Đà Nẵng:
Tấm lòng lương y ở khoa thận nhân tạo
(Dân trí) - Ở khoa thận nhân tạo, các y, bác sĩ có thể nhớ rành rọt từng con người, từng hoàn cảnh, thậm chí từng cuộc đời; còn những bệnh nhân luôn nghĩ về những y bác sĩ với tấm lòng tri ân sâu sắc.
BS Thanh Vân bên những bệnh nhân phần lớn là có hoàn cảnh rất éo le
Chúng tôi ngỏ ý viết bài về những y, bác sĩ từng được ngành chức năng tuyên dương nhiều năm liền nhân ngày thầy thuốc Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Hữu Đa bảo: “Thôi khoan, đi gặp bệnh nhân đã. Họ cần nhiều người hiểu hơn”.
Ngay lỗi dẫn vào khu buồng bệnh, chúng tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Mười (53 tuổi, trú tại huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đang dò dẫm từng bước dọc theo những thanh giường bệnh sau một đợt chạy thận, lọc máu.
Những lời kể cứ được một quãng phải ngưng lại, sau một tiếng thở dốc mệt nhọc của người đàn ông có gương mặt xạm đen vì bệnh, mới tiếp tục: “Tôi đã có gần 5 năm điều trị bệnh ở khoa thận nhân tạo. Khổ, nhà nghèo, lại mắc phải bệnh nhà giàu. Từ ngày mắc bệnh, lại chỉ lo điều trị, không đi làm được nữa. Cả nhà, một bệnh nhân và bốn đứa con đang còn tuổi ăn học, phải khổ tâm mà cậy vào gánh hàng buôn bán lẻ của vợ tôi. Phải nói trước đây, gia đình không khá giả, những bữa ăn cũng đắp đổi được qua ngày, nhưng từ ngày tôi bệnh, gia đình khánh kiệt. Anh em họ hàng cũng thương, thay nhau giúp đỡ nhưng giúp ngặt chớ ai đâu giúp được nghèo mãi. Họ cũng nông dân, nhà nghèo. Cũng có lúc tôi nghĩ thôi buông tay để khỏi phải năm dài, ngày dài sống mà làm khổ vợ con, gia đình nữa. Nhất là cứ mỗi tháng, phải đóng ứng tiền viện phí khoảng gần 2 triệu đồng, chẳng biết đâu mà xoay xở nếu bệnh viện không cho khất nợ và các bác sĩ ở đây cứ động viên tinh thần”.
Cũng hoàn cảnh éo le chẳng khác những bệnh nhân đang điều trị tại đây, anh Ngô Tuấn Thắng (Đà Nẵng) được xem là người trí thức, biết ăn biết nói. Bản thân anh, từ 9 năm nay, anh phải sống dựa vào đồng lương của vợ. Vào khoa Thận nhân tạo này chạy thận từ 4 năm nay, từ một thanh niên khoẻ mạnh, công ăn việc làm ổn định, vậy mà giờ anh đã hoàn toàn mất sức lao động qua cơn bạo bệnh. Một mình vợ anh với số lương công chức còm cõi, phải vừa nuôi 2 con anh ăn học, vừa điều trị bệnh cho anh.
Bên cạnh giường anh Thắng, là cụ bà Nguyễn Thị Mưu (60 tuổi, trú Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng). Cụ bà đã 11 năm điều trị tại đây để duy trì sự sống. Bác sĩ Thanh Vân, người trực tiếp điều trị cho bà Mưu kể, bà có 4 đứa con mà đứa nào cũng làm nghề đi biển thuê, đứa nào cũng nghèo nên không thể giúp gì được cho bà. Không có tiền, bà hằng ngày cứ đến chạy thận nhân tạo, tiền ăn, tiền đi lại đều nhờ vào tấm lòng hảo tâm của những người xung quanh. Hỏi chuyện, bà cười buồn rượi: “Tiền ăn còn không có mà đòi tiền thuốc. Rứa thì về nhà nằm thôi chớ răng! Chết khi mô, hay khi nấy!”…
Y, bác sĩ vừa làm mạnh thương quân vừa kêu giúp
Ở khoa thận nhân tạo, dường như không có khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân. Họ dường như hiểu nhau rất rõ. Những y, bác sĩ có thể nhớ rành rọt từng con người, từng hoàn cảnh, thậm chí từng cuộc đời; những bệnh nhân luôn nghĩ về những y bác sĩ với tấm lòng tri ân “những lương y thực sự”. Điều đó cũng dễ hiểu khi thời gian điều trị của hầu hết những bệnh nhân ở đây đều quá dài.
“Có người suốt hơn mười năm ròng, cứ mỗi tuần ít nhất 3 lần gặp nhau để chạy lận, lọc máu, làm sao mà không quen thân nhau”, Bác sĩ Nguyễn Hữu Đa - Trưởng khoa Thận nhân tạo chia sẻ rồi lắc đầu nói thêm: “Những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh này, nếu có nhà to thì phải bán nhà to mua nhà nhỏ, nếu có nhà nhỏ thành vô gia cư, bởi tiền bỏ ra cho việc điều trị này là quá lớn. Nếu không điều trị thì bệnh sẽ càng nặng, khó mà cứu chữa. Trong khi đó, không may mắc bệnh thì sức khỏe sẽ suy kiệt đi nhiều, không thể lao động dù muốn dù không. Cũng chính vì thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của các bệnh nhân, nên những y bác sĩ ở đây luôn tâm niệm giúp đỡ, sẻ chia với họ để động viên tinh thần, ít ra giúp họ phần nào cảm thấy bớt thiệt thòi và có thêm ý chí để điều trị bệnh, giữ lại sự sống”.
Gặp những trường hợp khó khăn, ngặt nghèo cần cứu khẩn cấp, những y, bác sĩ ở đây đều vận động nhau quyên góp giúp đỡ, rồi tìm cách kêu giúp thêm. Chị Nguyễn Thị Bông (Quảng Nam) đang ngồi chờ ở hàng ghế bệnh nhân để đợi đến phiên mình vào chạy thận. Chị đã có “thâm niên” gần 3 - 4 năm điều trị tại khoa. Nhà nghèo, dù đã hưởng chế độ bảo hiểm nhưng ngay cả tiền ăn, tiền xe đi lại từ Quảng Nam ra Đà Nẵng cũng khó mà xoay sở, nợ nần thì chồng chất, nhiều lúc muốn buông tay cho số phận. Mới vừa rồi các bác sĩ trong khoa đã vận động xin được cho chị một suất hỗ trợ tiền ăn. “Cũng may có các cô chú bác sĩ đã giúp đỡ, không thì khó mà tiếp tục được, khó khăn nhiều quá! Nói về tình cảm của các y bác sĩ ở đây thì không gì có thể đền đáp nổi!”, chị Bông nghẹn ngào xúc động.
Còn bác sĩ Thanh Vân, một trong những bác sĩ điều trị ở khoa Thận nhân tạo, sau khi dẫn mọi người đi thăm những bệnh nhân, kể cho nghe những câu chuyện số phận của từng người một. Bác sĩ Vân bảo: “Mong các báo viết nhiều về những bệnh nhân ở khoa Thận này, để nhiều người tìm đến giúp đỡ. Ai cũng đáng thương và rất cần được sự sẻ chia của xã hội! Chúng tôi cũng đã thường xuyên đi xin, những dần dần cũng cạn…nguồn! Mong sẽ có nhiều tấm lòng đến với những bệnh nhân này, để có thể giảm đi gánh nặng bệnh tật và cơm áo cho những con người chịu nhiều thiệt thòi này!”. Giờ chúng tôi đã hiểu vì sao những y, bác sĩ ở đây mong muốn chúng tôi gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh những bệnh nhân nơi đây hơn là nói về họ.
Mong muốn của y, bác sĩ nơi đây, những tấm lòng lương y thực sự đáng trân trọng. Những điều họ mong muốn nhất trong những ngày đầu năm cũng như ngày 27/2, ngày có tên “ngày thầy thuốc Việt Nam” đều hướng về bệnh nhân: “Chúng tôi đã coi họ như người thân và nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm”.
Khánh Hiền