1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khi bác sĩ trở thành… Sherlock Holmes

(Dân trí) - Do “chán sống” mà tự tử nên nhiều người bệnh không hợp tác điều trị. Vậy là các bác sĩ tại Trung tâm chống độc vừa phải tiếp cận điều trị, vừa phải có “nghiệp vụ” thám tử để có thể khai thác thông tin từ người bệnh.

Khi bác sĩ trở thành… Sherlock Holmes - 1
Một bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm chống độc (Ảnh: H.Hải)

Những Sherlock Holmes bất đắc dĩ

PGS.TS Bế Hồng Thu, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc (bệnh viện Bạch Mai), khi trò chuyện với chúng tôi, đã bày tỏ: "Các bác sĩ ở trung tâm lâu nay đều trở thành những Sherlock Holmes bất đắc dĩ". Sở dĩ các bác sĩ ở đây có thêm nghề tay trái này là vì thiếu sự cộng tác tích cực từ người nhà bệnh nhân khi đưa người thân vào nhập viện. Vì nhiều lý do, bệnh nhân và người thân không hiểu nên đưa thông tin không chính xác làm ảnh hưởng tới việc chẩn đoán và điều trị cho chính bản thân bệnh nhân.

Khi bác sĩ hỏi những thông tin như vì sao mà uống thuốc để tự tử, uống bao nhiêu viên, loại thuốc gì, lý do tại sao dẫn đến bệnh nhân phải uống thuốc thì người nhà bệnh nhân đều không muốn trả lời vì nghĩ bác sĩ tò mò vào chuyện riêng của họ. Vì thế, họ im lặng hoặc nếu có thì đều nói dối như uống nhầm thuốc trừ sâu để trong lọ, uống nhầm thuốc ngủ… Việc không phối hợp nói thật các thông tin liên quan đến nhãn mác loại thuốc, số lượng bao nhiêu… sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình điều trị. Chưa kể, căn nguyên thực sự khiến người bệnh nghĩ đến chuyện cùng quẫn chưa được giải quyết, thì cứu sống người bệnh cũng khó vì họ là những người đang muốn chết.

“Những bác sĩ mới vào nghề thường bị bệnh nhân “lừa” rất nhiều, họ kể sao tin vậy và cứ thế ghi vào bệnh án. Còn chúng tôi “kỳ cựu” rồi, không phải ca bệnh nào, họ đều kể thật với bác sĩ. Khi tự tử chắc chắn là phải có căn nguyên, có những mâu thuẫn, những nguyên do tế nhị nào đó mà người bệnh không muốn chia sẻ. Nếu không giải quyết được căn nguyên đó, người bệnh có thể tự tử lần 2, lần 3 ... Vì thế, dù rất khó khăn, người nhà nói không thật nhưng chúng tôi vẫn cố tìm hiểu. Thế nên mới có nghề tay trái là những thám tử bất đắc dĩ”.

Để chúng tôi được thực tế, BS Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm chống độc) dẫn chúng tôi đến tiếp xúc với một bệnh nhân ăn trứng cóc vừa qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân này khi vào viện, bà vợ cứ khăng khăng: Ăn trứng cóc thì ông ấy chết lâu rồi, chắc là do trứng cóc bị vỡ, dính lên thớt nên chế biến thức ăn khác bị dính vào. BS liền dở “nghiệp vụ” hỏi xoáy người bệnh: Bác ăn trứng cóc chứ gì, dính vào thớt sao được, dính thớt thì phải nhiều người khác cùng bị. Thôi, bác gái bỏ câu chuyện cái thớt đi. Lúc này, bà thì im lặng, còn ông thì kể về câu chuyện ăn trứng cóc của ông.

Theo BS Nguyên, người nhà bệnh nhân nhiều tình huống ngại nói thật, như trường hợp vợ bệnh nhân trên, bà sợ bị “mang tiếng” có chồng ham ăn, đến trứng cóc cũng không từ.

Cứu sống nhiều bệnh nhân nhờ tài thám tử

Theo BS Thu, việc cứu sống các bệnh nhân tự tử này, không chỉ ở việc điều trị, mà chính “nghề” thám tử đã giúp các bác sĩ rất nhiều trong tìm hiểu căn nguyên tinh thần từ phía người bệnh.

Như dịp trước Tết nguyên đán, một sinh viên nam, 23 tuổi được bạn đưa vào cấp cứu trong tình trạng ngộ độc rượu rất nặng. Khi bác sĩ đề nghị phải báo cho cha mẹ biết vì tình trạng bệnh nhân nguy kịch, người bạn kia nhất quyết không chịu nói. Trong hoàn cảnh này, bác sĩ lại phải dùng “nghiệp vụ dọa” rằng nếu không nói cách để liên lạc với người nhà bệnh nhân, bác sĩ sẽ gọi điện về trường học thông báo. Và quả nhiên, người bạn kia đã phải chủ động liên lạc với mẹ bệnh nhân.

“Phải nói trường hợp này có bố mẹ lên là một điều vô cùng may mắn. Vì bệnh nhân này vốn bị bệnh trầm cảm do áp lực học hành quá nặng. Vì kết quả thi học kỳ không đạt như nguyện vọng, chàng trai này nghĩ mình đã phụ công cha mẹ, nên đi uống rượu để quên sống. Hay như trường hợp một cô gái uống thuốc tự tử mới được cứu sống tại khoa. Suốt trong quá trình điều trị, dù tỉnh táo nhưng cô gái này luôn buồn bã, ít nói và cũng không có người nhà chăm sóc, thỉnh thoảng có một chàng trai trẻ chạc tuổi chạy đi chạy lại. Bằng sự tinh tế, nhạy cảm của một người phụ nữ, các BS đã hỏi han, chia sẻ để cô gái có thể tâm sự ra chuyện đang chất chứa trong lòng. Và rồi câu chuyện tế nhị đó cũng được cô nói ra: cô đang mang thai nhưng cả hai đều đang đi học nên không thể kết hôn. Cô gái sợ không dám bỏ thai, lại sợ bố mẹ biết chuyện nên đã tính quẩn. Chúng tôi giới thiệu các cháu đến khám và nếu cần bỏ thai thì phải đến cơ sở chuyên khoa, phòng những biến chứng đáng tiếc sau này”.

 “Không phải vô cớ mà chúng tôi cứ muốn hỏi kỹ về cuộc sống riêng tư của người bệnh, để bị mang tiếng tò mò. Nhưng chúng tôi phải tìm hiểu, phải có sự cộng tác của người bệnh thì mới điều trị hiệu quả. Vì thế, khi bệnh nhân vào viện, chúng tôi rất cần  sự cộng tác tốt từ người bệnh và gia đình bệnh nhân để với thời gian nhanh nhất có được chẩn đoán và điều trị chính xác cho bệnh nhân”.

Người dân khi vào viện đều luôn nói câu “trăm sự nhờ bác sĩ”, nhưng khi nhân viên y tế yêu cầu gia đình bệnh nhân và bệnh nhân hợp tác để mang tang vật đến thì họ lại khéo từ chối với đủ mọi lý do. Có lẽ người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của những tang vật mà bản thân họ hay người thân đã uống rất quan trọng đối với nhân viên y tế trong việc tìm ra bệnh. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam chúng tôi có đôi lời tâm sự để giúp bạn đọc hiểu thêm những nỗi khó khăn vất vả của ngành y tế và phối hợp tốt hơn với nhân viên y tế trong việc chữa bệnh”, BS Thu chia sẻ.

Hồng Hải