1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trải lòng của một bác sĩ chuyên trị bệnh truyền nhiễm

(Dân trí) - “Lắm lúc buồn vì nghề nhiều “bạc bẽo”… nhưng dường như đã ai theo thì không thể từ bỏ", ThS Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa hồi sức tích cực, Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, trải lòng sau hơn 14 năm trong nghề với đủ tâm trạng hỉ, nộ, ái, ố….

Liệu có thể tỉnh dậy mỗi sáng mai?

Đó là tâm trạng của rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế ở thời điểm dịch SARS “ghé thăm” nước ta trước đây mấy năm. Đến giờ, ấn tượng với các bác sĩ, đây là dịch nguy hiểm nhất mà đã từng trải qua, trong số những dịch bệnh mới nổi.
 
Trải lòng của một bác sĩ chuyên trị bệnh truyền nhiễm  - 1
Bác sĩ luôn là những người đầu tiên phải tiếp xúc với các nguy cơ khi có dịch bệnh mới nổi. Trong ảnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới quốc gia thăm bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Hà Nội
 
Thực tế, trong những dịch bệnh mới nổi gần đây, như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 đại dịch… thì duy nhất trong dịch SARS là đã từng có nhân viên y tế tử vong. Căn bệnh này nguy hiểm ở chỗ nó đến bất ngờ, không ai hiểu gì về nó, thế giới cũng bị động về nó.
 
“Giai đoạn đó, chúng tôi rất hoang mang. Nhiều đồng nghiệp sang Việt Pháp hội chẩn, tận mắt thấy mọi nhân viên làm việc tại bệnh viện này đều bị “phong tỏa”, ăn, ngủ ngay trong viện, đã nghĩ: “không biết sáng mai có thể tỉnh giấc để gặp lại mọi người?”. Đến khi có những bệnh nhân mắc SARS vào Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia, thì khu vực này lập tức trở thành một “ổ dịch” trong mắt rất nhiều người. Dù không trực tiếp điều trị bệnh nhân, nhưng nhiều bác sĩ làm việc tại đây cũng rất ngại khi đi ra ngoài. Nếu có việc gì cần thiết phải ra ngoài, cũng phải “kín đáo”, “ngụy trang” vì sợ bị kỳ thị. Còn chuyện mua cơm, đồ ăn uống… bằng cách đứng từ tầng trên, dòng dây xuống để người bán hàng buộc đồ lên trở thành chuyện hằng ngày. Bệnh viện như một “pháo đài” bị cô lập”, BS Cấp nhớ lại.

Vừa qua dịch SARS, lại đến dịch cúm A/H5N1 và cũng chưa ai biết đó là bệnh gì. Chỉ thấy người bệnh viêm phổi rất nặng, tử vong rất nhanh nhưng không phải là SARS. Rồi dịch cúm A/H1N1 ồ ạt “đổ bộ” vào Việt Nam và bệnh viện Nhiệt đới quốc gia luôn quá tải số bệnh nhân nhập viện.

“Mỗi bác sĩ chúng tôi khi đi làm đều “thủ” theo một bộ quần áo mới. Đến giờ về đều chủ động tắm gội sạch sẽ, cho quần áo cũ vào túi ni-lon buộc chặt, mặc đồ mới vào. Khi đến nhà, chẳng kịp chào vợ con lại nhảy vội vào nhà tắm để thêm sát trùng một lần nữa. Vì cúm rất dễ lây, nếu chỉ chủ quan một chút thì mình có thể khiến vợ, con, hàng xóm… bị nhiễm bệnh. Ở thời điểm đó, những cán bộ y tế là nữ giới, đang nuôi con nhỏ, đang mang thai thực sự vô cùng vất vả vì nguy cơ lây nhiễm cho con cái, người thân là rất lớn”, BS Cấp kể lại.

Những tai nạn bất ngờ

Trong môi trường làm việc đặc trưng của bệnh viện, mỗi người bác sĩ đều luôn có ý thức phòng vệ cho mình. Nhưng cũng có những trường hợp, sự phòng vệ kém hiệu quả. Như có một bệnh nhân cấp cứu vì khó thở, cả bác sĩ, y tá đều lao vào cấp cứu, lúc này rất khó để thực hiện đủ các quy trình phòng lây nhiễm. Khi cấp cứu xong xuôi, đi chụp tim, phổi… thì mới phát hiện bệnh nhân mắc lao nặng. Nếu bệnh nhân mắc lao kháng thuốc thì cũng không khác gì HIV vì chẳng còn thuốc gì điều trị.
 
Trải lòng của một bác sĩ chuyên trị bệnh truyền nhiễm  - 2
BS Cấp đang khám cho một bệnh nhân viêm phổi nặng

Điều dưỡng viên tên D. ở khoa Hồi sức tích cực đã từng phải đi tiêm phòng dại vì bị nước bọt của bệnh nhân dại bắn vào mắt. Tai nạn vô cùng bất ngờ khi điều dưỡng này đẩy xe ngang qua một bệnh nhân bị chó dại cắn, bỗng nhiên bệnh nhân này nhảy chồm lên, nhổ “phù phù” nước bọt. Cô người yêu của điều dưỡng này đã nước mắt ngắn nước mắt dài đưa bạn đi tiêm phòng dại, vì sợ tiêm vào là… “ngơ ngơ” như dân gian đồn thổi.

Một tình huống khác, “vận” vào chính BS Cấp khi giữa đêm hôm, anh phải bắt xe vào viện hỗ trợ cấp cứu cho một bệnh nhân nặng. Vào viện anh đã chỉ định bệnh nhân này phải truyền máu. Tuy nhiên sang Viện Huyết học & Truyền máu TƯ phải đợi lĩnh máu khá lâu, do máu đang ở giai đoạn rất khan hiếm. Đợi lâu, cứ thế hơn chục người nhà bệnh nhân ùn ùn kéo lên phòng bác sĩ, dùng những lời lẽ lăng mạ bác sĩ vì để người bệnh chờ đợi, rằng bác sĩ chưa làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc, rồi còn dọa dẫm sẽ có những hành động côn đồ…

“Rõ là đang đêm hôm, mình phải bỏ tiền túi bắt xe vào viện hỗ trợ điều trị, đã chỉ định, cử y tá đi lĩnh máu, nhưng cái nhận được lại là lời trách mắng của gia đình người bệnh. Lúc đó, tôi rất buồn. Nhưng cũng chẳng thể “sửng cồ” với người bệnh, chỉ đành giải thích với gia đình, vì máu hiếm phải liên hệ rất nhiều khoa phòng mà chuaw lấy được. Nếu có thể thì người nhà nào cùng nhóm máu nên hiến để người bệnh đỡ phải chờ đợi, nhưng chẳng ai trong số đó nhận hiến máu”, BS Cấp nói.

Rồi có lần, khi điều trị cho một nam thanh niên lần đầu tiên phát hiện có HIV, bệnh nhân này đã “dọa” bôi máu từ vết loét vào người bác sĩ. “Những người lần đầu tiên phát hiện căn bệnh này, họ hoảng loạn, hận đời, có thể chủ động gây nhiễm bệnh cho người nên bác sĩ chúng tôi không chỉ là người điều trị, mà phải bằng sự chăm sóc chân tình, sẻ chia để họ cảm nhận được tình người, vượt qua khủng hoảng để tiếp tục điều trị”, BS Cấp chia sẻ.

Không chỉ gặp những tai nạn trong công việc, mà nghề bác sĩ đôi khi cũng đem đến cho họ những “rắc rối” trong đời sống. Một đồng nghiệp của BS Cấp, khi mới bước vào nghề  mới được gần 2 năm đã bị người yêu là một nữ sinh sư phạm “bỏ” vì... thành thật. Chuyện là anh triền miên những lần lỡ hẹn do bất ngờ có bệnh nhân cấp cứu. “Giọt nước tràn ly” ychính vào ngày kỷ niệm đặc biệt của hai người, anh đã đến muộn. Nhờ vẻ mặt “hối lỗi” của anh, nàng đã mở cửa cho anh vào. Nhưng khi người yêu phàn nàn, trách móc vì anh đến muộn, rằng nàng bị ngã xe, bị xước chân, đã nhắn tin mà không thấy người yêu hỏi han… thì người bác sĩ trẻ này đã “buộc miệng” nói thật: “Em xước chân một tí thế đau làm sao bằng việc chiều nay, anh vừa phẫu thuật cắt bỏ chân của một cô gái trẻ do tai nạn giao thông”. Và với câu nói thật đó, cô gái đã chia tay chàng bác sĩ trẻ, vì giận dỗi chàng không xót người yêu gì cả.

Nhân nói về tình huống này, BS Cấp chia sẻ anh rất may mắn vì có vợ là người cùng nghề nên dễ thông cảm cho nhau. “Với mỗi người, người thân, gia đình mình luôn là số một, quan trọng nhất. Nhưng với ngành y chúng tôi, rất nhiều người đã hiểu lầm chồng (vợ) không quan tâm, chăm sóc gia đình khi ốm đau. Chúng tôi là bác sĩ, thấy bệnh cảm cúm, sổ mũi thông thường của con, của cha mẹ… chỉ như vết thương do dẫm phải gai mùng tơi, so với một bên là bệnh nhân cấp cứu đau đớn,  ở nguy cơ thập tử nhất sinh. Vì thế, sự cảm thông của gia đình là rất quan trọng, là niềm động viên rất lớn với người thầy thuốc”.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những tình huống khác mà nhân viên y tế gặp phải, những hiểm nguy tiềm ẩn, rồi cả những buồn lòng khi không cứu được người nhưng nghề y với hầu hết các bác sĩ, đã theo thì không dễ từ bỏ bởi lòng yêu nghề, niềm vui khi giúp người bệnh vượt qua cửa tử… “Khi điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng, phải làm việc quá tải đôi khi cũng cảm thấy mệt mỏi, nhưng nếu có việc phải nghỉ phép vài ngày… thì lại thấy nhớ nghề da diết”, BS Cấp chia sẻ.

Bài và ảnh: Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm