DMagazine

Từ thử thách "mượn tay" đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt

(Dân trí) - Đóng mũi chỉ cuối cùng cho ca phẫu thuật ghép chi thể dài 8 tiếng đồng hồ, các bác sĩ quân y không chỉ "hồi sinh" đôi tay cho bệnh nhân, mà còn viết lại cuộc đời của một con người.

Từ thử thách "mượn tay" đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt

Đóng mũi chỉ cuối cùng cho ca phẫu thuật ghép chi thể dài 8 tiếng đồng hồ, các bác sĩ quân y không chỉ "hồi sinh" đôi tay cho bệnh nhân, mà còn viết lại cuộc đời của một con người.

Ghép chi thể: Thách thức lớn với ngành y

Sau một tai nạn lao động, anh Phạm Văn Vương (32 tuổi) đã bị dập nát, biến dạng hoàn toàn 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái. Dù được đưa đến bệnh viện rất sớm nhưng phần tay bị thương đã dập nát không còn khả năng bảo tồn nên phải cắt bỏ. Đang là trụ cột của cả gia đình, anh Vương bỗng chốc trở thành gánh nặng. Cánh tay trái bị cụt đã trở thành thứ ám ảnh người đàn ông này bất kể ngày hay đêm.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 1

Anh Phạm Văn Vương (phải) bị mất bàn tay trái và một phần cẳng tay do tai nạn lao động (Ảnh: BVCC).

Cậu thanh niên trẻ Trần Bằng Nam lại mất đi toàn bộ 2 cẳng tay của mình sau một vụ nổ do làm thí nghiệm hóa học. Tỉnh dậy tại phòng cấp cứu với 2 cánh tay chỉ còn phân nửa, cậu học sinh lớp 9 như ngã quỵ. Niềm hy vọng cuối cùng của Nam và gia đình tiếp sau đó cũng bị dập tắt, khi bác sĩ nói rằng, giải pháp duy nhất là lắp tay giả bởi việc ghép chi thể của người khác chưa từng được thực hiện ở Việt Nam.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 2

Cậu thanh niên trẻ Trần Bằng Nam mất đi toàn bộ 2 cẳng tay của mình sau một vụ nổ do làm thí nghiệm hóa học.

Sự tuyệt vọng của những bệnh nhân như anh Vương hay Nam, thời điểm đó, cũng chính là nỗi trăn trở bấy lâu của các bác sĩ Việt Nam, khi mà ghép chi thể đồng loại vẫn là giới hạn mà y học nước nhà chưa thể vượt qua.

Trên thế giới, trồng, nối chi thể là kỹ thuật được thực hiện thường quy từ thập kỷ 80. Ngành y Việt Nam cũng đã sớm làm chủ được kỹ thuật này. Những "cánh tay, cẳng tay, bàn tay, ngón tay" bị đứt rời có thể nối lại được trong vòng từ 5-8 giờ với kết quả chức năng thuận lợi, nếu như bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện kịp thời. Tuy nhiên, việc ghép chi thể đồng loại lại là một kỹ thuật phức tạp hơn rất nhiều.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 3

GS.TSKH. TTND Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) nhận định ghép chi thể đồng loại là một kỹ thuật rất phức tạp.

GS.TSKH. TTND Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) phân tích rõ hơn về vấn đề này: "Ghép chi thể đồng loại là một kỹ thuật vi phẫu phức tạp đòi hỏi người cho - người nhận phải tương thích từ nhóm máu đến hệ thống miễn dịch, và sau phẫu thuật sử dụng thuốc chống thải ghép thật phù hợp, chặt chẽ, cẩn trọng hơn ghép nhiều mô tạng khác".

Từ thử thách "mượn tay" đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt

Trên thế giới, từ năm 1998 đến năm 2020, mới chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể đồng loại được thông báo trong y văn quốc tế, tất cả các trường hợp được ghép đều lấy từ người cho chết não.

Ghép chi thể đồng loại cũng là mục tiêu mà Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã vạch ra và theo đuổi trong suốt một thời gian dài.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 4

GS Hoàng cho biết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã dành nhiều năm để chuẩn bị những yếu tố cần thiết cho ca mổ ghép chi thể đồng loại đầu tiên.

"Để có thể hiện thực hóa ca ghép chi thể đồng loại đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chúng tôi đã có sự chuẩn bị trong nhiều năm liền, từ xây dựng đề án, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, pháp lý cho đến đào tạo nhân sự trong và ngoài nước. Bản thân tôi cũng đã trực tiếp tham gia ca ghép 2 tay từ người cho chết não cho bệnh nhân ở Đức. Chúng tôi đặt quyết tâm cao nhất để có thể làm chủ được kỹ thuật đỉnh cao này", GS Hoàng chia sẻ.

Ca mổ "độc nhất vô nhị" trên thế giới

Ngày 3/1/2020, kíp trực của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một ca bệnh rất nặng nề và phức tạp, do bị tai nạn lao động từ tuyến dưới chuyển lên. Bệnh nhân vào viện cấp cứu ở giờ thứ 5 sau khi bị tai nạn do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay trái cho đến sát nách. 

Sau cấp cứu, mặc dù thoát sốc và tính mạng bệnh nhân được cứu sống, nhưng theo dõi sau mổ cho thấy các khối cơ vùng cẳng tay và cánh tay vẫn tiếp tục hoại tử thứ phát và bội nhiễm.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 5

Bệnh viện tiến hành hội chẩn trước ca ghép tay (Ảnh: BVCC).

Bệnh nhân đã được hội chẩn nhiều lần qua các cấp trong Bệnh viện và thống nhất chỉ định phải cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay. Các bác sĩ cũng nhận thấy rằng, phần thừa của chi thể sẽ bị cắt cụt còn tương đối bình thường và có thể được sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Phía bệnh nhân và gia đình cũng đã đồng ý và tự nguyện hiến phần chi thể này của mình như một nghĩa cử nhân văn.

Điều này mở ra một cơ hội vàng để Bệnh viện có thể thực hiện ca ghép chi thể đầu tiên. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức lớn đặt ra cho đội ngũ "blouse trắng".

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 6

Nhớ lại ca mổ lịch sử, GS Hoàng cho rằng, Bệnh viện đã có một quyết định đầy bản lĩnh để không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng.

GS Hoàng nhớ lại: "Đó là một quyết định đầy bản lĩnh của tập thể Bệnh viện. Sau 18 ngày điều trị, phần chi thể từ cánh tay đến cẳng tay của chi thể chuẩn bị cắt cụt đang bị hoại tử và bội nhiễm thứ phát. Do đó, bàn tay sẽ được ghép phải đối diện với nguy cơ nhiễm trùng rất cao, có thể đe dọa tính mạng người được ghép. Chúng tôi đã có cuộc hội chẩn đặc biệt để cân nhắc cẩn thận và kỹ lưỡng mọi nguy cơ có thể xảy ra. Với quyết tâm cao của Giám đốc Bệnh viện, GS.TS.TTND Mai Hồng Bàng cùng toàn thể Ban giám đốc Bệnh viện và kíp phẫu thuật, chúng tôi quyết định phải nắm lấy cơ hội này".

Ca ghép chi thể lịch sử được tiến hành vào ngày 21/1/2020 (tức 27 Tết âm lịch Canh Tý). Người may mắn được nhận chi thể, không ai khác, chính là anh Phạm Văn Vương.

Ca phẫu thuật do trực tiếp GS Hoàng cùng với các bác sĩ khoa Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện. 

Theo GS Hoàng, ca mổ này thực sự là một cuộc chiến cân não. Trong ghép chi thể đồng loại, khó nhất là ghép cổ tay và cẳng tay vì nơi đây có tới 43 cơ, 8 mạch máu lớn, vô số dây thần kinh phức tạp kèm gân, cơ, sụn, khớp… để điều khiển cử động vô cùng tinh tế của bàn tay, trong khi ghép chân đơn giản hơn rất nhiều.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 7

 Quá trình phẫu thuật ghép chi thể cho bệnh nhân Vương (Ảnh: BVCC).

Các bác sĩ phải đối mặt cùng lúc nhiều khó khăn: kĩ thuật rất khó; thải ghép sau phẫu thuật phức tạp; phải chuẩn bị tâm lý cho bệnh nhân kỹ càng; quá trình tập vật lý phục hồi chức năng sau mổ đòi hỏi kiên trì, dài lâu. Với riêng kỹ thuật ghép, bác sĩ thực hiện phải thành thạo cùng lúc 3 kĩ năng: vi phẫu thuật, phẫu thuật tạo hình và chấn thương chỉnh hình.

"Trong ca mổ này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi đã xây dựng kịch bản ứng phó, để chuẩn bị sẵn cho mọi tình huống xấu, với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bệnh nhân và sự thành công của ca ghép".

Sau 8 tiếng, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Tất cả các cấu trúc giải phẫu chức năng của chi ghép (da, cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh...) đã được phục hồi hoàn chỉnh và đầy đủ. Chi ghép sau mổ sống tốt và được tưới máu giống như chi bên lành.

Tỉnh dậy sau ca mổ vào 9h sáng ngày 28 Tết, bệnh nhân Vương ngỡ ngàng với bàn tay mới trên cánh tay trái của mình.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 8

Bệnh nhân Vương cùng ê-kíp phẫu thuật (Ảnh: BVCC).

Anh chia sẻ: "Tôi bị "đứng hình" mất cả chục giây, rồi chỉ muốn hét lên vì vui sướng, muốn gọi điện ngay về cho vợ con, cha mẹ, là con có tay rồi, con không còn cụt nữa".

Ca phẫu thuật ghép tay cho bệnh nhân Vương cũng đã trở thành ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

GS Hoàng nhận định: "Ca mổ này mở ra hướng điều trị mới trong tương lai, không chỉ ghép chi thể từ người hiến chết não mà còn từ người sống cho những người bệnh không may bị mất đi chi thể".

Thành công của ca ghép chi thể đồng loại đầu tiên này đã làm tiền đề, để 8 tháng sau, ca mổ thứ hai được thực hiện với độ khó tăng lên rất nhiều. Người được ghép chi thể chính là cậu thanh niên 18 tuổi Trần Bằng Nam.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 9

Ê-kíp mổ thực hiện ghép 2 cẳng tay thành công cho bệnh nhân Nam (Ảnh: BVCC).

Người đã hiến tặng Nam 2 cẳng tay là một bệnh nhân chết não. Ca ghép chi thể cũng đã được tiến hành đồng thời với 1 ca ghép phổi, 1 ca ghép gan, 2 ca ghép thận và 1 ca ghép tim, với nguồn mô tạng đều từ bệnh nhân này.

GS Hoàng phân tích: "So với ca ghép chi thể cho bệnh nhân Vương, lần này có nhiều điểm khó khăn hơn. Trước hết phải kể đến việc mức độ khuyết thiếu của chi thể nặng hơn, khi phải ghép từ gần khủyu tay, thay vì chỉ là phần bàn tay. Bên cạnh đó, phải kể đến việc người hiến tay và người nhận khác nhóm máu. Điều may mắn là cẳng tay của người hiến có màu sắc da, cấu trúc giải phẫu tương đồng sinh học rất hợp, chỉ định ghép tuyệt đối".

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 10

Ở thời điểm hiện tại, phần ghép ở 2 tay của Nam đã liền da.

Ca ghép 2 cẳng tay được tiến hành từ 8h30 sáng đến 4h chiều 16/9, diễn biến trong và sau mổ thuận lợi. Theo GS Hoàng thời gian này chỉ bằng 1/2 thời gian của ca ghép tương tự, mà ông từng có cơ hội thực hiện ở Đức. Sau mổ, tưới máu chi thể tốt, việc thải ghép cực kì tối thiểu, đến nay đã qua 7 tháng mà chưa ghi nhận đợt thải ghép cấp tính nào.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 11
Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 12
Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 13

"Cậu thanh niên này có một nghị lực phi thường, nên đã phục hồi chức năng rất tốt. Tay ghép hiện sống hoàn toàn bình thường. Nếu mặc áo dài tay khó có thể phát hiện ra. Điều này cho thấy về kỹ thuật, ê-kíp Việt Nam đã thực hiện ca ghép rất tốt", GS Hoàng nhận định.

Điều kì diệu viết nên bởi đôi tay "đi mượn"

Với bàn tay mới, cuộc sống của anh Phạm Văn Vương gần như đã trở lại như xưa. Hiện tại, mặc dù chưa thể cầm nắm thành thạo những vật nhỏ, nhưng người đàn ông này đã có thể tự lái xe máy, làm nhiều việc trong nhà và quay trở lại cơ quan.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 14

Còn đối với Nam, đôi cánh tay mới đã giúp cậu có thể tự thực hiện vệ sinh cá nhân, mặc áo quần và thậm chí là nhắn tin trên điện thoại. Mặc dù vẫn còn cả một trình dài để cậu thanh niên này có thể làm quen hoàn toàn với đôi tay mới, nhưng điều quan trọng nhất là Nam đã lấy lại được niềm vui sống. Và với cậu, ước mơ sẽ trở thành sự thật trong một ngày không xa.

"Khi vừa mất đôi tay, nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình lành lặn được đi học, vui chơi cùng bạn bè. Lúc này, tôi tin rằng giấc mơ đó sẽ sớm trở thành sự thật", Nam chia sẻ.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 15

Nam đã có thể sử dụng đôi tay mới để nhắn tin.

Theo GS Hoàng, về nguyên tắc chi thể sau ghép sẽ ngày càng phục hồi tốt, tiệm cận với nguyên bản. Nếu bệnh nhân chăm chỉ tập luyện và các diễn biến đều tốt, khả năng vận động của chi thể được ghép sẽ đạt 80-90%.

Từ thử thách mượn tay đến ca mổ đầu tiên trên thế giới của bác sĩ Việt - 16

Nam vui mừng chia sẻ rằng, giấc mơ được đến trường có lẽ sẽ không còn xa.

GS Hoàng khẳng định: "Sự thành công của 2 ca phẫu thuật đặc biệt này đã mở ra nhiều cơ hội cho những người không may bị mất đi chi thể. Theo thống kê, hiện nay ở nước ta đang có hàng vạn người mong muốn được ghép phần chi thể bị khiếm khuyết do nhiều nguyên nhân. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã có rất nhiều trường hợp nộp hồ sơ chờ ghép. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục nghiên cứu, không ngừng hoàn thiện, nâng cao trình độ ghép chi thể đồng loại để hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân".