1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm, thận trọng với các nhóm thực phẩm nào?

Tú Anh

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, những trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn nhóm trẻ khác. Các nhóm thực phẩm dưới đây cần hạn chế để giảm nguy cơ trẻ béo phì, giảm nguy cơ dậy thì sớm.

PGS.TS Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tình trạng trẻ dậy thì sớm có xu hướng gia tăng.

Một trẻ được coi là dậy thì được coi là sớm nếu khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Tuy nhiên, ở khoa đã tiếp nhận điều trị cho những trẻ mới 6-7 tuổi đã có kinh nguyệt, tuyến vú phát triển. 

Trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm, thận trọng với các nhóm thực phẩm nào? - 1

Nếu trẻ gái có các biểu hiện như: ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt, tăng chiều cao; Ở bé trai, có các dấu hiệu như: tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, trứng cá, giọng trầm đi, tăng chiều cao... nên cho trẻ đi khám sớm để chẩn đoán dậy thì sớm. 

Trẻ sẽ được đánh giá mức độ dậy thì qua đánh giá tuổi xương, siêu âm tử cung buồng trứng, siêu âm thận xem có các khối bất thường hay không. Ngoài ra trẻ còn được tiến hành chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm hormone sinh dục.

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đang quản lý hơn 1.000 trường hợp trẻ dậy thì sớm trung ương, trong đó, có hơn 500 trường hợp trẻ được điều trị ức chế phát triển.

PGS Thảo thông tin thêm, tỷ lệ trẻ gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ nam. Ở dậy thì sớm trung ương, cứ có một trẻ nam thì có tới 20 trẻ nữ dậy thì sớm. Tuy nhiên, nếu trẻ nam dậy thì sớm thì tỷ lệ mắc các bệnh về não rất lớn.

Dù 95% dậy thì sớm ở bé gái là vô căn, nhưng việc theo dõi phát hiện sớm và điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp điều trị kịp thời, trẻ có độ tuổi phát triển như chúng bạn.

Trên thực tế, nhóm trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn các bạn cùng trang lứa.

Nên hạn chế các thực phẩm nào?

Theo Cục An toàn thực phẩm, những thực phẩm làm tăng nguy cơ trẻ dậy thì sớm cần tránh gồm:

Thịt cổ gia cầm: Trong thành phần của thịt ở vùng cổ gia cầm như gà, ngan, ngỗng...  thường có chứa nhiều thuốc tăng trọng. Khi trẻ ăn nhiều thịt cổ, đồng nghĩa trẻ sẽ bị kích thích dậy thì sớm.

Rau củ trái mùa: Đều chứa các chất độc hại tồn dư từ việc trồng rau quả trái mùa và sử dụng để ép trái cây phải chín, việc này sẽ tạo ra nguy cơ dậy thì sớm khi các em ăn loại rau củ này.

Thực phẩm chiên, rán: Khi nấu ở nhiệt độ cao, các món ăn như gà rán, khoai tây chiên... sẽ bị biến đổi chất, khi trẻ ăn vào có thể gây rối loạn nội tiết và dẫn đến cơ thể dậy thì sớm hơn.

Đồ ăn nhiều muối: Nếu bạn cho con mình ăn nhiều thực phẩm chứa muối trong một thời gian dài sẽ khiến hệ tiêu hóa, thận của trẻ gặp nguy. Bởi những món ăn chứa hàm lượng muối cao sẽ kích hoạt hormon có liên quan tới sinh sản đó là neurokinin B, dẫn đến cơ thể dậy thì sớm.

Nội tạng động vật: Các món ăn từ nội tạng động vật sẽ khiến trẻ dễ bị béo phì, tăng cân, đồng thời kích hoạt dậy thì sớm.

Sữa đậu nành: Các sản phẩm từ đậu nành có chứa isoflavone giống estrogen, có thể dẫn đến dậy thì sớm ở em gái. Tuy nhiên nếu ăn ở mức độ vừa phải sẽ không gây nguy cơ này.

Đồ ăn sẵn: Có chứa chất bảo quản, chất tạo màu, tạo mùi. Các chất này giống như hormon giới tính, do vậy không tốt cho cơ thể các em đang tuổi lớn.

Thuốc bổ: Nhiều bà mẹ tự mua vitamin tổng hợp cho bé uống, hoặc dùng thuốc Bắc chế biến món ăn như canh gà thuốc bắc, gà tần... cho trẻ ăn, sẽ làm cơ thể thay đổi quá trình bài tiết, gây dậy thì sớm. Vì trong hầu hết trong các thuốc bổ này có chứa hormon tăng trưởng rất mạnh, gây dậy thì sớm. Vì thế, không tùy tiện cho trẻ uống thuốc bổ.

Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn sẵn, chiên rán, đồ nhiều muối... việc động viên trẻ vận động mỗi ngày rất quan trọng. Vận động sẽ kích thích xương phát triển, tăng chiều cao, tiêu hao năng lượng dư thừa hạn chế béo phì.