Chúng tôi vào "vùng đỏ" Covid-19

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim

(Dân trí) - "Sau 30 phút ép tim chưa thấy bệnh nhân biến chuyển gì, chúng tôi sợ mình sẽ thua. Gần như toàn bộ nhân lực của Khoa đã được huy động...", bác sĩ kể lại giây phút giành giật bệnh nhân từ tay tử thần.

 

Loạt bài: Chúng tôi vào "vùng đỏ" Covid-19

LTS:

Năm 2020, việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 được Đảng, Nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam đặc biệt quan tâm. Dịch bệnh Covid-19 kéo theo những hệ lụy khôn lường, gây ra hậu quả vô cùng lớn trên toàn thế giới, đây thực sự là một cuộc chiến "chống giặc" của mỗi quốc gia.

Báo điện tử Dân trí là tờ báo tiên phong đem đến cho độc giả những thông tin chân thực nhất, từ nhiều khía cạnh ngay khi dịch bệnh tràn vào Việt Nam. Loạt bài "Chúng tôi vào 'vùng đỏ' Covid-19" được các tác giả thực hiện tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nơi tuyến đầu chống dịch, đem đến cho độc giả các góc nhìn cận cảnh về những bác sĩ, y tá hàng ngày vật lộn chống chọi đẩy lùi dịch bệnh. Loạt bài góp phần làm thay đổi nhận thức, giúp người đọc nâng cao ý thức về phòng, chống dịch Covid-19.

Dân trí

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim

Sau hơn 2 tháng điều trị, đến thời điểm hiện tại, bà L.T.H (BN19) đã có thể vẫy tay chào mọi người, tự ăn uống, hít thở. Sự hồi phục đáng kinh ngạc của bệnh nhân sinh năm 1956 có bệnh nền rối loạn tiền đình này, chính là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của các y, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bởi chỉ vài tuần trước, bà H. đã liên tục 3 lần ngừng tuần hoàn, và có những lúc các thầy thuốc đã phải nghĩ đến tình huống xấu nhất.

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim - 1

Sau hơn 2 tháng điều trị, đến thời điểm hiện tại, bà L.T.H (BN19) đã có thể vẫy tay chào mọi người, tự ăn uống, hít thở.

Quay trở lại những ngày đầu tháng 3, bà H. được đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để cách ly vì đã tiếp xúc với BN17, cũng chính là cháu ruột của bà. Đi cùng bà lúc đó còn có anh D.Đ.P (lái xe riêng của gia đình BN17), người sau này cũng được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khoảng thời gian đầu sau khi nhập viện, các triệu chứng bệnh của bà là không đáng kể. Bà cảm thấy khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ tốt và chính bản thân người phụ nữ 64 tuổi cũng tin rằng, chỉ ít ngày nữa thôi là mình sẽ khỏi bệnh và được trở về thành phố Hồ Chí Minh cùng với gia đình. Tuy nhiên, một cuộc chiến sinh tử với virus SARS-CoV-2 lại đang chờ bà ở phía trước.

Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết

Khoảng 10 ngày sau khi nhập viện, kịch bản không ai mong muốn đã xảy ra, bà H. đột nhiên ngất xỉu và bệnh tình cũng diễn biến xấu dần kể từ thời điểm đó. "Đó là 1 buổi tối, khi tôi đang xem TV thì mê man lúc nào không biết, đến lúc tỉnh dậy thấy mình đã phải thở oxy, nằm trong phòng có các dụng cụ. Lúc đó, tôi bàng hoàng không biết mình bị làm sao, cũng không thể hỏi ai vì cơ thể rất yếu, không nói được" - Bà nhớ lại.

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim - 2

Người phụ nữ này không hề hay biết, trong suốt thời gian hôn mê, đã có một cuộc chiến đầy cam go giữa các y, bác sĩ và virus SARS-CoV-2, để bảo vệ mạng sống của mình.

Nhớ lại giai đoạn này, BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, cũng là người trực tiếp thiết lập ECMO cho BN19 chia sẻ: "Tình trạng suy hô hấp bất ngờ tiến triển nhanh nên bệnh nhân được chỉ định can thiệp ECMO (kỹ thuật hỗ trợ tim phổi nhân tạo) để đảm bảo duy trì các chức năng sống. Chúng tôi làm ECMO đã chắc tay nhưng diễn biến của BN19 nhanh nên vẫn thấy run khi thực hiện. Điều may mắn là chúng tôi chỉ mất 30 phút để thiết lập được hệ thống ECMO, trong khi bình thường phải mất hơn 1 tiếng".

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim - 3

Là 1 trong số ít các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng phải can thiệp ECMO, tình hình sức khỏe của bà H. được theo dõi rất chặt chẽ và phân thành nhiều lớp. Cụ thể, ngoài các bác sĩ và điều dưỡng túc trực trong phòng bệnh, còn có ekip vòng ngoài theo sát diễn biến của bệnh nhân thông qua hệ thống camera và màn hình hiển thị các chỉ số sinh tồn.

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim - 4
Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim - 5

Sau hơn 2 tuần điều trị tích cực bà hồi phục tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định. Về phía các y, bác sĩ đây là một tín hiệu hết sức khả quan. Ngày 4/4, bà được dừng ECMO, cả khoa Hồi sức tích cực ai cũng mừng rỡ vì nghĩ rằng, mình đã đi được quá nửa chặng đường. "Ngày bệnh nhân này cai ECMO, chúng tôi mừng lắm, đến lúc này cũng xem như đã đi được 70% chặng đường, anh em đều có suy nghĩ là bà khỏi đến nơi rồi" - BS Khiêm chia sẻ.

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim - 6

Không chỉ có có gia đình bệnh nhân, tập thể y, bác sĩ, mà người dân cả nước, lúc đó, cũng đã rất phấn khởi khi nghe tin 1 trong những ca mắc Covid-19 nặng đã hồi phục tốt và có thể cai được ECMO. Vào thời điểm này, ít ai ngờ được rằng, giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến vẫn đang còn ở phía trước, bởi sâu bên trong cơ thể của bệnh nhân, virus SARS-CoV-2 đã âm thầm tấn công vào tim và dần gây nên những tổn thương trên cơ quan quan trọng này.

Đêm không ngủ và 45 phút "khủng khiếp" của khoa Hồi sức tích cực

8/4 là một ngày đáng nhớ đối với các thầy thuốc tại khoa Hồi sức tích cực. Gần 1 giờ sáng, xuất phát từ tình trạng rối loạn nhịp tim, bà H. đột ngột ngừng tuần hoàn, các y, bác sĩ được huy động gấp để thực hiện cấp cứu ngừng tim, loại cấp cứu tối cấp trong y khoa.

"Tình hình lúc đó nguy hiểm đến mức nếu phát hiện muộn thêm một chút, bà có thể tử vong hoặc nếu có sống thì cũng để lại các di chứng tổn thương não trầm trọng, khả năng cao bệnh nhân sẽ phải sống đời sống thực vật" - BS Khiêm cho biết.

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim - 7

"45 phút" là tổng thời gian các bác sĩ phải thực hiện ép tim cho BN19 trong quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn. Một chuyên gia kì cựu tại khoa Hồi sức tích cực, nơi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân nguy kịch như BS Đồng Phú Khiêm đã phải dùng từ "khủng khiếp" để mô tả lại ca ép tim có thời gian dài hiếm có này.

Người trong ngành sẽ hiểu rõ việc thực hiện kỹ thuật ép tim trong thời gian dài tốn sức như thế nào. Các bác sĩ đã phải ép tim 120 lần/phút, người khỏe đến mấy cũng sẽ nhanh chóng rã rời tay chỉ sau một thời gian ngắn. Ca cấp cứu hôm đó, 8 bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã phải thay nhau ép tim cho bệnh nhân. "Sau 30 phút ép tim chưa thấy bệnh nhân biến chuyển gì, chúng tôi sợ rằng mình sẽ thua. Lúc đó, gần như toàn bộ nhân lực của Khoa đã được huy động để hỗ trợ. Tính đến tình huống xấu nhất, chúng tôi cũng buộc lòng phải trao đổi ngay với người nhà bệnh nhân " - BS Khiêm thuật lại.

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim - 8

Bác sĩ Mạc Duy Hưng, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Là 1 trong những người trực tiếp tham gia ép tim cho BN19, Bác sĩ Mạc Duy Hưng vẫn không thể quên được những gì đã diễn ra: "Tôi đã nhiều lần thực hiện ép tim vì ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên, phải thực hiện thủ thuật này trong thời gian gần 1 tiếng đồng như trường hợp của BN19 là rất hiếm. Có những lúc mọi người trong ekip cấp cứu đã suy nghĩ rằng, bệnh nhân có thể không qua khỏi".

Thế nhưng, lại một lần nữa các chiến binh áo trắng cứu bà H. từ tay thần chết. Điều kì diệu xảy ra vào phút thứ 45, khi tim bà đập trở lại. Ca cấp cứu ngừng tuần hoàn đã thành công nhưng không đồng nghĩa với việc các blouse trắng đã chiến thắng.

Chúng tôi phải làm lại tất cả từ đầu!

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim - 9

Suốt một thời gian dài sau đó, bệnh nhân vẫn như bước trên lằn ranh của sự sống và cái chết. Việc bà H. ngừng tuần hoàn đã làm phát sinh nhiều vấn đề: Tình trạng nhiễm trùng tăng lên, diễn biến suy đa cơ quan, tổn thương phổi rất nhanh, lúc nào bệnh nhân cũng có nguy cơ bị đe dọa đến tính mạng.

Các y, bác sĩ lúc này lại phải bước vào một cuộc chiến dài hơi để giúp bệnh nhân của mình hồi phục, điều mà theo BS Khiêm mô tả là giống như "làm lại tất cả từ đầu".

Sự hồi phục kì diệu của bệnh nhân từng cận kề cửa tử

Sự kiên trì và những nỗ lực không biết mệt mỏi của các y, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã được đền đáp. Bà H. đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị và dần ổn định. Đến ngày 29/4, sau 54 ngày nằm viện, trong đó có đến 44 ngày nằm ở khoa Hồi sức tích cực, bà được Hội đồng chuyên môn bộ Y tế đánh giá: "Đã vượt qua giai đoạn khó khăn, các biểu hiện lâm sàng như khí máu, X-Quang phổi đều đã tốt lên. Đến ngày 4/5, bà đã cai được máy thở, đồng thời chuyển từ tình trạng nguy kịch sang tình trạng nặng.

Cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19 đã 3 lần ngừng tim - 10

Ở thời điểm hiện tại, BS Đồng Phú Khiêm vui mừng thông báo về tình trạng của bệnh nhân từng cận kề cửa tử này: "Bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, không còn phụ thuộc vào máy thở, thậm chí bệnh nhân đã đi được trở lại".

Vị bác sĩ này tiếp lời: "Đối với những người thầy thuốc như chúng tôi, được chứng kiến bệnh nhân của mình, đặc biệt là các ca bệnh nặng hồi phục thì không còn điều gì tuyệt vời hơn!"

Bài: Minh Nhật- Bảo Trung

Ảnh và video: Toàn Vũ