Bác sĩ khoa tâm thần kể những chuyến "tuần tra" ngăn bệnh nhân tự sát

Minh Nhật

(Dân trí) - Mỗi tiếng đồng hồ, bất kể ngày đêm, 4 y, bác sĩ lại bắt đầu chuyến tuần tra đến từng giường bệnh. Mục tiêu đặt lên hàng đầu chính là phát hiện và ngăn cản kịp thời kế hoạch tự sát của bệnh nhân.

Sau song cửa bệnh viện tâm thần

Đằng sau cánh cửa sắt lớn án ngữ trước khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội) là một nơi mà có lẽ nhiều người chỉ biết đến qua những lời đồn thổi hay trí tưởng tượng khu điều trị bệnh nhân tâm thần.

Bác sĩ khoa tâm thần kể những chuyến tuần tra ngăn bệnh nhân tự sát - 1

Hành lang sâu hút dẫn vào một căn phòng lớn, nơi có vài chục bệnh nhân đang cùng nghỉ ngơi, sinh hoạt.

Không có tiếng la hét, cũng không có cảnh tượng kỳ quặc, những bệnh nhân tâm thần nơi đây chỉ đơn giản là nằm trên giường nghỉ, ngồi 1 góc hay đi lại chậm rãi trong phòng. Sự trầm lặng này khiến nhiều người lần bước vào không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ.

Bác sĩ khoa tâm thần kể những chuyến tuần tra ngăn bệnh nhân tự sát - 2

Hành lang dài hun hút dẫn đến khu bệnh phòng

Đến gần một bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Hữu Chỉnh, người đã gắn bó với nơi này trong suốt 8 năm qua bắt đầu hỏi chuyện: “Tối qua anh có ngủ được không?”; “Đầu của anh đã đỡ đau hay chưa?”; “Sáng nay ăn ngon miệng chứ?’.

“Đối với bệnh nhân tâm thần, giấc ngủ cực kỳ quan trọng. Chỉ cần ngủ được thì các triệu chứng của bệnh nhân cũng sẽ giảm đi. Do đó, đây là yếu tố được chúng tôi quan tâm hàng đầu”, bác sĩ Chỉnh lý giải. 

Bác sĩ khoa tâm thần kể những chuyến tuần tra ngăn bệnh nhân tự sát - 3

BS Chỉnh hỏi thăm giấc ngủ một bệnh nhân tâm thần

Đi cùng BS Chỉnh còn có 3 y, bác sĩ khác cũng đang phân nhau hỏi thăm tình hình của từng bệnh nhân. Đương nhiên, công việc của một bác sĩ chuyên khoa tâm thần không chỉ dừng lại ở đó.

Những chuyến “đi tour” ngăn bệnh nhân tự sát

“Đi tour” là thuật ngữ mà các bác sĩ tại đây đặt cho nhiệm vụ đặc biệt của mình. Cứ cách khoảng 1 tiếng, các y, bác sĩ lại đi tour và lặp lại liên tục 24/24h. Không chỉ là thăm hỏi, theo dõi tình hình của các bệnh nhân, một trong những mục đích quan trọng nhất của những chuyến đi tour chính là để phát hiện kịp thời hành vi tự sát của bệnh nhân.

Theo BS Chỉnh, hành vi tự sát của các bệnh nhân tâm thần phân liệt, có thể vì chứng ảo thanh, nghĩa là họ có thể nghe thấy tiếng nói trong đầu xúi giục, thậm chí là ra lệnh bản thân phải tự kết liễu mình. Tuy nhiên, ở các bệnh nhân trầm cảm vấn đề lại phức tạp hơn rất nhiều.

Bác sĩ khoa tâm thần kể những chuyến tuần tra ngăn bệnh nhân tự sát - 4

Các bệnh nhân có ý tưởng tự sát phải có người nhà giám sát 24/24

“Điểm đặc biệt ở các bệnh nhân trầm cảm là họ sẽ chủ động lập kế hoạch để tự sát, bởi với họ đây là sự giải thoát. Cả phương thức tự sát và thời điểm tự sát được bệnh nhân tính toán kỹ, để khả năng thành công là cao nhất” – BS Chỉnh phân tích.

Theo lời chuyên gia này, nhiều biện pháp được thực hiện để phòng ngừa hành vi tự sát của các bệnh nhân. Theo đó, khu vực phòng bệnh nhân phải hạn chế tối đa các vị trí và phương tiện để có thể tự sát. Đơn cử như việc đảm bảo không có sự xuất hiện của các vật sắc nhọn như dao, kéo, nĩa. Hàng ngày, các bác sĩ cũng phải khai thác xem bệnh nhân có ý tưởng tự sát hay không.

BS Chỉnh nói: “Với những bệnh nhân có ý tưởng tự sát hoặc nặng hơn là đã có hành vi tự sát, thì bắt buộc phải có người nhà vào ở cùng để chăm sóc và giám sát bệnh nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi phải tăng cường điều trị cả về thuốc cũng như tâm lý”.

Nhiều biện pháp là vậy, nhưng chuyên gia này cho hay, vẫn rất khó để ngăn chặn 100% hành vi tự sát của các bệnh nhân. Do đó, thực hiện đi tour 24/24h là điều cần thiết. Thực tế, đã có không ít lần, mạng sống của các bệnh nhân được giữ lại nhờ những chuyến tuần tra như vậy.

BS Chỉnh chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân trầm cảm có ý tưởng tự sát rất mãnh liệt, họ thường chọn thời điểm đêm khuya hoặc 4-5h sáng, lúc mọi người đều đi ngủ, để tự kết liễu cuộc đời mình”.

Bác sĩ khoa tâm thần kể những chuyến tuần tra ngăn bệnh nhân tự sát - 5

Một bệnh nhân trầm cảm tại khoa Cấp tính nam

Chỉ tay vào khung cửa sổ, anh tiếp lời: “Dù không có vật sắc nhọn, bệnh nhân có thể lấy chính áo quần của mình, buộc vào khung cửa để thực hiện hành vi này. Kể từ khi tôi bắt đầu công tác tại bệnh viện, đã có 2 lần bệnh nhân tâm thần đang tự sát bằng cách này, được phát hiện trong quá trình đi tour. May mắn là chưa có bệnh nhân nào tử vong”.

Nơi bác sĩ bị bệnh nhân tấn công trở thành “chuyện thường”

“Với những chuyên khoa khác, mọi người có thể thấy cảnh người nhà bệnh nhân đuổi đánh y, bác sĩ. Tuy nhiên, với ngành tâm thần của chúng tôi thì việc bị bệnh nhân tấn công lại là chuyện thường”, BS Chỉnh tâm sự về chuyện nghề.

Với đặc thù công việc như vậy, mỗi nhân viên y tế làm việc trong ngành tâm thần luôn phải giữ sự cảnh giác cao độ, cũng như nằm lòng những kỹ năng nghề nghiệp.

Bác sĩ khoa tâm thần kể những chuyến tuần tra ngăn bệnh nhân tự sát - 6

"Với ngành tâm thần của chúng tôi thì việc bị bệnh nhân tấn công là chuyện thường", BS Chỉnh chia sẻ

“Chúng tôi phải học cách nhận biết bệnh nhân nào có khả năng tấn công mình. Trong quá trình tiếp xúc với bệnh nhân, các y, bác sĩ cũng luôn phải giữ khoảng cách nhất định, đồng thời chú ý đến từng hành vi, lời nói của bệnh nhân” – BS Chỉnh cho biết.

Dù cảnh giác và có nhiều kinh nghiệm đến đâu, các “blouse trắng” vẫn không thể đảm bảo mình có thể an toàn tuyệt đối. Theo chia sẻ của BS Chỉnh, ngoài những bệnh nhân bộc lộ rõ hành vi kích động (chửi bới, cộc cằn) có thể dễ dàng nhận diện, còn có không ít trường hợp ở trạng thái lầm lì, nhưng có thể bộc phát tấn công y, bác sĩ bất kỳ lúc nào.

Bác sĩ khoa tâm thần kể những chuyến tuần tra ngăn bệnh nhân tự sát - 7

Bức tranh được một bệnh nhân vẽ trên tường phòng bệnh

BS Chỉnh kể: “Từng có một đồng nghiệp của tôi bị rạn xương phải bó bột vì bệnh nhân tấn công. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần bị bệnh nhân của mình dọa đánh. Không nghiêm trọng bằng, nhưng xảy ra thường xuyên hơn là việc bệnh nhân phun cơm vào mặt các điều dưỡng vì kích động”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm