Triển khai khẩn cấp công tác phòng dịch H1N1
(Dân trí) - Ngày 6/5, TS. Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì hội nghị Triển khai khẩn cấp công tác phòng dịch cúm H1N1 với sự tham dự của đại biểu các Sở Y tế, lãnh đạo UBND các tỉnh thành có đường biên giới giáp Campuchia.
TPHCM: Các tỉnh vùng biên giới thiếu máy kiểm tra thân nhiệt từ xa
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đánh giá cao công tác phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại TPHCM. Bộ trưởng nhấn mạnh trách nhiệm của các tỉnh thành có vùng cửa khẩu trên đường thủy, đường bộ cũng như đường hàng không như Long An, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu…. trong việc nâng cao phòng chống, không được để lọt mầm bệnh, đồng thời chỉ đạo TPHCM và các tỉnh có biên giới giáp Campuchia phải chuẩn bị công tác phòng chống cụ thể để ngăn chặn dịch.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam tuy không phải là nước nằm trong vùng dịch nhưng để đảm bảo an toàn cho 87 triệu dân thì việc phòng chống, phát hiện sớm, ngăn chặn dịch tại các của khẩu là yêu cầu quan trọng nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra trang thiết bị kiểm dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Ngọc Hưng)
Từ ngày 26/4 đến 5/5, đã có trên 70.000 hành khách đến Việt Nam (trong đó có 7.736 hành khách đến từ vùng dịch) đã được kiểm tra dịch tại của khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. 13 trường hợp có thân nhiệt tăng cao hơn 38oC nhưng mẫu xét nghiệm đều âm tính với vi rút H1N1.
Sở cũng đã cung cấp 18.000 khẩu trang y tế cho các nhân viên và hành khách. Bộ cũng sẽ trang bị thêm 3 máy đo thân nhiệt để đảm bảo cho công tác kiểm dịch, phát hiện mầm bệnh.
Các đại biểu của tỉnh Tây Ninh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Kiên Giang… đề xuất được trang bị máy đo thân nhiệt từ xa vì các tỉnh đều chưa có (việc dùng thiết bị đo thân nhiệt cầm tay đã bị du khách nước ngoài phản ứng vì dùng chung nhiều người), cũng như các trang thiết bị khác và đặc biệt hơn hầu hết cơ số thuốc trị cúm Tamiflu ở các tỉnh hiện còn rất ít và đã hết hạn dùng.
“Các tỉnh thành sẽ được cấp máy đo thân nhiệt cầm tay với số lượng tùy theo yêu cầu của từng địa phương. Đối với thuốc Tamiflu, các tỉnh cần báo về Bộ để bộ cung cấp thuốc mới”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết.
Hà Nội: Thêm một trường hợp cách ly nghi nhiễm cúm A/H1N1
Chiều 6/5, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm trên người, TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết thông tin trên.
Đây là một hành khách từ Tiệp, qua Đức rồi về Việt Nam. Trường hợp này chỉ có thân nhiệt cao, không có biểu hiện gì bất thường khác. Tuy nhiên, tại thời điểm này, tất cả trường hợp dù chỉ 1 có biểu hiện bất thường đều được tiến hành cách ly, giám sát và làm các xét nghiệm cần thiết. Hiện mẫu xét nghiệm đã được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, chờ kết quả. Cùng trong ngày hôm nay, hai trường hợp nghi nhiễm cúm được theo dõi tại viện và có kết quả là mắc cúm A/H3N2 được theo dõi tại Viện thời gian qua đã được xuất viện.
Cũng tại cuộc họp này, TS Võ Văn Bản, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Pháp cho biết, thời gian qua bệnh viện cũng tiến hành cách ly, theo dõi 2 trường hợp nghi mắc cúm A/H1N1.
Trường hợp thứ nhất là một người đàn ông Pháp từ Hồng Công sang. Đến Việt Nam 2 ngày thì người này bị rối loạn tiêu hóa, biểu hiện cúm không rõ. Tuy nhiên, trước đó người này có đi cùng chuyến bay với bệnh nhân người Mêxicô nhiễm cúm A/H1N1 tại Hồng Công. Vì vậy, bệnh nhân này cũng được cách ly, xét nghiệm cho kết quả âm tính. Những người trong gia đình đi cùng người này cũng đã được xét nghiệm và kết quả là không nhiễm cúm A/H1N1. Dù vậy, họ vẫn được bệnh viện Việt Pháp tiến hành điều trị dự phòng lây nhiễm cúm A theo đúng quy định. Đồng thời vẫn tiến hành theo dõi thêm, hạn chế đi lại, tiếp xúc với người khác.
Trường hợp thứ hai là ở Mỹ về và có biểu hiện sốt cũng được đưa vào bệnh viện Việt Pháp cách ly, theo dõi. Đến giờ đã khẳng định bệnh nhân âm tính với cúm A/H1N1.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, theo thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 6/5, trên toàn thế giới đã có 1.490 người nhiễm cúm A/H1N1 ở 21 nước với 27 trường hợp tử vong. Ông Nga cho biết thêm, về trường hợp tử vong thứ 2 ở Mỹ như một số phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin thì đến nay, cả WHO và TT Kiểm soát dịch bệnh Mỹ đều chưa lên tiếng xác nhận ca tử vong này.
TS Nguyễn Huy Nga cho biết, số liệu tổng hợp từ 10 cửa khẩu đường bộ, đường thủy, đường hàng không trong cả nước ta ngày 5/5 cho thấy có 17.969 hành khách ra vào, trong đó có 81 người đến từ Mỹ, 5 người từ Mexicô và 2.700 hành khách từ các vùng có nguy cơ khác.
Đến ngày 6/5 Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm cúm A/H1N1 nào. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo thực hiện diễn tập phòng chống cúm H1N1 tại các địa phương. Bộ Y tế cũng đã gửi công văn tới Bộ Tài chính, đề nghị điều trị miễn phí cho các bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1.
Hồng Hải - Ngọc Thanh