Truyền dịch ối cứu sống nhiều thai nhi khỏi tình trạng y học từng bó tay

Minh Nhật

(Dân trí) - Thiểu ối là một tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình mang thai. Trong trường hợp này, nước ối của sản phụ ít hơn bình thường theo tuổi thai, do sản phụ bị rỉ ối, vỡ ối, bệnh lý…

Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nếu không xử lý tình trạng thiểu ối kịp thời cho sản phụ, thai nhi sẽ đối mặt với nguy cơ chậm phát triển, ngôi thai bất thường hoặc bị biến dạng mặt, chân tay. Nặng hơn, em bé có thể tử vong ngay trong bụng mẹ vì tình trạng hiếm gặp này.

Trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nếu sản phụ gặp phải tình trạng thiểu ối, đình chỉ thai nghén trước khi thai chết lưu gần như là lựa chọn duy nhất.

Truyền dịch ối cứu sống nhiều thai nhi khỏi tình trạng y học từng bó tay - 1

PGS. TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

"Với hướng giải quyết này, các cặp vợ chồng không chỉ mất đi đứa con trong bụng, mà việc mang thai lại sau đó cũng khó khăn hơn. Tôi từng gặp những trường hợp phải mất hàng chục năm làm thụ tinh ống nghiệm mới có thể tiếp tục có con", PGS Ánh chia sẻ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với các kỹ thuật can thiệp bào thai tiên tiến, thiểu ối đã không còn là căn bệnh "vô phương cứu chữa".

Thứ vũ khí sắc bén nhất, để các bác sĩ sản khoa đối mặt với tình trạng thiểu ối mang tên "kỹ thuật truyền ối".

Truyền dịch ối cứu sống nhiều thai nhi khỏi tình trạng y học từng bó tay - 2

PGS Ánh trong một ca truyền ối

PGS Ánh cho hay: "Khi thực hiện kỹ thuật truyền ối, các bác sĩ sẽ xuyên kim vào buồng ối và bơm dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để nước ối khi siêu âm đáp ứng đầy đủ cho thai nhi theo sức khỏe của sản phụ. Sau khi truyền ối, sản phụ sẽ được các bác sĩ giám sát, theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu nhiễm trùng. Việc truyền ối có thể tiến hành nhiều lần để đảm bảo thai nhi được phát triển một cách tốt nhất và phục vụ cho việc quản lý thai nghén".

Sản phụ bị thiểu ối được truyền ối sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước ối, thai nhi không bị chậm phát triển cũng như mắc phải những biến chứng nguy hiểm như biến dạng cơ thể, chết lưu.

Từ khi làm chủ được kỹ thuật này, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cứu sống được 20 thai nhi thoát khỏi bàn tay của "tử thần", giúp các em có cơ hội được chào đời hoàn toàn khỏe mạnh.

Theo PGS Ánh, mỗi ca can thiệp truyền ối đều là một cuộc chạy đua nước rút với thời gian.

"Từng có một trường hợp sản phụ mang thai tuần thứ 17 bị thiểu ối, phải truyền ối đến 3 lần. Có những thời điểm tưởng chừng như cơ hội đã vụt tắt, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giành giật, truyền ối để giữ cho thai nhi đến tuần thứ 38. Cuối cùng điều kỳ diệu đã đến, em bé 2,8 kg đã cất tiếng khóc chào đời", PGS Ánh nhớ lại một ca can thiệp truyền ối gây nhiều cảm xúc.

Tuy nhiên, chuyên gia nay cũng nhấn mạnh rằng, truyền ối là một kỹ thuật khó và còn rất mới mẻ. Do đó, đã có khoảng 5 trường hợp dù bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cứu được thai nhi. Đây đều là các trường hợp sản phụ bị vỡ ối.

Ngày 11/12, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ 8.

Truyền dịch ối cứu sống nhiều thai nhi khỏi tình trạng y học từng bó tay - 3

PGS Ánh phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, PGS Ánh nhấn mạnh, thực tế việc sàng lọc bệnh lý của các thai nhi phải thực hiện ngay từ các bệnh viện tuyến đầu. Vì thế, việc chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa phải triển khai với tinh thần tích cực, nỗ lực có sự gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ, phối hợp để truyền tải những kiến thức về sản phụ khoa giữa bệnh viện tuyến đầu với bệnh viện tuyến cuối ở mức độ tối đa.