1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cấp cứu bé trai 11 tuổi gặp tai nạn nguy hiểm khi chơi cầu tuột ở Đầm Sen

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khi đang chơi cầu tuột tại công viên nước Đầm Sen (TPHCM), bé trai 11 tuổi trượt té đập mặt xuống nền cứng, phải cấp cứu trong tình trạng gãy 2 xương ổ răng, có răng rơi ra hoàn toàn.

Thông tin với phóng viên Dân trí ngày 9/7, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trọng Thảo, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM cho biết, thời gian gần đây, nơi đây đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị tai nạn nặng ở vùng hàm mặt khi đi chơi dịp hè.

Nhập viện cấp cứu sau khi chơi cầu tuột, trượt băng

Như trường hợp của bệnh nhi tên N.C.K. (11 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk). Khai thác bệnh sử, trước đó bé cùng gia đình đến vui chơi tại công viên nước Đầm Sen (quận 11, TPHCM). Khi đang chơi cầu tuột, bé trượt té đập mặt xuống nền cứng, khiến răng bị gãy và rơi khỏi hàm. Sau khi sự việc xảy ra, bệnh nhi được phòng y tế Đầm Sen sơ cứu, ngâm chiếc răng rơi vào sữa có đường rồi chuyển bé đến bệnh viện.

Cấp cứu bé trai 11 tuổi gặp tai nạn nguy hiểm khi chơi cầu tuột ở Đầm Sen - 1

Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị gãy xương ổ răng số 11 và 21. Trong đó, răng số 11 rơi khỏi ổ, chiếc còn lại gãy ngang thân răng. Bệnh nhi được cắm lại răng 11 bằng dây cung thép, cố định 2 răng với vật liệu composite, sau đó khâu cầm máu nướu. Ngoài ra, bé cũng được chích huyết thanh ngừa uốn ván.

Theo các bác sĩ, chiếc răng gãy ngang sẽ phải bỏ đi, chỉ chừa lại chân răng để sau này phục hình, làm răng giả. Hậu can thiệp, bệnh nhi được xuất viện, chỉ định tái khám mỗi tuần. Dự kiến khoảng 4 tuần, răng cắm lại sẽ cố định cứng ở hàm.

Cấp cứu bé trai 11 tuổi gặp tai nạn nguy hiểm khi chơi cầu tuột ở Đầm Sen - 2

Một trường hợp răng bị gãy ngang sau tai nạn (Ảnh: Hoàng Lê).

Một trường hợp khác là của bé N.Đ.V. (13 tuổi, ngụ TPHCM). Bệnh sử ghi nhận tối 3/7, bé cùng gia đình trượt băng tại địa điểm thuộc khu đô thị Sala (ngụ TPHCM) thì té cà mặt xuống nền.

Nửa đêm cùng ngày, bệnh nhi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng gãy ngang thân răng 2.1 (răng số 1 của hàm 2), gây đứt tủy răng, sây sát mặt. Bệnh nhi phải điều trị nội nha, sau đó tiến hành phục hình (thời gian khoảng 10 ngày).

"Những răng bị gãy ngang sẽ mất vĩnh viễn. Bệnh nhân sẽ được cắm răng giả để phục hồi chức năng ăn uống, thẩm mỹ, nhưng chắc chắn sẽ không thể bằng răng thật", bác sĩ Thảo nói.

Không chủ quan khi trẻ té ngã

Thống kê cho thấy, vài tuần qua, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM tiếp nhận khoảng 8 trường hợp chấn thương vùng hàm mặt vì tai nạn sinh hoạt, 2 ca khác liên quan đến tai nạn giao thông (té xe đạp) và 5 trường hợp bị bệnh lý gây viêm nhiễm.

Còn tại khoa Phẫu thuật hàm mặt, từ đầu hè đến nay, có rất nhiều trường hợp điều khiển xe máy bị tai nạn té đập mặt xuống đường, gây gãy xương hàm, xương gò má… phải nhập viện phẫu thuật.

Cấp cứu bé trai 11 tuổi gặp tai nạn nguy hiểm khi chơi cầu tuột ở Đầm Sen - 3

Phòng mổ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo bác sĩ Thảo, các chấn thương vùng hàm mặt thường khiến nạn nhân bị gãy ngang răng, rơi toàn bộ răng, rách da mặt, toét vùng miệng, chấn thương phần mềm… khi trẻ đùa giỡn, tai nạn sinh hoạt tại các khu vui chơi, trường học hoặc tại nhà…

Nặng hơn, trẻ có thể bị gãy xương hàm hoặc xương mũi, thường gặp khi trẻ bị tai nạn giao thông, va chạm mạnh đập mặt. Một tai nạn khác cũng khá thường gặp các dịp nghỉ hè là việc trẻ bị chó cắn, gây khuyết hổng, biến dạng vùng hàm mặt, phải nhập viện phẫu thuật. Lúc này, trẻ cũng phải điều trị lâu dài để xử lý vấn đề thẩm mỹ.

Cấp cứu bé trai 11 tuổi gặp tai nạn nguy hiểm khi chơi cầu tuột ở Đầm Sen - 4

Bác sĩ khuyến cáo, sau khi té ngã hay gặp tai nạn, người lớn cần đưa đi khám để phát hiện bất thường sớm (Ảnh: Hoàng Lê).

"Đối với trẻ em, khi gãy xương hàm phải dùng những nẹp cố định đặc biệt, vì cơ thể trẻ còn phát triển. Một tai nạn khác rất nguy hiểm, đó là việc trẻ bị gãy cổ lồi cầu (mỏm tròn ở đầu của xương, dùng để nối với xương khác) nhưng gia đình không biết, tưởng chỉ đau nhẹ không đưa đi điều trị.

Hậu quả là vài tháng sau, trẻ đã không thể mở được 2 hàm và khi lớn lên, xương hàm dưới của trẻ cũng không phát triển. Lúc đó, trẻ phải mổ cắt hàm và tạo khớp cổ lồi cầu giả…", bác sĩ Thảo phân tích.

Bác sĩ khuyến cáo, sau khi té ngã hay gặp tai nạn, dù trẻ có đau hay không đều cần được đưa đi khám, giúp bác sĩ phát hiện được bất thường và xử lý sớm, tránh để trẻ gặp phải các di chứng sau này, về cả chức năng lẫn thẩm mỹ.