50 năm sống với bệnh nhân phong

(Dân trí) - “Lúc bắt đầu đến với họ, nhìn trên thân thể họ chỉ toàn là máu, những vết lở loét, u mủ mà tôi sợ hãi hùng. Nhưng, suốt 50 năm qua tôi vẫn sống bình yên giữa làng Đăk Kia nghèo đói, tôi thích ở với người bị bệnh phong”.

Chiều cuối năm Kỷ Sửu, chúng tôi đến làng phong Đăk Kia (xã Đoàn Kết, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Ở nơi chỉ toàn người mắc bệnh phong này, y sơ YPhương được nhắc đến như một bà tiên bước ra từ cổ tích, che chở làng phong suốt hơn nửa thế kỷ nay.

Y sơ YPhương sống trong một ngôi nhà nhỏ ở ngay giữa làng, nép mình dưới những rặng cây xanh rợp bóng. Ở tuổi 73, bà vẫn rất nhanh nhẹn, tinh anh. Khi chúng tôi đến thấy dưới sân, trên hè la liệt những mẹt, nong, nia đựng đầy bí, đậu, rau, cà rốt, củ cải, hành, bột tinh tinh... “Đó là thực phẩm được chuẩn bị để phát cho 100 người bị bệnh phong nặng nhất trong làng ăn Tết” - y sơ YPhương cho biết.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mái ngói 2 gian chật hẹp, y sơ YPhương nhớ lại hành trình đến với những bệnh nhân phong ở làng Đăk Kia khốn khổ này.

50 năm sống với bệnh nhân phong - 1

50 năm qua, y sơ YPhương lo lắng cho bệnh nhân phong như lo lắng cho chính những người ruột thịt của mình

Y sơ YPhương kể: “Mồ côi cha mẹ và một mình chống chọi với sóng gió cuộc đời, năm 23 tuổi tôi về nhà Dòng (Tu Viện) để theo học kinh thánh và nghề y. Sau khi tốt nghiệp lớp y tá, tôi xin vào làm việc tại trại phong Đăk Kia và sống tại làng phong Đăk Kia - nơi có những con phong bệnh hiểm nghèo đang mòn mỏi chờ đợi được sống. Lúc bắt đầu đến với họ, nhìn trên thân thể họ chỉ toàn là máu, những vết lở loét, u mủ mà tôi sợ hãi hùng.

Bấy giờ là những năm 50, trại phong Đăk Kia tập trung khoảng gần một ngàn bệnh nhân ở khắp các tỉnh Tây Nguyên đổ dồn về. Các bệnh nhân mắc bệnh phong ở nhiều cấp độ khác nhau, có những bệnh nhân virus phong phát tác mạnh, chân tay bị lở loét và thối rữa... Tuy nhiên, ngày đó chưa có thuốc đặc trị như bây giờ nên các bệnh nhân chỉ được truyền nước, tiêm thuốc kháng sinh, người bị bệnh nặng thì cũng chỉ được rửa vết thương bằng cồn, nước muối rồi băng bó lại...”.

Với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, ngày qua ngày, sơ YPhương không quản ngại nguy hiểm, ân cần chăm sóc, rửa ráy, băng bó tỉ mỉ từng vết thương, từ bữa ăn đến giấc ngủ, lo lắng cho các bệnh nhân phong như lo lắng cho chính những người ruột thịt của mình.

Hàng chục năm nay, dân làng Đăk Kia vẫn gọi y sơ YPhương là một bà tiên hiền hậu. Trong cái “cộng đồng phong” nghèo đói và chỉ toàn bệnh tật, có nhiều bệnh nhân nặng, sống độc thân đã gắn bó cả cuộc đời của mình với y sơ. Không chỉ là lương y chăm sóc bệnh nhân phong, y sơ YPhương còn là người mẹ của bao mảnh đời bất hạnh, của những đứa trẻ mồ côi, những sinh linh bị bỏ rơi tội nghiệp. Đến nay những đứa trẻ ấy đều đã trưởng thành, có người đã lập gia đình, có người thì đang theo học đại học ở TPHCM...
 
50 năm sống với bệnh nhân phong - 2
Nhiều người mắc bệnh phong sống độc thân ở làng Đăk Kia đã gắn bó cả cuộc đời với y sơ YPhương

“Người mắc bệnh phong độ 2 là nặng nhất, ở giai đoạn cuối những vết thương bị lở loét, thối rữa và rất ghê sợ. Cũng là bác sỹ, y tá nhưng không phải ai cũng có thể gắn bó được với cuộc sống suốt ngày chỉ quanh quẩn với người bị mắc bệnh phong, đã có nhiều người tình nguyện vào trại phong Đăk Kia được một thời gian nhưng sợ hãi với con bệnh và phải xin thuyên chuyển hoặc bỏ việc. Nhưng cùng làm việc với sơ Y Phương tôi thấy sơ làm lương y không chỉ vì đó là cái nghề, mà còn vì tình thương đồng loại, là tình cảm, tấm lòng và trách nhiệm cao cả” - ông Nguyễn Quốc Tiến, Trưởng trại phong Đăk Kia, trải lòng.

Nắng đã tắt nhưng tiếng gió chiều vẫn thổi gằn, khi chúng tôi rời làng phong cũng là lúc bóng tối bắt đầu bao phủ khắp miền bình nguyên khắc nghiệt. Trên con đường trở về thành phố Kon Tum, bóng dáng làng phong Đăk Kia dần mờ khuất nhưng những lời thành thật của sơ YPhương vẫn vang rõ: “Suốt 50 năm qua tôi vẫn sống bình yên giữa làng Đăk Kia nghèo đói, tôi thích ở với người bị bệnh phong. Hãy thương họ và đừng bỏ rơi họ!”.

Châu Như Quỳnh