1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Căn bệnh hàng trăm người Việt phát hiện ở giai đoạn trễ, phải cắt lưỡi

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khi phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, người mắc phải tiến hành phẫu thuật cắt rộng tổn thương vùng lưỡi, khiến chức năng nói và nuốt ảnh hưởng nặng nề sau điều trị.

Theo thống kê của Bệnh Viện Ung bướu TPHCM, hằng năm nơi đây tiếp nhận khoảng 150-200 trường hợp ung thư lưỡi mới phát hiện.

Ung thư lưỡi là loại ung thư thường gặp nhất tại vùng hốc miệng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 61-70, tỷ lệ nam/nữ mắc phải là 1,7/1. Đáng chú ý, đa số bệnh nhân nhập viện trễ, với hơn 61% đã ở giai đoạn 3-4.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Phó trưởng bộ môn Ung Bướu, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ, những năm gần đây, khoa tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân tuổi đời còn khá trẻ đã mắc ung thư lưỡi.

Căn bệnh hàng trăm người Việt phát hiện ở giai đoạn trễ, phải cắt lưỡi - 1

Lưỡi bệnh nhân ung thư bị biến dạng, có vết loét sâu (Ảnh: BS).

Bác sĩ Khôi phân tích, bệnh nhân trẻ tuổi thường chủ quan sức khỏe tốt và không nghĩ mình bị ung thư nên ít đi khám bệnh, nên đến khi vào viện đã ở giai đoạn muộn.

Một thực trạng khác là việc cơ sở y tế tuyến dưới ít có kinh nghiệm chẩn đoán ung thư lưỡi, dễ bị nhầm lẫn sang viêm loét lưỡi thông thường và điều trị sai cách, khiến việc can thiệp sau đó tại tuyến trên gặp nhiều khó khăn.

Trên lâm sàng, phẫu thuật cắt rộng bướu nguyên phát là phương pháp thường được lựa chọn để điều trị bệnh. Hầu hết các trường hợp sau phẫu thuật sẽ dễ tạo khuyết hổng lớn, ảnh hưởng nặng nề đến chức năng nói và nuốt của người bệnh.

Năm 2010, dưới sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, bác sĩ Khôi và cộng sự đã thực hiện thành công những ca vi phẫu tạo hình lưỡi đầu tiên.

Đến nay, khoa Ngoại đầu cổ - Hàm mặt trở thành nơi tiếp nhận hầu hết ca ung thư đầu cổ cần được tái tạo bằng kỹ thuật vi phẫu ở khu vực phía Nam, trong đó có ung thư lưỡi.

Căn bệnh hàng trăm người Việt phát hiện ở giai đoạn trễ, phải cắt lưỡi - 2

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Phẫu thuật này được đánh giá là một bước tiến mới, mang lại hy vọng cho bệnh nhân ung thư lưỡi giai đoạn trễ, phục hồi chức năng nuốt và nói tốt hơn, đồng thời giảm đau và khắc phục tình trạng hôi miệng do khối ung thư đem lại.

Từ đó, giúp cải thiện sống còn, mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn cho cả bệnh nhân và gia đình.

Theo Sở Y tế TPHCM, vi phẫu tạo hình lưỡi là phẫu thuật tái tạo rất phức tạp, mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kết hợp giữa phẫu thuật cắt bỏ và phẫu thuật tái tạo. Nhưng theo thống kê của nhóm nghiên cứu, tái tạo khuyết hổng lưỡi có tỉ lệ thành công cao đến hơn 96%, tỷ lệ biến chứng là không đáng kể.

Nhờ thành quả trên, sản phẩm "Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư" do tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi cùng các cộng sự tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM nghiên cứu đã đoạt giải nhất tại Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần thứ 3, năm 2023.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm