Chúng tôi vào "vùng đỏ" Covid-19
Trên tuyến đầu chống Covid-19: "Tháng 8 rồi, bao giờ mẹ về với con?"
(Dân trí) - Trước khi điều dưỡng Sen lên đường, con gái vừa tròn 7 tuổi chỉ hỏi : "Khi con vào năm học mới mẹ đã về chưa?". Nay đã là tháng 8, lòng cô nặng trĩu khi nghĩ về lời hứa mà mình khó có thể hoàn thành.
Loạt bài: Chúng tôi vào "vùng đỏ" Covid-19
LTS:
Năm 2020, việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 được Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam đặc biệt quan tâm. Dịch bệnh Covid-19 kéo theo những hệ lụy khôn lường, gây ra hậu quả vô cùng lớn trên toàn thế giới, đây thực sự là một cuộc chiến "chống giặc" của mỗi quốc gia.
Báo điện tử Dân trí là tờ báo tiên phong đem đến cho độc giả những thông tin chân thực nhất, từ nhiều khía cạnh ngay khi dịch bệnh tràn vào Việt Nam. Loạt bài "Chúng tôi vào 'vùng đỏ' Covid-19" được các tác giả thực hiện tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đem đến cho độc giả các góc nhìn cận cảnh về những bác sĩ, y tá hàng ngày vật lộn chống chọi đẩy lùi dịch bệnh. Loạt bài góp phần làm thay đổi nhận thức, giúp người đọc nâng cao ý thức về phòng, chống dịch Covid-19.
Dân trí
"Bông hồng thép" trên tuyến đầu chống dịch
Như thường lệ, đúng 7 giờ sáng, điều dưỡng Thân Thị Sen lại chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho ca trực sẽ bắt đầu trong 30 phút nữa.
Tỉ mẩn mặc tuần tự từng chiếc bịt giày, bộ áo liền quần, đôi găng tay, cô chia sẻ: "Đây là lớp lá chắn duy nhất của chúng tôi trước virus SARS-CoV-2. Vì vậy, mọi thao tác phải được thực hiện thật chính xác".
Vượt qua tấm vách ngăn lớn có dòng chữ "Khu vực cách ly" gắn những dải dây xanh đỏ, nữ điều dưỡng này chính thức đặt chân vào "vùng nguy hiểm": Nơi điều trị những bệnh nhân Covid-19.
Nơi điều dưỡng Sen đang làm việc, Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho 34 bệnh nhân Covid-19, đây cũng là chuyên khoa đang tiếp nhận điều trị nhiều ca dương tính SARS-CoV-2 nhất ở cơ sở chống dịch tuyến đầu của miền Bắc.
"Nhiệm vụ của lực lượng điều dưỡng của chúng tôi là vừa thực hiện các công tác chuyên môn như tiêm truyền, lấy mẫu bệnh phẩm, đo các chỉ số, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân như giao đồ ăn, nước uống, quần áo, chăn ga…" - Điều dưỡng Sen cho biết.
Mỗi ca trực chỉ có 2 điều dưỡng chuyên trách nhiệm vụ tại các phòng bệnh, nên khối lượng công việc đặt lên vai lực lượng điều dưỡng là rất lớn.
Quần áo ướt sũng mồ hôi sau lớp đồ phòng hộ
Chỉ vừa thực hiện nhiệm vụ được 30 phút, người cô đã ướt đẫm mồ hôi, mắt kính phòng hộ bị mờ đi vì hấp hơi. Thỉnh thoảng, nữ điều dưỡng này vẫn phải dừng lại một chút thì mới có thể nhìn rõ đường đi.
Vào mùa hè, trang phục phòng hộ trùm kín từ đầu đến chân trở thành một thử thách lớn với các y, bác sĩ nơi tuyến đầu này.
Cô kể: "Không chỉ là cảm giác nóng bức, mà còn là sự bí bách khi phải hít thở qua lớp khẩu trang N95. Từng có đồng nghiệp của tôi bị khó thở phải tạm dừng nhiệm vụ giữa chừng chỉ để ra bên ngoài cởi đồ bảo hộ".
Mỗi ca trực kéo dài đúng 24 tiếng. Vì vậy, trước mắt cô vẫn còn cả một chặng đường dài.
Bệnh nhân đồng nhiễm: Thử thách nhân đôi
"Hôm nay anh có còn cảm thấy mệt nhiều không?", điều dưỡng Sen hỏi một bệnh nhân sau khi vừa đo xong thân nhiệt.
Cô chia sẻ với chúng tôi, đây là một trong số những công dân trở về từ Ghi-nê Xích Đạo bị đồng nhiễm sốt rét. Cách đây vài hôm, bệnh nhân lên cơn sốt cao, bị khó thở và rét run.
"Với những trường hợp đồng nhiễm, vào buổi sáng chúng tôi sẽ đo các chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, rồi hỏi xem bệnh nhân có vấn đề gì không. Nếu ghi nhận bất cứ dấu hiệu bất thường nào, chúng tôi sẽ báo ngay cho bác sĩ" - Điều dưỡng Sen nói.
Mắc cùng lúc 2 căn bệnh, các trường hợp đồng nhiễm có tình trạng sức khỏe xấu hơn các ca mắc Covid-19 đơn thuần. Theo lời điều dưỡng Sen, nhóm bệnh nhân này cũng chính là thử thách hàng đầu của khoa Virus - Ký sinh trùng từ khi bắt đầu cuộc chiến mới đến nay.
Cô nhớ lại: "Thử thách đến với chúng tôi từ rất sớm! Chỉ 1 tiếng sau khi các bệnh nhân từ Ghi-nê Xích Đạo được tiếp đón, đã có 1 bệnh nhân tại khoa chúng tôi lên cơn sốt rét tương đối nặng, với dấu hiệu khó thở, mạch đập nhanh. Lực lượng trong Khoa, lúc này vẫn đang thực hiện công tác bố trí, sắp xếp chỗ cho các bệnh nhân mới, được huy động cấp tốc để cứu chữa".
1 trường hợp đồng nhiễm khác bị tổn thương gan rất nặng nề, men gan có lúc cao gấp 10-15 lần bình thường. Cùng với đó, ca bệnh này còn bị rối loạn đông máu và tiểu cầu xuống rất thấp. Nếu không được phát hiện và xử lý ngay khi có những dấu hiệu bất thường, tình trạng của bệnh nhân có thể đã diễn tiến rất nặng.
Theo TS.BS Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, với những bệnh nhân đồng nhiễm, việc chăm sóc và điều trị sẽ khó khăn và tốn công sức hơn rất nhiều.
Bởi vì các y, bác sĩ phải xem xét mức độ tổn thương của các tạng, xem xét thuốc để tránh tương tác giữa thuốc sốt rét và thuốc Covid-19, đánh giá tình trạng bệnh nhân sâu sát hơn, cẩn trọng hơn. Bên cạnh đó, lượng xét nghiệm hàng ngày cũng cao gấp đôi bệnh nhân Covid-19 đơn thuần.
"Đã tháng 8 rồi, khi nào mẹ mới về với con?"
Trước khi đón đoàn 219 công dân trở về từ Ghi-nê Xích Đạo, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã huy động 250 y, bác sĩ và nhân viên tại các khoa/phòng ở lại Bệnh viện, nhằm phục vụ cho công tác chăm sóc và điều trị.
Đây cũng là lần thứ hai điều dưỡng Sen phải tạm xa gia đình nhỏ của mình để trực chiến trên tuyến đầu chống dịch.
Trước khi lên đường, cô con gái lớn, năm nay vừa tròn 7 tuổi chỉ hỏi: "Khi con vào năm học mới thì mẹ đã về chưa?". "Chắc mẹ về rồi đấy!", cô trả lời cho con yên lòng, bởi ngay chính bản thân cô cũng không thể biết được nhiệm vụ này sẽ kéo dài trong bao lâu.
"Mấy ngày gần đây, trong những cuộc điện thoại với tôi, con bé lúc nào cũng nhắc: "Mẹ ơi! Tháng 8 rồi, bao giờ mẹ về với con". Mỗi lần như vậy cổ tôi như nghẹn lại" - Điều dưỡng Sen kể.
Đưa mắt nhìn ra khung cửa kính như đang trông ngóng điều gì đó, giọng cô chùng hẳn xuống: "Dịch diễn biến ngày càng phức tạp, mà chỉ còn nửa tháng nữa là đã đến ngày khai trường, tôi chỉ sợ mình không hoàn thành được lời hứa với con".
***
Lời kết
Cuộc chiến chống "giặc" Covid-19, tới thời điểm này (14/8/2020) chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa thể biết đích xác thời điểm kết thúc. Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường.
Những nhân vật trong loạt bài "Chúng tôi vào 'vùng đỏ' Covid-19", họ là những bác sĩ, điều dưỡng nơi tuyến đầu, ngày đêm vật lộn chống dịch, cứu người. Họ là những người đại diện cho các bác sĩ, y tá của hệ thống y tế Việt Nam trải từ Bắc vào Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 này. Chung tay, đồng lòng cùng các bác sĩ đẩy lùi Covid-19, chúng ta cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch bệnh này.