Tự điều trị sốt xuất huyết, người chết kẻ nguy kịch

(Dân trí) - Không muốn “xông đất” bệnh viện những ngày đầu năm mới, bệnh nhân đã tự mua thuốc về điều trị sốt xuất huyết. Sự chủ quan khiến người bệnh phải trả giá bằng cả sinh mạng, bởi khi đến viện, sốt xuất huyết vào giai đoạn sốc nặng, biến chứng khiến bác sĩ phải bó tay.

Ngày 16/2, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị M. (34 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM) đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực và Chống độc Người lớn, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, vì mắc sốt xuất huyết Dengue. Đây là ca bệnh người lớn tử vong đầu tiên trong năm 2016 do sốt xuất huyết tại bệnh viện.

Hơn 30 ca bệnh sốt xuất huyết nặng ở người lớn phải điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới từ đầu năm tới nay
Hơn 30 ca bệnh sốt xuất huyết nặng ở người lớn phải điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới từ đầu năm tới nay

Thông tin từ BS Nguyễn Chí Hiếu công tác tại khoa bệnh trên cho hay, Nguyễn Thị M. được bệnh viện quận 12 chuyển đến Nhiệt Đới ngày 15/2 với chẩn đoán sốt xuất huyết nặng dẫn tới viêm cơ tim, sốc tim, suy đa tạng. Đây là tình trạng rất nặng, với diễn tiến bệnh đã bước vào giai đoạn sốc, biến chứng.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, 5 ngày trước khi được chuyển đến bệnh viện quận 12 (ngày 12/2), bệnh nhân Nguyễn Thị M. đã có biểu hiện sốt cao. Do tâm lý chủ quan và sợ xui xẻo cả năm khi phải vào “xông đất” bệnh viện trong những ngày đầu xuân năm mới nên bệnh nhân đã không đi khám mà đến nhà thuốc tây mua về tự điều trị.

Tuy nhiên, sau năm ngày uống thuốc, bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà càng nặng thêm. Khi cơ thể đã kiệt quệ, đi đứng không vững kèo theo những cơn đau tức ngực, nôn ói, đau bụng, xuất hiện những chấm nhỏ li ti trên cơ thể thì bệnh nhân mới được người nhà chuyển đến bệnh viện.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người dân không nên chủ quan
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người dân không nên chủ quan

Sau 3 ngày cấp cứu tích cực tại bệnh viện quận 12, bệnh tình ngày càng trở nặng, người bệnh tiếp tục phải chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản hỗ trợ thở máy và lọc máu liên tục. Nhưng bệnh nhân đã bị tổn thương tim, gan, suy đa tạng nặng không thể phục hồi. Sau một ngày nằm tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bệnh nhân không qua khỏi.

Cùng thời điểm Nguyễn Thị M. nhập viện là một trường hợp tương tự được chuyển đến từ bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, Đồng Nai. Người bệnh là Trần Thị S. (32 tuổi, ngụ tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cũng bị sốt cách thời điểm vào viện năm ngày. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chị chần chừ không muốn đến bệnh viện mà tự ý mua thuốc về điều trị.

Đến khi cơ thể xuất hiện triệu chứng nôn ói, chảy máu chân răng, xuất huyết âm đạo, bệnh nhân mới đến bệnh viện địa phương kiểm tra. Sau chẩn đoán sốt xuất huyết từ bác sĩ, người bệnh tiếp tục được chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM. Tại đây, bệnh nhân đã vào giai đoạn sốc thể suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết âm đạo lượng nhiều, kèm theo nhiễm trùng huyết.

Các bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa bằng phương pháp thở máy, lọc máu liên tục, sử dụng kháng sinh, truyền bổ sung máu và chế phẩm máu. Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu với tiên lượng dè dặt.

BS khuyến cáo người bệnh nên đi khám để kịp thời phát hiện bệnh ngay từ những ngày đầu bị sốt
BS khuyến cáo người bệnh nên đi khám để kịp thời phát hiện bệnh ngay từ những ngày đầu bị sốt

BS Dương Bích Thủy, khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực và Chống độc Người lớn cho hay, từ đầu năm 2016 đến nay, số ca bệnh mắc sốt xuất huyết ở người lớn ở các tỉnh phía Nam phải điều trị tại khoa đã lên tới hơn 30 trường hợp. Bệnh viện còn tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết thể nhẹ và trung bình. Đây đang là mùa thấp điểm của bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên số bệnh nhân nhập viện, đặc biệt là ca bệnh nặng năm nay cao hơn rất nhiều so với các năm trước. Điều đó cho thấy, bệnh đang diễn biến theo chiều hướng rất phức tạp, người dân cần chú ý phòng chống.

Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ mắc bệnh, BS Chí Hiếu khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện các biện pháp dự phòng khiến muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết không có chỗ sinh sôi, phát triển như: vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, lật úp các vật dụng chứa nước sạch, nước mưa, tăng cường các biện pháp diệt muỗi, thường xuyên ngủ mùng (màn).

Trong khoảng thời gian từ 1 - 3 ngày kể từ khi phát bệnh, sốt xuất huyết thường không có biểu hiện cụ thể nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh nhiễm siêu vi khác. Một số trường hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng dễ nhận biết như: nổi các chấm đỏ li ti trên da hoặc nôn ói, đau bụng. Lúc này, bệnh có thể dịu đi khiến người mắc lầm tưởng sắp khỏi, tuy nhiên đó là biểu hiện nguy hiểm báo hiệu sốt xuất huyết chuyển sang giai đoạn sốc.

Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 kể từ khi phát bệnh, người mắc sốt xuất huyết thường chảy máu chân răng, chảy máu mũi kèm theo xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết âm đạo (ở phụ nữ). Đây là giai đoạn vào sốc dẫn đến những biến chứng nặng như: suy đa tạng, viêm cơ tim, nhiễm trung huyết… Để tránh nguy hiểm đến tính mạng do sốt xuất huyết gây ra, khi bị sốt ngay từ những ngày đầu, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Vân Sơn