Trăm triệu chứng đều... quy về cúm A/H1N1!
(Dân trí) - Đó là lời nói vui nhưng cũng rất thật của một bác sĩ tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia trước tình trạng nhiều người lo lắng tới mức thái quá, hễ nhức đầu, đau họng, sốt... đều nghĩ mình đã “dính” cúm A/H1N1.
Mắng bác sĩ xơi xơi vì không được nhập viện
Đó là tình cảnh mà thời gian gần đây, các bác sĩ Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia rất hay gặp phải.
Tại khoa khám bệnh, vì bệnh nhân sốt quá cao nên bác sĩ cho truyền dịch. Đang nằm truyền dịch thì y tá chuyển tiếp một bệnh nhân cũng có biểu hiện tương tự như anh Huy tới ngay giường bên cạnh. Quá hốt hoảng vì “nhỡ” chồng mình chưa bị cúm, lại nằm cạnh bệnh nhân có vẻ là cúm như thế nên chị Hoàn phản ánh ngay với y tá nhưng không được đáp ứng.
Rồi đến khi bác sĩ chẩn vào sổ khám bệnh là sốt, có triệu chứng cúm, cho về nhà theo dõi thì chị Hoàn càng giãy nảy, nằng nặng đòi cho chồng nhập viện, chi phí bao nhiêu cũng chịu. Bác sĩ đã phải giải thích rất nhiều, rằng anh Huy tuy có dấu hiệu cúm, nhưng không có yếu tố dịch tễ nào liên quan đến cúm A/H1N1 nên không thể cho nhập viện mà cần về nhà theo dõi thêm. Tuy vậy, chị Hoàn vẫn rất ấm ức, cho rằng bác sĩ lơ là, vô trách nhiệm với bệnh nhân cúm.
BS Nguyễn Trung Cấp, phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết, các bác sĩ không chỉ chịu áp lực vì lượng bệnh nhân quá tải mà còn áp lực rất lớn với những người bệnh luôn lo lắng thái quá. “Nếu ai bị sốt, ho, cúm cũng nhập viện thì chúng tôi có dành trăm giường cho bệnh nhân cũng không thể đủ, chưa kể, khi họ nằm theo dõi tại viện, rất dễ bị lây chéo từ những người thực sự nhiễm bệnh”.
Theo BS Cấp, người ho, ốm sốt tới viện khám đã đành, có rất nhiều trường hợp khỏe mạnh, nhưng vẫn tới Viện đề nghị cho xét nghiệm cúm A/H1N1 cho cả gia đình, chỉ với mục đích duy nhất là "yên tâm gia đình mình chưa bị cúm hỏi thăm". Bác sĩ giải thích đủ đường, người bệnh vẫn cho bác sĩ hách dịch, cửa quyền... không chịu khám, xét nghiệm cho người bệnh.
Bác sĩ Trần Thị Phương Thúy - Trưởng khoa Khám bệnh, cho biết, mấy ngày gần đây, số người đến khám bệnh tăng vọt. Bình thường, mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 100-120 người nhưng riêng hôm qua có tới 200 người đến khám. Nhiều người bị cúm được bác sĩ giải thích vui vẻ về cách ly, theo dõi tại nhà, nhưng không ít trong số đó vì lo lắng quá nên “sửng cồ” với bác sĩ.
“Triệu chứng cúm là do nhiều vi rút gây ra, trong đó vi rút cúm mùa H3N2 là chủ yếu, ngoài ra các vi rút gây cảm lạnh, vi rút gây đau mắt đỏ… cũng có thể biểu hiện như triệu chứng cúm. Vì thế, không phải trường hợp có biểu hiện cúm nào cũng nghi ngờ là cúm A/H1N1”, BS Cấp khẳng định.
Có ý thức, sẽ phòng tránh được cúm
Những trường hợp còn lại, tốt nhất, trong thời điểm này, nên tự theo dõi, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. BS cũng đưa ra lời khuyên mọi người không nên quá lo lắng, vì cúm A/H1N1 biểu hiện bệnh rất nhẹ nhàng, như cúm mùa, chưa có trường hợp nào biến chứng nặng. Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia đã điều trị cho trên 50 trường hợp cúm A/H1N1, trong đó, 36 người đã được xuất viện, hoàn toàn khỏe mạnh, số bệnh nhân còn lại bệnh tình cũng rất nhẹ, không có biến chứng nguy hiểm.
Khẩu trang vải vẫn ngăn ngừa được cúm A/H1N1
Trong khi khẩu trang y tế lên cơn “sốt”, bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế TPHCM, cho biết, khẩu trang vải vẫn dùng được để ngăn ngừa lây lan cúm A/H1N1.
Theo bác sĩ Nghiệm, mỗi người dân chỉ cần 2 khẩu trang vải thì cũng đủ để phòng vệ cho mình khi đi ra đường hoặc ở những nơi đông người. Chỉ có bác sĩ, những người làm nhiệm vụ trong khu vực cách ly về cúm A/H1N1 mới cần đến khẩu trang y tế loại N95.
Khẩu trang vải sau khi dùng xong, về nhà chỉ cần giặt lại bằng xà phòng, phơi nắng. Sau đó, đem khẩu trang vải này ủi bằng bàn là ở nhiệt độ khoảng 70oC thì chết hết vi trùng rồi. Khẩu trang vải hiện được bán rộng rãi trên thị trường với giá chỉ từ 2.000-5.000 đồng/cái. Trong khi đó, khẩu trang y tế có giá đang “leo thang” mà chỉ dùng được một lần rồi bỏ.
Người dân cũng phòng ngừa cúm A/H1N1 bằng cách uống nhiều nước, nước cam, chanh… Nền nhà, bồn cầu nên lau chùi sạch sẽ bằng thuốc tẩy. Tay cầm của những cửa nhà vệ sinh cũng nên lau chùi bằng thuốc sát trùng… Người dân cũng nên vệ sinh thân thể thường xuyên, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn…. Công Quang |
Hồng Hải