Tự mua thuốc trị đau họng, người đàn ông phải cắt lưỡi vì căn bệnh quái ác
(Dân trí) - Các bác sĩ khuyến cáo, không có cách nào ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Trong đó, người hay hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, nhiễm HPV cần cảnh giác khi xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Mới đây, các bác sĩ chuyên khoa ung thư đầu cổ, một bệnh viện ở TPHCM đã phẫu thuật cắt lưỡi bán phần và nạo vét hạch cổ cho một bệnh nhân bị căn bệnh quái ác ở lưỡi.
Hơn 3 tháng trước, lưỡi của ông N.B. (56 tuổi) xuất hiện nhiều mảng trắng đục kèm đau rát khi ăn uống. Nghĩ là bệnh bình thường, ông mua thuốc tây uống nhưng cơn đau không thuyên giảm mà ngày càng tăng.
Khi người đàn ông đến bệnh viện cầu cứu, qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông có khối u nguy hiểm ở lưỡi, cần tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần bờ lưỡi phải.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có sang thương dạng loét sùi bờ phải lưỡi, kích thước 2cm, xâm nhiễm mô xung quanh. Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị ung thư lưỡi. Lúc này, bệnh nhân tiếp tục được tiến hành làm các xét nghiệm và chụp CT, siêu âm để khảo sát giai đoạn bệnh, lên kế hoạch điều trị, vì khối u có thể di căn vào hạch bạch huyết rất sớm.
Ca phẫu thuật cắt nửa bên phải lưỡi bệnh nhân và nạo hạch cổ nhóm I, II, III cùng bên theo đường khoang miệng kéo dài trong 2 giờ. Việc đánh giá mức độ xâm lấn của thương tổn được tiến hành kỹ lưỡng, để tránh trường hợp tế bào bướu sót lại sau phẫu thuật, làm tăng nguy cơ tái phát cho bệnh nhân.
Người đàn ông được đặt sonde mũi dạ dày trong mổ và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch sau mổ. 7 ngày hậu phẫu, vết mổ khô, bệnh nhân được cho ăn lại qua đường miệng, ghi nhận vận động vùng lưỡi không có bất thường.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, ung thư lưỡi là loại ung thư thường gặp nhất tại vùng hốc miệng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 61-70. Đáng chú ý, đa số bệnh nhân nhập viện trễ, với hơn 61% đã ở giai đoạn 3-4.
Bác sĩ Khôi phân tích, ban đầu, người mắc bệnh ung thư lưỡi không có triệu chứng rõ ràng, chỉ là một vết loét ở lưỡi. Lâu dần, vết loét này gây đau ngày càng nhiều. Đến khi biến chứng nặng, lưỡi cử động khó, thậm chí không thể thè ra được, bệnh nhân mới hốt hoảng đi khám thì đã nặng.
Một thực trạng khác là việc cơ sở y tế tuyến dưới ít có kinh nghiệm chẩn đoán ung thư lưỡi, dễ bị nhầm lẫn sang viêm loét lưỡi thông thường và điều trị sai cách, khiến việc can thiệp sau đó tại tuyến trên gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, thời gian để ung thư lưỡi phát triển từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối ở người trẻ chỉ cần từ 4-8 tháng, đồng nghĩa với việc tính mạng bị đe dọa nặng nề. Khi ở giai đoạn cuối, tiên lượng sống sót của bệnh nhân chỉ còn từ 30-40%.
Các bác sĩ khuyến cáo, không có cách nào ngăn ngừa hoàn toàn ung thư lưỡi phát triển. Tuy nhiên, nếu phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu nào, người dân - đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ như người hay hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, nhiễm HPV, tiền sử gia đình mắc ung thư lưỡi - hãy đi khám càng sớm càng tốt. Việc phát hiện bệnh càng sớm thì kết quả điều trị càng cao.