Đâu là "giai đoạn vàng" để chiến thắng ung thư trên mặt trận tâm lý?
(Dân trí) - Cuộc chiến của bệnh nhân ung thư luôn là cuộc chiến “kép” với 2 kẻ thù: khối u bên trong cơ thể và áp lực tâm lý luôn đè nặng.
Theo BS Trần Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia, chính những stress do được chẩn đoán ung thư sẽ khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị.
Do đó, việc giải tỏa gánh nặng tâm lý, chính là một yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư.
Trầm cảm tác động đến bệnh nhân ung thư như thế nào?
PGS.TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần I cho biết, loại trầm cảm thường gặp ở bệnh nhân ung thư là trầm cảm triệu chứng. Trầm cảm triệu chứng phát sinh khi con người mắc phải một căn bệnh nào đó, trong trường hợp này là ung thư, khiến họ hay suy nghĩ về tình trạng của mình gây buồn chán và dẫn đến trầm cảm.
Theo chuyên gia này, trầm cảm tác động đến sức khỏe, cuộc sống của bệnh nhân ung thư trên nhiều khía cạnh.
“Bệnh nhân ung thư sức đề kháng kém, khi mắc trầm cảm lại càng trở nên kém hơn. Điều này khiến bệnh tiến triển nhanh và rút ngắn thời gian sống của bệnh nhân” - BS Phương chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, trầm cảm khiến bệnh nhân ung thư chán ăn, bỏ ăn dẫn đến cơ thể nhanh bị suy kiệt. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư chết vì mất sức, suy kiệt trước khi chết vì căn bệnh mình đang mang trong người.
Nghiêm trọng hơn, khi chuyển sang trầm cảm nặng, bệnh nhân có thể hình thành hành vi tự làm tổn thương bản thân và thậm chí là tự sát.
Chuyên gia này chia sẻ một con số thống kê đáng báo động: “60-70% trường hợp trầm cảm nặng có ý định và hành vi tự sát. Do đó, phải điều trị tích cực. Nếu không, chỉ cần một biến cố hoặc tác động nào đó từ bên ngoài sẽ như giọt nước tràn ly khiến bệnh nhân tự sát”.
“Giai đoạn vàng” để bệnh nhân vượt qua gánh nặng tâm lý
BS Phương cho biết, trầm cảm có thể được nhận diện thông qua 10 dấu hiệu, bao gồm:
- Buồn rầu, chán nản, bi quan kéo dài trên 2 tuần.
- Giảm hoặc mất hẳn hứng thú với các sở thích trước đây.
- Cơ thể mệt mỏi bất thường, nhất là vào buổi sáng.
- Giảm tự tin.
- Nhìn tương lai ảm đạm, bi quan.
- Rối loạn ý định và hình thành tự sát.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Ăn uống kém.
Chuyên gia này chia sẻ rằng, đối với trầm cảm, 6 tháng đầu tiên là giai đoạn vàng để chữa khỏi bệnh. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng, có thể dẫn đến trầm cảm mãn tính.
“Với dạng trầm cảm triệu chứng, bên cạnh thuốc điều trị, liệu pháp tâm lý cũng đóng vai trò then chốt. Do đó, với những người mắc bệnh ung thư thì vấn đề tâm lý ở giai đoạn đầu tiên là cực kì quan trọng” - BS Phương nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, để vượt qua trạng thái tâm lý tiêu cực, trước hết, bệnh nhân ung thư cần phải tin tưởng tuyệt đối vào các phương pháp điều trị ung thư được bác sĩ chỉ định.
Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư nên tìm thêm những cách để khiến tư tưởng nhẹ nhàng hơn. Bệnh nhân có thể bắt đầu bằng những việc như tản bộ, chăm sóc cây cảnh, vật nuôi hoặc kết nối, chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ.
Về phía người thân, gia đình, nên tăng cường trò chuyện và động viên bệnh nhân tham gia các hoạt động giải trí, thư giãn.
“Phải làm mọi cách để đưa người bệnh ra khỏi giường. Nếu bệnh nhân cứ nằm một chỗ suy nghĩ về bệnh tật thì tình trạng sẽ ngày càng nặng” - BS Phương khuyến cáo.