đứa trẻ vừa khóc trong khuôn viên Bệnh viện Nhi đồng 2, với nội dung bị móc túi mất số tiền 9,5 triệu đồng để kêu gọi mọi người giúp đỡ, là thông tin sai sự thật.

Cụ thể, qua trích xuất camera, suốt quá trình người phụ nữ dẫn đứa trẻ vào bệnh viện đến khi livestream, cơ quan chức năng không phát hiện người này có tiếp xúc hay nói chuyện với ai, như những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội.

Làm việc với công an, bà Hồ Thị Xuân cũng thừa nhận không có chuyện mình bị dàn cảnh móc túi, mà 9,5 triệu đồng là số tiền mình "vô ý" làm mất.

Từ vụ mẹ ôm con cầu cứu ở viện nhi: Đầy rẫy chiêu lấy nước mắt kiếm tiền - 1

Hình ảnh cắt ra từ đoạn clip lan truyền trên mạng ngày 10/2 (Ảnh: BV).

Sự việc nêu trên một lần nữa cho thấy nguy cơ bị lừa đảo luôn bủa vây môi trường bệnh viện công lập, nơi thường xuyên có những trường hợp bệnh nhân nặng, hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết thỉnh thoảng nơi này lại phát hiện những bài viết trên mạng xã hội, với nội dung sai sự thật về một bệnh nhân "ảo" ở Bệnh viện Chợ Rẫy, hoặc từng điều trị nhưng đã xuất viện từ rất lâu.

Chiêu trò thường được các đối tượng xấu sử dụng là việc lấy tên tuổi của bệnh nhân ghép vào hình ảnh nằm điều trị bệnh nặng, rồi gán với nghèo khổ, đẩy sự "lâm li bi đát" lên cao, để cộng đồng, nhà hảo tâm thương xót giúp đỡ, chuyển tiền vào số tài khoản của họ.

Khi nắm được thông tin, nhân viên phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ lập tức rà soát hồ sơ trên hệ thống nội bộ, để xem có bệnh nhân đó hay không. Qua đó, đã kịp thời cảnh báo đến mọi người về việc có hay không có những trường hợp như vậy.

Điển hình là vào thời điểm tháng 10/2024, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một bà cụ ngồi ở góc cột gần cổng số 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy, vừa khóc vừa cho biết con bị tai nạn khiến gãy xương sống, dập tủy, chấn thương vùng kín, đã nằm thực vật nhưng lại không có tiền đóng viện phí.

Từ vụ mẹ ôm con cầu cứu ở viện nhi: Đầy rẫy chiêu lấy nước mắt kiếm tiền - 2

Hình ảnh cụ bà ngồi khóc kể hoàn cảnh khó khăn của con vào tháng 10/2024, nhưng khi Bệnh viện Chợ Rẫy xác minh lại không có bệnh nhân như trên (Ảnh cắt từ clip).

Ghi nhận đoạn clip, phòng Công tác xã hội đã phối hợp với đội ngũ bảo vệ trích xuất camera và tìm trên hệ thống quản lý nội bộ, nhưng hoàn toàn không có trường hợp nào đến khám như trên.

"Với sự việc liên quan đến Bệnh viện Nhi đồng 2 vừa qua, chúng tôi đã tải clip về cho anh em xem để lưu tâm, cẩn trọng trước những hành động như vậy, để kịp thời báo cấp trên và xử lý phù hợp", ông Hiển dẫn chứng.

Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng khuyến cáo mọi người khi phát hiện những thông tin kêu gọi giúp đỡ hãy chậm lại một chút, liên hệ phòng Công tác xã hội để xác minh có đúng hay không, trước khi quyết định quyên góp tiền.

Giả bác sĩ, "hô biến" giấy nằm viện để xin tiền

Cuối tháng 1, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM phát lên cảnh báo về việc lừa đảo chuyển tiền, khi các đối tượng tự nhận là bác sĩ của đơn vị để kêu gọi giúp đỡ cho một hoàn cảnh bệnh nhân "bị tai nạn gãy cổ, chồng đưa vào viện rồi bỏ vì chi phí cao" không có thật.

Từ vụ mẹ ôm con cầu cứu ở viện nhi: Đầy rẫy chiêu lấy nước mắt kiếm tiền - 3

Thông tin cảnh báo lừa đảo từ thiện tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM (Ảnh: BV).

Đại diện phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cũng cho biết, đơn vị từng ghi nhận nhiều trường hợp lợi dụng hoàn cảnh của bệnh nhi ung thư để kêu gọi kiếm tiền, dù trẻ đã được xuất viện, thậm chí đã qua đời.

Bên cạnh đó, có tình trạng dù con em đã hết đợt điều trị, có chỉ định xuất viện nhưng cha mẹ, người thân không chịu về mà vẫn cố ở lại để kêu gọi và nhận tiền giúp đỡ.

Phía Bệnh viện Ung bướu TPHCM khuyến cáo, để đảm bảo việc trao - nhận tiền giúp đỡ đúng người cần, tránh việc bị lừa đảo thông tin từ thiện, người dân hãy liên hệ với nhân viên Tổ từ thiện - phòng Công tác xã hội tìm hiểu hoàn cảnh bệnh nhân.

Đồng thời, không nên tự ý vào khoa chụp ảnh, ghi hình để đăng tải thông tin kêu gọi, khi chưa có sự đồng ý của đơn vị.

Một đại diện Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM cũng chia sẻ, nơi này từng ghi nhận tình trạng đưa hình ảnh, thông tin không đúng sự thật, liên quan đến bệnh nhân điều trị tại đây, để kêu gọi chuyển tiền giúp đỡ.

Từ vụ mẹ ôm con cầu cứu ở viện nhi: Đầy rẫy chiêu lấy nước mắt kiếm tiền - 4

Bệnh viện Nhi đồng 1 từng bị làm giả cả giấy chứng nhận nằm viện để trục lợi từ thiện (Ảnh: BS).

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, phòng Công tác xã hội của đơn vị cũng từng phát hiện tình trạng kẻ xấu "hô biến" giấy chứng nhận nằm viện, với con dấu và chữ ký giả mạo để tạo niềm tin và lừa gạt người dân, nhằm kêu gọi từ thiện.

Đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, người dân có thể gọi đến đường dây nóng (qua số điện thoại 0909.124.004) để xác minh thông tin bệnh nhân có đang cấp cứu, nhập viện ở đây hay không, cũng như để được hướng dẫn cách giúp đỡ, hỗ trợ bệnh nhân đúng đắn, tránh trở thành nạn nhân cho kẻ xấu.