1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tử vong sau tiêm Quinvaxem là do trùng hợp bệnh ngẫu nhiên!

(Dân trí) - Bé gái 5 tháng tuổi tại Bạc Liêu tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem là trường hợp thứ 2 tử vong sau khi vắc xin này được tiêm trở lại trong 1 tháng qua. Hàng loạt trẻ có phản ứng sau tiêm phải nhập viện theo dõi…

Tử vong sau tiêm vắc xin là do trùng hợp bệnh ngẫu nhiên!


Bộ Y tế khẳng định hai ca tử vong không phải do vắc xin và tiếp tục triển khai tiêm Quinvaxem trên toàn quốc. Những phản ứng do vắc xin Quinvaxem gây ra là những phản ứng thông thường, thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Xung quanh việc tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem, những phản ứng không mong muốn do vắc xin mang lại, những ca tử vong do trùng hợp bệnh ngẫu nhiên… phóng viên Dân trí đã có trao đổi với GS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh trên) về vấn đề này.

Thưa ông, bé gái 5 tháng tuổi tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem là trường hợp tử vong thứ 2 chỉ sau một tháng tiêm trở lại vắc xin này. Điều này có gì bất thường không, thưa ông?

Nhìn chung vắc xin là có nguy cơ phản ứng xảy ra sau tiêm. Nhưng nguy cơ đó là nhỏ, là chấp nhận được không ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe trẻ. Thông báo mới nhất của WHO về các phản ứng phụ, phản ứng nặng xảy ra với vắc vin có thành phần ho gà toàn tế bào cho thấy tỉ lệ phản ứng rất cao, đến 50% trẻ sốt trên 38 độ C; 60% trẻ có kích thích toàn thân, quấy khóc, khó chịu…Đó là những phản ứng thông thường của vắc xin này, không có gì cá biệt.

Còn về hai trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem, kết luận của Hội đồng khoa học cho thấy không liên quan đến vắc xin. Đặc biệt trường hợp tại Quảng Trị, khi bệnh nhân đến viện đã kịp thời làm các chẩn đoán cận lâm sàng xác định tình trạng viêm phổi của bệnh nhi. Nhất là kết quả mổ tử thi sau đó đã chứng minh trẻ tử vong do mắc bệnh trùng hợp ngẫu nhiên với thời điểm tiêm chủng, không phải do vắc xin.

Đến thời điểm ngày 25/11/2013 đã có 62/63 tỉnh triển khai tiêm vắc xin quinvaxem với tổng số trẻ được tiêm là khoảng 400.000 trẻ. Tỷ lệ có phản ứng chung cả nước sau tiêm là 0,3%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (từ 10%-50%). Hầu hết là các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nhẹ (sốt nhẹ dưới 38,5ºC, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc...). Phản ứng tại chỗ, sốt và các triệu chứng khác là một phần của phản ứng giữa hệ thống miễn dịch của cơ thể với kháng nguyên vắc-xin. Tuy vậy, cũng có thể có những phản ứng nặng hơn như tím tái, co giật, khóc thét dai dẳng, sốc phản vệ, bại não..., nhưng rất hiếm gặp.

Theo báo cáo giám sát phản ứng sau tiêm vắc xin quinvaxem tại Hà Nội tháng 11/2013, tỷ lệ phản ứng sau tiêm sưng, nóng đỏ đau là 0,034%, sốt cao là 0,187%, tím tái là 0,032%, khó thở là 0,011%, co giật là 0,023%. Nhu vặy, tỉ lệ phản ứng sau tiêm ở Việt Nam vẫn thấp hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với tỷ lệ thống kê của WHO đối với vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào.

Vì sao vắc xin Quinvaxem lại gây ra nhiều phản ứng mạnh cho trẻ? So với vắc xin này, vắc xin có thành phần ho gà vô bào có an toàn hơn không, thưa ông?

Trong các vắc xin thì vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào gây phản ứng mạnh nhất hiện nay về phản ứng phụ, là những phản ứng phụ tại chỗ chấp nhận được, không đe dọa tính mạng. Với vắc xin ho gà vô bào, những phản ứng tại chỗ nhẹ hơn, nhưng với những phản ứng mạnh thì tỉ lệ tương đương với vắc xin toàn tế bào. WHO cũng đã kết luận, vắc xin ho gà toàn tế bào là rất an toàn, tương đương với vắc xin ho vô bào. Đến nay, trên thế giới và ở Việt Nam không có bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa việc tiêm Quinvaxem với các trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin. Các trường hợp tử vong sau tiêm phần lớn là do mang bệnh trùng hợp ngẫu nhiên như viêm phổi, viêm phế quản, còi xương, béo phì…

Tại Việt Nam, số tử vong ước tính do trùng hợp ngẫu nhiên liên quan đến tiêm chủng trong một ngày sau tiêm vắc xin DPT là khoảng 166 trường hợp. Số trẻ tử vong ngẫu nhiên sau 1 tuần tiêm chủng là 1.168 trường hợp (trong tổng số sinh 1,5 triệu trẻ/năm). Trong khi đó tại Philippin, tỉ lệ này là 432 trường hợp trong ngày tiêm chủng, 3.019 trường hợp trong tuần tiêm chủng (trong tổng số sinh 2,2 triệu trẻ/năm)…

Những phản ứng tại chỗ dù không đe dọa tính mạng nhưng vẫn làm người dân hoang mang, lo lắng, thậm chí dẫn đến bỏ mũi tiêm cho trẻ. Việt Nam có tính đến phương án thay thế một loại vắc xin khác thay cho vắc xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào không, thưa ông?

Như tôi đã nói, WHO khẳng định giữa hai loại vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào và vô bào là an toàn như nhau về góc độ phản ứng nặng, tử vong. Tuy nhiên xu hướng các nước phát triển dùng vắc xin vô bào là để giảm các phản ứng phụ tại chỗ gây khó chịu cho bệnh nhân, hoang mang cho người dân. Họ dùng vắc xin này cũng nhằm mục đích tăng lòng tin của người dân với tiêm chủng.

Tại Việt Nam, thực chất vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào được triển khai suốt trong 28 năm nay, góp phần quan trọng giảm tỉ lệ tử vong ho gà, uấn ván. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến phương án thay thế vắc xin chứa thành phần ho gà vô bào ( vì vắc xin ho gà toàn tế bào có những phản ứng phụ khiến người bệnh lo lắng) để tạo lòng tin người dân tốt hơn. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay không đơn giản, khi mà ngân sách của chương trình mục tiêu quốc gia cắt giảm.

Theo kế hoạch, chương trình TCMR năm 2014 dự kiến được cung cấp 140 tỷ, giảm 40% so với năm 2013 và với kinh phí này có nguy cơ phải cắt bỏ bớt một số vắc xin và nhiều hoạt động của chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó Chương trình TMCRQG đề nghị Chính phủ  tiếp tục hỗ trợ đủ kinh phí trong năm 2014  để bảo đảm đạt được các chỉ tiêu về tiêm chủng mà Chính phủ đã phê duyệt bao gồm duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao và đầy đủ các loại vắc xin, đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng, đưa thêm vắc xin mới vào Chương trình TCMR nhằm giữ vững thành quả TCMR, giảm tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin. 

Các bậc phụ huynh rất hoang mang cho trẻ tiêm chủng thời điểm này, ông có lời khuyên gì để trấn an họ trong lúc này?

Bản chất của tiêm chủng là tốt, dự phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được kiểm định an toàn. Tuy nhiên, với một số phản ứng không mong muốn, trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra. Vì thế, người dân hãy hợp tác với cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tim chủng, cần thông báo đầy đủ về tình trạng bệnh tật của trẻ để quyết định tiêm hay hoãn tiêm, cũng như việc giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ sau tiêm.

Vắc xin Quinvaxem đã được WHO chứng minh là đạt chất lượng, an toàn tương đương vắc xin vô bào về tỉ lệ phản ứng nặng, tử vong. Thực tế tại Việt Nam, tỉ lệ tai biến liên quan đến vắc xin này cũng thấp hơn nhiều so với khuyến cáo, vì thế, ngành y tế mong mỏi người dân tin tưởng và đưa trẻ đi tiêm chủng. Khi thực hiện đúng quy trình tiêm chủng từ tư vấn, sàng lọc trước tiêm, tiêm và đặc biệt là theo dõi của gia đình với đứa trẻ chặt chẽ, có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị, tỉ lệ tai biến sẽ giảm đi.

Hồng Hải (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm