Chơi đùa với pháo tự chế, nhiều thanh niên bị mất tay, tàn phế
(Dân trí) - Nằm tại Bệnh viện Đà Nẵng, thanh niên 19 tuổi đau đớn với gương mặt sạm đen vì bị pháo tự chế gây nên. Nhìn con trai mất đi một bàn tay, ông Nguyễn Tấn Dự (Quảng Ngãi) cố gắng kiềm nước mắt.
Rơi nước mắt vì con mất một bàn tay
Hùng (tên nhân vật đã thay đổi) nhập viện vào chiều 24/1, cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương ở cánh tay, cổ tay, vết thương hở đùi trái, đùi phải, dập nát bàn tay, bỏng giác mạc mắt độ 2.
Các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương đã tiến hành cắt lọc, phẫu thuật các vết thương, cắt cụt bàn tay phải cho bệnh nhân.
Ông Dự nhớ lại, ông đang đi thăm người thân thì nhận được tin báo của vợ về việc con trai bị thương sau một tiếng nổ lớn. Ông tá hỏa chạy về thì thấy con trai có nhiều vết thương trên người. Hùng bị pháo nổ gây thương tích.
Nằm tại phòng hồi sức, bệnh nhân Khôi (16 tuổi, tên đã được thay đổi) nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, vết thương phức tạp vùng đầu, mặt, cổ, ngực, cánh tay 2 bên, mắt không nhìn thấy.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị tràn khí vùng cổ 2 bên, xẹp thùy phổi phải, mất xương bàn tay, vỡ xoang hàm trái, chấn thương nhãn cầu...
Bệnh nhân còn hôn mê, thở máy, vết thương nhiễm trùng, nguy cơ nhiễm trùng huyết cao, tiên lượng nặng, đang được điều trị tích cực tại khoa gây mê hồi sức.
Đừng để con trẻ mất Tết vì pháo
Là một người cha có con bị tai nạn, ông Dự mong muốn các bậc cha mẹ, phụ huynh cần quan tâm con cái nhiều hơn, đặc biệt là lứa tuổi đang phát triển, tránh cho trẻ tò mò về pháo nổ, mày mò làm pháo gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Bác sĩ Huỳnh Đức Phát - Trưởng Khoa gây mê hồi sức - cho hay, gần như năm nào vào mùa Tết, khoa cũng tiếp nhận được những ca bệnh do pháo nổ, đặc biệt là giới trẻ.
Những vị trí ảnh hưởng do pháo gây ra cũng rất đa dạng như tay, chân, mặt, ngực… và mức độ tổn thương cũng khác nhau.
Bệnh viện cũng thường xuyên cảnh báo về tình trạng chơi pháo tự chế, pháo nổ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt gây những vấn đề tổn thương, gây những khiếm khuyết cơ thể của mình.
Bác sĩ Ngô Hạnh - Phó Trưởng khoa Ngoại chấn thương - cho hay, dịp Tết Nguyên đán, thường có những em nhỏ tò mò thử nghiệm pháo nên dễ xảy ra tai nạn.
Những tai nạn do pháo nổ thường gây ra tổn thương rất nặng, để lại thương tật rất lớn. Đối với bàn tay thì dập nát, tổn thương ngực, sức ép của vụ nổ có thể gây tổn thương phổi, bụng, gây bỏng, mù mắt.
Bác sĩ Hạnh khuyến cáo, phụ huynh nên theo dõi, kiểm tra con em khi mang vật lạ về nhà, nếu phát hiện vật nghi pháo phải ngăn cản ngay. Nhà trường nên có những buổi tuyên truyền cho con em không tìm tòi chế tạo pháo.
Cơ quan chức năng cũng nên làm cách nào để giảm tải được các thông tin hướng dẫn chế tạo pháo xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội.
Trước đó, Dân trí đã có bài phản ánh về việc các thanh thiếu niên, học sinh xem video hướng dẫn trên mạng để tự chế pháo nổ ở Đà Nẵng.
Công an Đà Nẵng cũng phát hiện nhiều trường hợp chế tạo pháo nổ, thu giữ hàng chục quả pháo lớn nhỏ và tiền chất chế tạo.