Tự chế pháo theo video mạng nhiều học sinh "mất Tết", nguy kịch vì bỏng
(Dân trí) - Đang dùng chày giã nhuyễn các nguyên liệu chế tạo pháo, theo cách học được trên mạng, ngọn lửa bất ngờ bùng lên như "nuốt trọn" nửa thân trên của nam sinh 17 tuổi.
Nằm trên giường bệnh với gương mặt chi chít vết thương và 2 tay bó chặt băng y tế do nổ pháo, Phương (tên nhân vật đã được thay đổi, 17 tuổi, sống tại Hải Dương) nhớ lại khoảnh khắc hãi hùng.
"Ngay khi sự cố xảy ra, tôi gần như không có cảm giác, nhưng nhìn xuống thấy 2 cánh tay "cháy đen", nên hoảng loạn kêu cứu bố mẹ", Phương nói.
Nam sinh được đưa vào Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội) trong tình trạng khuôn mặt phù nề, toàn bộ vùng ngực và 2 tay bị bỏng độ 2, 3. Đáng chú ý, các bác sĩ xác định Phương còn bị bỏng hô hấp do hít phải khí nóng. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.
Nam thanh niên cho biết, ý tưởng chế tạo pháo nảy sinh sau khi xem được một đoạn video hướng dẫn trên Youtube, mà theo cậu mô tả là "khá dễ", việc mua các nguyên liệu cũng không hề khó khăn.
"Tôi đặt hàng trên mạng với các nguyên liệu KClO3, lưu huỳnh và than, sau đó trộn theo công thức được hướng dẫn, bằng các dụng cụ có sẵn trong nhà", Phương cho hay, "Người ta làm thế nào thì mình làm như thế, ai ngờ lại dẫn đến kết cục này".
Nam thanh niên 17 tuổi bày tỏ sự hối hận vì trò "nghịch dại" khiến cơ thể không còn lành lặn, ảnh hưởng đến gia đình.
"Mỗi lần thay băng nhìn thấy các vết thương tôi lại thấy xót xa. Năm nay coi như mất Tết", Phương thở dài.
Dịp cận Tết, số lượng bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác gia tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 - 10 trường hợp bị bỏng pháo từ nhẹ đến nặng phải nhập viện.
Đáng chú ý, theo ThS.BS Lê Quang Thảo - Khoa Hồi sức cấp cứu, hầu hết bệnh nhân nhập viện do bỏng pháo là học sinh từ 12 - 18 tuổi. Có trường hợp một vụ bỏng có đến 3 - 5 nạn nhân.
"Trong một tuần trở lại đây, khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận gần 10 bệnh nhân bỏng pháo. Hiện khoa chúng tôi có đến 1/3 các bệnh nhân là bỏng pháo. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng diện tích bỏng rất lớn, khoảng 40 - 50%, thậm chí có trường hợp đến 80 - 90%. Ngoài bỏng da, có bệnh nhân còn bị tổn thương bỏng hô hấp phải thở máy", BS Thảo chia sẻ.
Một thực trạng đáng báo động là nhiều bệnh nhân bỏng pháo là do tai nạn lúc tự chế tạo pháo sau khi xem được video hướng dẫn trên mạng.
Điển hình là 2 nam sinh ở Bắc Giang là N.V.K. và L.Q.T., đều 16 tuổi, đang phải thở máy tại khoa Hồi sức cấp cứu do vụ nổ khi cùng chế tạo pháo với nhau.
N.V.K. nhập viện trong tình trạng sốc bỏng nặng, bỏng hô hấp, bỏng độ 2, 3, 4 ở đầu, mặt, thân, chi. Trong khi đó, L.Q.T., bị bỏng lửa thuốc pháo với diện tích bỏng 74%, bỏng độ 2, 3 ở mặt, cổ, thân, tứ chi, bỏng hô hấp.
"Ngoài bỏng da, bệnh nhân còn có vết thương phần mềm do vụ nổ gây ra. Với trường hợp của bệnh nhân T. còn bị gãy xương do sóng nổ của pháo hất văng bệnh nhân ra xa", BS Thảo chia sẻ.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng của cả 2 nam sinh này vẫn còn rất nặng, phải hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, chăm sóc tích cực. Mỗi bệnh nhân đòi hỏi có đến 4 - 5 nhân viên y tế theo dõi, chăm sóc. Việc điều trị cũng rất tốn kém.
Cũng theo BS Thảo, có các trường hợp bỏng pháo mà khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận trong thời gian qua đã phải cắt bỏ chi, do vết thương phần mềm. Thậm chí, có bệnh nhân bị bỏng giác mạc cả 2 mắt dẫn đến mù vĩnh viễn. Các tổn thương do pháo nổ thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Từ những hệ lụy hết sức nghiêm trọng do pháo nổ gây ra, BS Thảo nhấn mạnh việc cần có cơ chế để ngăn chặn việc mua bán, sử dụng pháo trái phép.
"Bên cạnh đó, các vị phụ huynh cũng cần giám sát chặt chẽ con em mình hơn nữa để tránh tình trạng các cháu tự chế pháo, mua và sử dụng pháo bất hợp pháp dẫn đến những nguy cơ nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng", BS Thảo nhấn mạnh.