TPHCM: Gia tăng trẻ mắc ho gà, tất cả mẹ bệnh nhân có chung 1 tình trạng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay, số ca bệnh ho gà ghi nhận tại TPHCM gia tăng so với các năm trước. Trong đó, có 90% là trẻ dưới 5 tuổi.

Ngày 20/6, Sở Y tế TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, số ca bệnh ho gà ghi nhận tại địa phương gia tăng so với các năm trước.

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), tính đến giữa tháng 6, TPHCM ghi nhận 30 ca bệnh ho gà, với 90% ca bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi. Có 40% là trẻ dưới 2 tháng tuổi - chưa đến tuổi tiêm mũi đầu tiên trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR). Đáng chú ý, tất cả trẻ bị ho gà đều có mẹ chưa tiêm hoặc chưa rõ tiền sử tiêm chủng ho gà. 

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2, có khoảng 1/3 trường hợp ho gà cần thở oxy qua ống thông mũi (cannula), hơn 1/4 trường hợp có chẩn đoán kèm với viêm phổi/viêm tiểu phế quản/viêm phế quản phổi/trào ngược dạ dày thực quản. Qua điều tra dịch tễ, các ca bệnh này xuất hiện rải rác và hiện chưa ghi nhận mối liên hệ dịch tễ với nhau.

Tính trên bình diện phía Nam, theo số liệu báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, trong 5 tháng đầu năm 2024, số ca ho gà đang gia tăng với 40 ca bệnh. Trong đó, ghi nhận 67,5% số ca bệnh ở nhóm trẻ dưới 3 tháng tuổi và hơn 75% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa đến tuổi tiêm vaccine.

TPHCM: Gia tăng trẻ mắc ho gà, tất cả mẹ bệnh nhân có chung 1 tình trạng - 1

TPHCM đã phát hiện hàng chục trẻ ho gà tính từ đầu năm (Ảnh minh họa: SYT).

Với tình hình trên, ngành Y tế TPHCM đã tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về cách phòng bệnh ho gà, lịch tiêm chủng vaccine có thành phần ho gà cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Đồng thời, tăng cường hoạt động tiêm chủng thường xuyên, tiêm bù và rà soát mời tiêm, đối với những trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi.

Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ chủ yếu bị lây nhiễm từ mẹ hoặc người chăm sóc trong nhà. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.

Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Đối với trẻ sơ sinh, một số trẻ có thể không ho mà thay vào đó là tím tái hoặc thậm chí ngưng thở. 

Tại Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành ở mọi nơi. Bệnh thường diễn biến nặng khi có dịch xảy ra, dễ tử vong do bị bội nhiễm gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Dịch có tính chu kỳ khoảng 3-5 năm.

Ho gà đã có vaccine phòng bệnh và được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Lịch tiêm được bắt đầu từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi. Để bảo vệ trẻ không bị ho gà khi chưa đủ tuổi tiêm chủng, miễn dịch thụ động được thừa hưởng từ mẹ (kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai) là rất cần thiết.

Do đó, tiêm vaccine có thành phần ho gà cho mẹ thời kỳ mang thai giúp bảo vệ người mẹ khỏi bị nhiễm và lây bệnh ho gà cho con, đồng thời cung cấp kháng thể phòng bệnh ho gà bảo vệ trẻ những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ.

4 công trình, vựa vật liệu xây dựng tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh

Trong tuần 24 (từ ngày 7/5 đến ngày 13/5), các Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức đã tăng cường giám sát 83 điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết Dengue tại 11/22 quận huyện trên địa bàn TPHCM. Qua đó, phát hiện 4 điểm nguy cơ là công trình xây dựng, vựa vật liệu xây dựng có phát sinh lăng quăng, bao gồm:

1. Vựa vật liệu xây dựng tại 1A Ngô Quyền, phường 12, quận 5;

2. Công trình xây dựng tại 224/6/28 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh;

3.  Công trình xây dựng tại 111/12/6 Lý Thánh Tông, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú;

4.  Công trình xây dựng tại 67/03 Nguyễn Văn Yến, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú.

TPHCM: Gia tăng trẻ mắc ho gà, tất cả mẹ bệnh nhân có chung 1 tình trạng - 2

Công trình xây dựng là nơi dễ đọng nước gây phát sinh lăng quăng (Ảnh: SYT).

Đối với các điểm nguy cơ tồn tại vật chứa có lăng quăng, cơ quan chức năng đã hướng dẫn cho chủ điểm nguy cơ dọn dẹp, xử lý vật chứa ngay tại thời điểm giám sát. Trạm Y tế sẽ thực hiện tái giám sát sau một tuần.

Thường xuyên rà soát các vật chứa tránh phát sinh lăng quăng tại các công trình xây dựng là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của những người thi công và ngăn chặn dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng. Để thực hiện được hiệu quả việc này cần có sự quan tâm rà soát và xử lý của người quản lý công trình, chủ đầu tư.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm