Hơn 200 “blouse trắng” cách ly cùng bệnh nhân Covid-19
(Dân trí) - Chứng kiến sự bình tĩnh, tinh thần lạc quan của các “blouse trắng” trên tuyến đầu chống dịch, sẽ ít ai nghĩ rằng, phía trước họ là cả một cuộc chiến khó khăn và nguy hiểm.
Để phục vụ công tác chăm sóc và điều trị cho lượng bệnh nhân Covid-19 lớn chưa từng có, trở về từ Ghi-nê Xích Đạo, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bố trí khoảng 250 y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên ở lại cơ sở Đông Anh cách ly trong khoảng 1 tháng, sau đó sẽ thay thế lực lượng dự bị đang ở cơ sở Giải Phóng.
Theo ThS Phạm Thị Nguyệt Quyên, Phụ trách Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện ưu tiên những người đang có thai hoặc có con nhỏ được làm việc tại cơ sở Giải Phóng (không tiếp nhận bệnh nhân Covid-19). Hay các cặp vợ chồng cùng công tác tại Bệnh viện thì chỉ sắp xếp một người ở lại cách ly.
Có lẽ do đã quen với công việc nên các cán bộ y tế của bệnh viện đều không quá lo lắng, băn khoăn khi bước vào “cuộc chiến mới”. Bản thân chị Quyên cũng ở lại Bệnh viện cách ly để tham gia vào công tác hậu cần. Ở giai đoạn chống dịch trước, chị cũng đã 2 tháng liền không về nhà.
Bản thân làm trong ngành truyền nhiễm và đã từng trải qua 1 đợt cách ly dài, nên cũng giống như nhiều cán bộ y tế khác, chị không suy nghĩ gì nhiều đến việc phải xa gia đình.
“Các con của tôi đều đã trưởng thành, ông xã lại đảm đang nên có thể quán xuyến tốt việc nhà, dù thiếu đi người phụ nữ trong gia đình. Chỉ vậy thôi nhưng tôi thực sự đã may mắn”, chị Quyên chia sẻ.
Sẵn sàng lên đường khi có nhiệm vụ
“Chúng tôi làm ngành truyền nhiễm nên phải luôn sẵn sàng để lên đường”, đó là những chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thành Lê, khoa Nhi trước giờ cách ly cùng đoàn 219 công dân Việt trở về từ Ghi-nê Xích Đạo.
Được biết, trong 1 tháng ở lại tuyến đầu cùng đồng nghiệp vào giai đoạn trước của dịch, cuộc sống của anh và gia đình cũng bị xáo trộn rất nhiều. Thậm chí, vợ chồng bác sĩ trẻ này phải nhờ đến bà nội ở quê lên chăm cháu.
Lần này, BS Thành tiếp tục nhận ở lại để làm nhiệm vụ cách ly, theo dõi và tham gia điều trị các công dân vừa trở về.
Thông báo với gia đình về nhiệm vụ mới, con anh còn quá nhỏ nên thứ duy nhất các bé hiểu được là bố sẽ đi rất lâu mới về. Về phần vợ, BS Thành chia sẻ rằng, chị đã bình tĩnh hơn lần trước khi nghe tin chồng tiếp tục cách ly tại Bệnh viện.
“Cô ấy nhắc tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe, rồi đi chuẩn bị hành lý lên đường cho chồng”, BS Thành vừa kể vừa khoe với chúng tôi hộp muối vừng, mà vợ tự tay làm để anh đỡ nhớ cơm nhà.
BS trẻ này tiếp lời: “Không chỉ có lực lượng làm trong ngành truyền nhiễm mà cả người nhà của họ cũng luôn chuẩn bị tư tưởng, tâm lý cho những nhiệm vụ tương tự. Nói chung anh em tại Bệnh viện đều rất sẵn sàng cho việc ở lại, không ai nề hà”.
Bình tâm trước cuộc chiến khó khăn và nguy hiểm
Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi sẽ trực tiếp điều trị cho khoảng 50 ca mắc Covid-19, trong đoàn 219 công dân về từ Ghi-nê Xích Đạo.
Số lượng bệnh nhân cùng lúc tiếp nhận điều trị lớn chưa từng có sẽ đi cùng với nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao.
Chị Phạm Thị Kim Phương, Phụ trách điều dưỡng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp chia sẻ: “Các chị em trong Khoa đều đã có gia đình, con cái, nhưng mọi người vẫn vui vẻ lên đường làm nhiệm vụ thì tôi cũng như vậy thôi, bởi vì đã chọn nghề y thì chúng tôi đã xác định phải thực hiện cho tròn nghĩa vụ với nghề”.
Với điều dưỡng Đào Thị Thanh Hiếu, lý do khiến chị vẫn bình tâm trước cuộc chiến vất vả và nhiều rủi ro không chỉ vì đã có nhiều kinh nghiệm mà còn bởi chị đã kịp chuẩn bị đủ những gì cần thiết cho chồng, con trong một tháng vắng nhà.
“Trước ngày đi, tôi đã kịp mua đủ sách vở để 2 con sẵn sàng cho năm học mới. Hai vợ chồng cũng đưa các cháu về quê gửi gắm cho ông bà trong thời gian này. Việc nhà lo xong, bây giờ tôi có thể yên tâm tập trung vào nhiệm vụ chống dịch được giao”, điều dưỡng Hiếu bộc bạch.
Trước mắt với các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ là 30 ngày bám trụ tại Bệnh viện và có thể còn kéo dài hơn.