Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết
(Dân trí) - Gia đình cho rằng vị bác sĩ khi đi điều trị còn tỉnh táo, có thể nói cười nhưng lại được thông báo tử vong vì sốt xuất huyết biến chứng nặng, nên mong muốn làm rõ nguyên nhân cái chết của bệnh nhân.
Mới đây, phóng viên Dân trí nhận được phản ánh của bà N.T.H., vợ của bác sĩ N.K.Q. (SN 1966, công tác tại Bệnh viện Lê Văn Việt), mong muốn được hỗ trợ làm rõ nguyên nhân tử vong của chồng khi đi điều trị bệnh.
Tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết
Theo nội dung bà H. cung cấp, ngày 22/12/2024 vì cảm thấy mệt có triệu chứng sốt nhẹ, ông Q. đến một phòng xét nghiệm tư nhân kiểm tra thì được chẩn đoán nghi bị sốt xuất huyết.
Chiều tối 23/12, ông Q. mệt nhiều hơn nên được vợ đưa vào Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM) điều trị. Tại đây, bệnh nhân được siêu âm, xét nghiệm máu, chụp X-quang. Bà H. thấy kết quả siêu âm của chồng ghi có dịch tự do ổ bụng lượng nhiều, nên thông báo với bác sĩ trực.
Đêm đầu tiên nhập viện, bà H. cho biết chồng được nhân viên y tế truyền dịch 2 lần, trong trạng thái vẫn nói chuyện, cười vui vẻ với các đồng nghiệp. Sau đó, ông Q. được chuyển từ phòng cấp cứu xuống phòng lưu bệnh theo yêu cầu.
![Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết - 1 Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/Ku6BQOjfoy8DYhNVQz4tUQxlJwA=/2025/02/09/benh-vien-le-van-viet-edited-1739065555166.jpeg)
Bệnh viện Lê Văn Việt (Ảnh: Hoàng Lê).
Khoảng 8h ngày 24/12/2024, con gái ông Q. thấy cha bắt đầu được truyền dịch Lactate Ringer. Trong lúc truyền, điều dưỡng có tiêm thêm một loại thuốc không rõ loại vào chai dịch truyền.
Sau đó, ông Q. nói với con gái cảm thấy mệt và nhịp tim nhanh, khó thở. Lúc này, bác sĩ vào kiểm tra thì giải thích với người nhà nguyên nhân của tình trạng trên là do hồi hộp.
Khoảng 30 phút sau đó, ông Q. được thay chai dịch truyền mới (NaCl), nhưng tình trạng mệt không cải thiện mà lâm dần vào tím tái, không thở nổi.
Khi nhận tin báo, bà H. từ nhà vào viện thì thấy chồng còn tỉnh, đang thở oxy qua mặt nạ và chuẩn bị được đẩy lên xe cấp cứu chuyển viện, yêu cầu bà theo cùng. Ông Q. sau đó được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân được chuyển tiếp vào khoa Hồi sức tim mạch.
Lúc này, gia đình bệnh nhân được thông báo tình trạng ông Q. rất nặng, phải chạy ECMO với chi phí rất cao mỗi ngày, nhưng tiên lượng sống là 50/50.
Ngày 25/12/2024, bà H. được bác sĩ mời vào khoa, cho biết chồng bà đã được truyền tiểu cầu đông lạnh và bị quá tải tuần hoàn gây phù phổi cấp, phải đặt nội khí quản. Bác sĩ thông báo với gia đình việc bệnh nhân bị biến chứng sốt xuất huyết diễn tiến rất nặng và nhanh, gây suy đa tạng phải dùng nhiều thủ thuật, yêu cầu người nhà ký cam kết chấp nhận rủi ro khi điều trị.
![Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết - 2 Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/KGxrCA01rOi-DrJwQUBxIcZXwwk=/2025/02/09/sot-xuat-huyet-tu-vong-3-1739065587835.jpeg?watermark=true)
Cái chết của chồng khiến bà H. bàng hoàng (Ảnh: CTV).
"Lúc đó chồng tôi vẫn tỉnh và nói chuyện được. Tôi động viên chồng cố gắng hợp tác với bác sĩ để nhanh chóng khỏe lại về nhà với vợ con. Sau đó, chồng tôi được tiêm thuốc gây mê để làm các thủ thuật, và mê luôn không tỉnh lại nữa…", người vợ bệnh nhân chia sẻ.
Trải qua thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định với hàng loạt các biện pháp, đến tối 5/1, ông Q. tử vong.
Theo bà H., việc chồng bà khi vào bệnh viện điều trị còn trong tình trạng tỉnh táo, nói cười được, nhưng sau đó lại "tử vong do biến chứng của sốt xuất huyết quá nặng quá nhanh, gặp chủng hiếm, trên cơ địa của người lớn tuổi, không làm gì được" là điều gia đình không thể chấp nhận.
Vợ bệnh nhân đã liên hệ với phía Bệnh viện Lê Văn Việt để hỏi lý do vì sao không chuyển chồng bà vào đơn vị tuyến cuối chuyên khoa truyền nhiễm, đồng thời đặt nghi vấn việc bác sĩ Q. bị truyền thuốc không rõ loại gây biến chứng trước khi chuyển viện. Nhưng lời giải thích từ phía bệnh viện chưa thuyết phục người thân của bệnh nhân.
![Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết - 3 Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/s7UkFZ8vmEkV2CQ7mfbqKfs_ih4=/2025/02/09/sot-xuat-huyet-tu-vong-4-1739065587640.jpeg)
Giấy báo tử của ông Q. ghi nguyên nhân tử vong do sốc nhiễm khuẩn, sốc tim (Ảnh: Gia đình cung cấp).
"Kính mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc. Tôi muốn biết sự thật về nguyên nhân tử vong của chồng tôi, từ đó cũng rút kinh nghiệm cho những người bệnh sau này", bà H. bày tỏ.
Các bệnh viện lên tiếng
Phóng viên Dân trí đã liên hệ phía Bệnh viện Lê Văn Việt và Bệnh viện Nhân dân Gia Định để đề cập các thắc mắc và mong muốn của gia đình bác sĩ nêu trên.
Trả lời phóng viên, lãnh đạo Bệnh viện Lê Văn Việt cho biết, bệnh nhân N.K.Q. nhập viện ngày 23/12/2024. Bệnh sử ghi nhận ông Q. đã sốt 3 ngày kèm mệt mỏi, tự điều trị tại nhà nhưng không giảm.
Bệnh nhân vào viện khi đã có tình trạng sốt cao, đi tiêu lỏng, đau thượng vị, còn tỉnh, tiếp xúc được, da niêm hồng, chi ấm, mạch rõ, sinh hiệu ổn định. Chẩn đoán lúc vào viện của ông Q. là sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo ngày 3, tăng men gan, hội chứng GERD (trào ngược dạ dày thực quản).
Bệnh nhân được theo dõi và điều trị tại khoa Cấp cứu - Hồi sức chống độc. Đến sáng ngày 24/12/2024, bệnh diễn tiến nặng, suy hô hấp tiến triển. Bệnh viện Lê Văn Việt đã hội chẩn liên viện và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định, với chẩn đoán theo dõi viêm cơ tim cấp - sốt xuất huyết Dengue ngày 3 nặng.
Thời điểm chuyển viện, bệnh nhân vẫn tỉnh, tiếp xúc được, khó thở nhẹ.
Đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết thêm, khi bệnh nhân được đưa vào đơn vị, chẩn đoán tại khoa Cấp cứu cho thấy ông Q. có tình trạng sốc tim giai đoạn C, suy tim cấp phân suất tống máu giảm nặng, suy hai thất, viêm cơ tim cấp, suy đa cơ quan (gan, thận), đái tháo đường type 2.
Bệnh nhân sau đó được chuyển đến khoa Hồi sức tim mạch điều trị tích cực, theo phác đồ sốt xuất huyết Dengue nặng, có biến chứng viêm cơ tim cấp kèm suy đa cơ quan. Thời điểm này, Bệnh viện Nhân dân Gia Định lập tức tổ chức hội chẩn liên viện lần 1 với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và lãnh đạo Bệnh viện Lê Văn Việt.
![Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết - 4 Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết - 4](https://cdnphoto.dantri.com.vn/X-tXFkKH6KzjaDrHA58iQjlarDk=/2025/02/09/benh-vien-nhan-dan-gia-dinh-1739066026745.jpeg?watermark=true)
Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Ảnh: Hoàng Lê).
Cuộc hội chẩn kết luận, bệnh nhân được điều trị đúng theo phác đồ nhưng sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn tiến suy đa tạng có viêm cơ tim cấp, xem xét chạy ECMO nếu sốc tim tiến triển. Đồng thời, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã báo cáo cho Sở Y tế TPHCM về ca bệnh trên.
Trong các ngày 25-26/12/2024, người bệnh được điều trị tích cực bằng nhiều phương pháp. Dù chức năng tim cải thiện nhưng bệnh nhân diễn tiến suy chức năng tạng, rối loạn đông máu có biến chứng xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nặng, kèm vô niệu.
Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức hội chẩn liên viện lần thứ 2 với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Lê Văn Việt, thống nhất việc chỉ định thay huyết tương kết hợp lọc máu liên tục.
Đến ngày 5/1, bệnh nhân diễn tiến sốc nhiễm trùng, viêm phổi, sốc tim giai đoạn C, suy đa tạng, sốt xuất huyết Dengue nặng… Trải qua cuộc hội chẩn liên viện lần thứ ba giữa 4 bệnh viện, hội đồng thống nhất tiến hành lọc máu hấp phụ, lên thang kháng sinh và xem xét chạy ECMO.
Sau khi giải thích cho gia đình, bệnh nhân được can thiệp ECMO 24 giờ nhưng không đáp ứng điều trị và tử vong vào tối 5/1.
![Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết - 5 Làm rõ việc bác sĩ ở TPHCM tử vong sau khi điều trị sốt xuất huyết - 5](https://cdnphoto.dantri.com.vn/d2UloIj9cIIKrL8ZcDejG28_TmE=/2025/02/09/sot-xuat-huyet-tu-vong-1-1739065587850.jpeg?watermark=true)
Ngày 6/2, đại diện Sở Y tế TPHCM và các bệnh viện liên quan đã đến thắp hương chia buồn, ghi nhận mong muốn của gia đình bệnh nhân (Ảnh: CTV).
Theo Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đơn vị đã áp dụng tất cả phương tiện hồi sức chuyên sâu, các liệu pháp tối ưu nhất hiện nay và tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị, nhưng không thể cứu được bệnh nhân. Xuyên suốt quá trình điều trị, mọi thông tin đều được giải thích rõ ràng cho thân nhân bệnh nhân (vợ và hai con gái).
"Theo y văn trên thế giới, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết nặng khoảng 1%. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ này là 100/100.000 dân", đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định thông tin.
Trả lời các thắc mắc của gia đình bác sĩ Q., lãnh đạo Bệnh viện Lê Văn Việt chia sẻ, trong thời gian nhập viện tại đây, bệnh nhân được dùng dịch truyền Lactate Ringer, NaCl 0,9%; Paracetamol (dạng dịch truyền) và một vài thuốc hỗ trợ dạng uống (như vitamin C, men tiêu hóa), không có việc tiêm thêm loại thuốc khác vào chai dịch truyền.
Vì ông Q. có dấu hiệu bất thường tim mạch, đồng thời Bệnh viện Nhân dân Gia Định được phân công điều trị sốt xuất huyết theo tuyến, nên chuyển đến đây điều trị là lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân.
Trong quá trình bác sĩ Q. điều trị tại tuyến trên, Bệnh viện Lê Văn Việt đã cử một Phó giám đốc phụ trách chuyên môn tham gia hội chẩn, phối hợp cùng với Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để điều trị cho nhân viên của mình.
Sau khi bác sĩ Q. mất, Bệnh viện Lê Văn Việt đã cử người túc trực hỗ trợ gia đình. Lãnh đạo đơn vị, công đoàn, các khoa, phòng đã đến phúng viếng, động viên, chia sẻ mất mát với thân nhân bệnh nhân.
Liên quan đến sự việc nêu trên, sau khi nắm được thông tin, Ban giám đốc Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế làm việc với Bệnh viện Lê Văn Việt, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, để làm rõ những phản ánh của gia đình bệnh nhân.
Sở Y tế TPHCM cũng yêu cầu tổ chức hội đồng chuyên môn để phân tích nguyên nhân tử vong của trường hợp này.