Từ vụ bé 11 tuổi tự sát vì buồn bố mẹ: "Quả bom nổ chậm" của bệnh trầm cảm

Minh Nhật

(Dân trí) - Có đến 20% dân số mắc bệnh trầm cảm. Dù ở thể nặng hay nhẹ, bệnh nhân đều có thể hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bé gái 11 tuổi tự sát vì nghĩ bố mẹ thương em hơn

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng (TP. Hồ chí Minh) đã tiếp nhận điều trị một bé gái tên T.G, 11 tuổi, ngụ tại Tiền Giang, được chuyển đến trong tình trạng hôn mê, suy chức năng gan, thận do độc chất liều cao của thuốc ngủ ức chế thần kinh. Qua điều tra, các bác sĩ xác định trẻ trước đó đã uống cả một hộp thuốc ngủ.

Từ vụ bé 11 tuổi tự sát vì buồn bố mẹ: Quả bom nổ chậm của bệnh trầm cảm - 1

Bé gái T.G sau khi hồi tỉnh

Điều đáng nói, nguyên nhân của hành động dại dột này xuất phát từ việc trẻ cho cho rằng, bố mẹ đã thiên vị em gái hơn, đồng thời khi đến lớp bé thường bị bạn bè chê bai.

Vụ việc đáng tiếc của bé gái này là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của một bệnh lý vẫn thường không được cộng đồng quan tâm đúng mức trầm cảm.

Trầm cảm: Kẻ giết người thầm lặng

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cũng từng tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân trầm cảm, mà nguyên nhân xuất phát từ chính những vấn đề, tưởng không quá nghiêm trọng như trường hợp của bé G.

Doanh nhân bị phá sản, con dâu chịu áp lực từ mẹ chồng, học sinh bị gia đình áp đặt quá nhiều mục tiêu trong học tập, hay thậm chí là một cậu bé chỉ mới 13 tuổi thường xuyên chứng kiến những cuộc cãi vã của bố mẹ.

Từ vụ bé 11 tuổi tự sát vì buồn bố mẹ: Quả bom nổ chậm của bệnh trầm cảm - 2

Một bệnh nhân trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I

Hành vi tự sát của các bệnh nhân trầm cảm rất khó để đoán trước. Bên cạnh đó, cũng có nhiều lý do để bệnh nhân trầm cảm tự sát, chứ không riêng gì những biến cố lớn hay chuyện quá đau buồn.

BS Nguyễn Hữu Chỉnh, khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: “Chúng tôi từng tiếp nhận một bệnh nhân đã 3 lần tìm cách tự sát. Đáng nói, nguyên nhân của lần tự sát đầu tiên chỉ là vì đang làm việc cường độ cao lại thất nghiệp nên cảm thấy hụt hẫng. Ngoài ra, cũng có trường hợp giám đốc một công ty sau khi phá sản đã có suy nghĩ tìm đến cái chết để giải thoát”.

Từ vụ bé 11 tuổi tự sát vì buồn bố mẹ: Quả bom nổ chậm của bệnh trầm cảm - 3

Một bệnh nhân trầm cảm cố tự sát bằng dao và để lại vết sẹo

Tại khoa 3, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cũng đang điều trị ngoại trú cho 1 người phụ nữ bị trầm cảm có ý tưởng tự sát, chỉ vì các con không chịu kết hôn.

Theo BS Chỉnh, khác với bệnh nhân tâm thần phân liệt, người mắc trầm cảm chủ động lên kế hoạch để tự sát rất bài bản.

Ngay tại Bệnh viện, dù được người nhà và lực lượng nhân viên y tế giám sát chặt, bệnh nhân vẫn có thể thực hiện hành vi tự sát thành công. Chính vì vậy, việc bệnh nhân trầm cảm, đặc biệt là trầm cảm nặng nếu không được đưa đến bệnh viện điều trị thì sẽ rất nguy hiểm.

Gia đình có vai trò quan trọng với bệnh nhân trầm cảm

Theo PGS.TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, 60-80% bệnh nhân trầm cảm nặng có ý định và hành vi tự sát. Thậm chí, các bệnh nhân trầm cảm ở thể vừa và nhẹ, dù xác suất thấp hơn, nhưng hoàn toàn có thể xuất hiện ý định và hành vi tự sát.

Từ vụ bé 11 tuổi tự sát vì buồn bố mẹ: Quả bom nổ chậm của bệnh trầm cảm - 4

PGS.TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I

Lý giải về nguyên nhân bệnh nhân trầm cảm lại tìm cách kết thúc cuộc đời, theo PGS Phương, người trầm cảm thường có tâm lý bi quan, chán nản, nghĩ rằng mình là gánh nặng. Khi quá bức bối, bệnh nhân có thể tự hủy hoại thể xác để giải tỏa hay thậm chí là tự sát, vì xem đó là lối thoát duy nhất của mình.

Một con số sẽ khiến không ít người phải giật mình là trên thế giới, cứ 100 người tử vong (không tính trường hợp tử vong do tai nạn giao thông), có khoảng 70-80 trường hợp liên quan đến trầm cảm.

Từ vụ bé 11 tuổi tự sát vì buồn bố mẹ: Quả bom nổ chậm của bệnh trầm cảm - 5

Vết sẹo để lại sau khi bệnh nhân cắt tay tự sát

Đáng nói, trầm cảm không phải là bệnh hiếm gặp. Theo thống kê, 20% dân số mắc trầm cảm ở các dạng khác nhau. Trong đó, chỉ có 5% trầm cảm điển hình, tức là bệnh nhân biểu hiện bệnh một cách rõ rệt. 15% còn lại là không điển hình nên dễ bị nhầm sang các bệnh lý khác.

Trong khi đó, tại Việt Nam, không ít người có quan niệm trầm cảm không phải là bệnh, chỉ đơn giản là người đó quá bi quan và sẽ tự khỏi. Thậm chí, bệnh nhân trầm cảm còn bị kì thị, dè bỉu. Chính thực trạng này dẫn đến việc bệnh nhân trầm cảm có tâm lý muốn giấu giếm tình trạng của mình, làm lỡ đi giai đoạn vàng để điều trị dứt điểm trầm cảm. Không được giải quyết dứt điểm, bệnh trầm cảm sẽ chuyển sang dạng mạn tính và kịch bản xấu hơn là bệnh nhân tự tìm đến cái chết.

Từ vụ bé 11 tuổi tự sát vì buồn bố mẹ: Quả bom nổ chậm của bệnh trầm cảm - 6

60 – 80% bệnh nhân trầm cảm nặng có ý định và hành vi tự sát.

Cũng theo chuyên gia này, vai trò của gia đình, người thân đối với bệnh nhân trầm cảm là rất lớn. Theo đó, những người xung quanh cần cố lắng nghe, cùng bệnh nhân tháo gỡ các vấn đề, cũng như hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân. Đặc biệt, khoảng thời gian 2 tuần kể từ khi bệnh nhân gặp biến cố hoặc xuất hiện các triệu chứng trầm cảm mang tính quyết định.

“Nếu không nhìn nhận đúng vấn đề, chính gia đình sẽ trở thành nguyên nhân gây trầm cảm hoặc khiến tình trạng của bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn”, PGS Phương nhấn mạnh.