Thư gửi người thầy thuốc tận tâm

(Dân trí) - Không một ai thích bệnh viện nhưng vẫn không tránh được và cũng rất cần có bệnh viện, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Và chính trong những lúc như thế, tôi thấm thía câu “Lương y như từ mẫu” hơn bao giờ hết.

 

Thư gửi người thầy thuốc tận tâm - 1

Ẩn sau gương mặt bình tĩnh đến lạnh lùng là một trái tim hết lòng vì người bệnh

Tôi vẫn nhớ như in lần đầu bước chân vào bệnh viện Bạch Mai, nước mắt cứ chảy vì lo cho bố, sợ hãi nơi bức tường lạnh lẽo và những con người mắc áo blue trắng cũng lạnh lẽo như vậy. Bất giác tôi ngước nhìn những người bác sĩ, y tá. Chân họ bước rất nhanh bởi công việc luôn đòi hỏi sự gấp gáp nhưng khuôn mặt không mấy khi cười bởi sự căng thẳng. Tôi đã thầm nghĩ, đó là những con người vô cảm trước sự đau đớn của bệnh nhân, trước ánh mắt cầu khẩn của người nhà. Nhưng không, họ đang cố giữ bình tĩnh để sáng suốt tìm phương pháp tốt nhất cứu người. Có ai hiểu hay chỉ biết trách móc rằng họ lạnh lùng đến vô tình như tôi? Không phải ngay lần đầu tôi mới nhận ra được điều tốt đẹp đó trong tấm lòng của những người làm nghề y đức mà phải trải qua rất nhiều lần sinh tử của bố, tôi mới hiểu được công việc của những con người đang cố gắng giữ lại cuộc sống cho những người bệnh.

 

Bố tôi hiện đang công tác ở Viện Dược Liệu nhưng hơn 2 năm qua với 14 lần cấp cứu nguy kịch do chảy máu dạ dày và thực quản - một trong những biểu hiện của xơ gan mãn tính giai đoạn giữa, một lần đại phẫu để tránh áp lực cho gan, những cơn sốt co giật do bị viêm nhiễm... Không biết bao lần gia đình tôi đã khóc khi nhìn thấy các bác sĩ lắc đầu, truyền rất nhiều máu nhưng chẳng thấm vào đâu nhưng chúng tôi không từ bỏ và các bác sĩ cũng vẫn không từ bỏ bất kỳ một cơ hội mong manh nào.

 

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác tất cả như sụp đổ dưới chân, bố tôi bị chảy máu ồ ạt do búi giãn ở cả dạ dày và thực quản, bác sĩ đưa ống nội soi để bắn thuốc cầm máu nhưng do máu chảy quá nhiều không thể thực hiện được. Mặt bố tôi nhợt nhạt, môi mấp máy không thốt nổi một lời rồi ngất lịm đi, dường như mọi hoạt động của một cơ thể sống không còn. Tôi không tin và cũng không muốn tin một sự thật phũ phàng rằng gia đình tôi sẽ mãi mãi mất đi một người trụ cột trong gia đình, một người bố tuyệt vời của tôi. Vậy nhưng vị bác sĩ có mái tóc xoăn, gương mặt đầy nghiêm nghị đang mà sau này tôi biết là bác sĩ Vũ Trường Khanh, đã cố gắng gạt chúng tôi đang hoảng loạn ra ngoài và tiếp tục tìm mọi cách để bắn thuốc. Có lẽ bởi ông biết nếu cố gắng vẫn còn có thể cứu được mà nếu buông xuôi thì là cả một sự mất mát lớn. Bố tôi đã được hồi sinh từ sự không từ bỏ như thế. Đó lại là những ngày giáp tết bệnh viện thiếu máu trầm trọng và tôi càng thấu hiểu hơn những nghĩa cử cao đẹp của những con người hiến máu nhân đạo, họ đã và đang truyền đi dòng máu của mình để đem lại sự sống cho những người không quen biết.

 

Bố tôi không chỉ được cứu bởi những lần mất máu như thế, theo các bác sĩ, bố tôi có thể chưa mất vì xơ gan mà có thể vì mất máu quá nhiều nếu không được cầm máu kịp thời. Các búi giãn ở thực quản và dạ dày tiếp tục giãn do áp lực của gan mặc dù đã được phẫu thuật. Và người đem đến cho bố tôi một cuộc sống khác đó chính là bác sĩ Vũ Trường Khanh - Phó trưởng khoa Tiêu hoá bệnh viện Bạch Mai. Ông là người đầu tiên của khoa Tiêu hoá ứng dụng phương pháp bắn tiêm xơ tĩnh mạch và bố tôi cũng là người đầu tiên được thử nghiệm phương pháp mới này. Phương pháp này có ưu điểm làm rụng các búi giãn và lành thành sẹo để hạn chế chảy máu ồ ạt đồng thời bắn tiêm xơ được cả những nơi khó nhất như ở phình vị mà phương pháp thắt thực quản không dễ gì thực hiện được. Kết hợp với thuốc kháng virus viêm gan, hiện giờ sức khoẻ của bố tôi khá ổn định. Từ lúc áp dụng phương pháp này, bố tôi chưa một lần phải đi bệnh viện vì chảy máu và cũng được bác sĩ Khanh thường xuyên quan tâm hỏi thăm, gọi điện đến khám lại.

 

Tôi mong những chia sẻ này sẽ giúp những người mắc bệnh xơ gan và bị chảy máu như bố tôi có những niềm hy vọng vào cuộc sống, vào y học hiện đại, đặc biệt tin tưởng vào những người thầy thuốc tận tâm với nghề. Chính họ đã đem lại cuộc sống mới cho chúng ta.

 

Tôi viết những dòng tâm sự này kính mong quý báo thay mặt cho bố tôi, cho gia đình và những người bệnh gửi đến các bác sĩ, y tá, hộ lý bệnh viện Bạch Mai lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất. Đặc biệt là Phó trưởng khoa tiêu hoá bác sĩ Khanh, GS Bích - Trưởng khoa ngoại, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ Bình, bác sĩ Diệp của khoa Tiêu hoá đã tận tình chăm sóc, hết lòng vì người bệnh để đem đến cho chúng tôi niềm hạnh phúc của cuộc sống.

 

Đã không biết bao lần nước mắt rơi khi tưởng chừng không còn hy vọng vậy mà giờ đây gia đình chúng tôi vẫn đang được hạnh phúc, sum họp bên nhau.

 

Kính chúc các bác sĩ, y tá, hộ lý bệnh viện Bạch Mai một năm mới an khang thịnh vượng, tiếp tục truyền sự sống và tình yêu thương đến những người bệnh để đem hạnh phúc cho mọi nhà. Ngày 27-2, “Ngày thầy thuốc Việt Nam” luôn luôn có ý nghĩa đặc biệt với chúng tôi.

 

Minh Anh