1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM nắng nóng kéo dài, hàng trăm người dân nhập viện vì viêm mũi họng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, không ít người khi bị viêm đường hô hấp lại tự uống kháng sinh hoặc các bài thuốc dân gian, khiến bệnh biến chứng nặng hơn.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, một bệnh viện ở TPHCM cho biết, gần đây, mỗi ngày có trên 200 người đến nơi này khám các bệnh viêm mũi họng, tăng 25% so với trước Tết. Phần lớn các bệnh nhân bị viêm mũi họng cấp, viêm amidan, viêm mũi xoang.

Ngồi giữ mặt nạ cho con gái 10 tuổi đang được phun khí dung, chị M.T. (quê Quảng Nam) kể, những ngày về quê ăn Tết, nhiệt độ xung quanh nhà chị chỉ 19-22 độ C. Nhưng khi trở lại TPHCM, thời tiết lại nắng nóng 37-38 độ C liên tục.

Chỉ vài ngày trở lại thành phố, con chị đã bị đau họng, nghẹt mũi, ho đàm, sốt và mệt mỏi, khó chịu. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm mũi họng cấp. Bệnh nhi được hút mũi, phun khí dung và kê thêm thuốc điều trị hỗ trợ tại nhà.

TPHCM nắng nóng kéo dài, hàng trăm người dân nhập viện vì viêm mũi họng - 1

Một trường hợp phải phun khí dung vì mắc bệnh đường hô hấp (Ảnh: BV).

Còn anh D. (29 tuổi, quê Thái Nguyên) cũng đến bệnh viện "cầu cứu" trong tình trạng sốt ho, đau họng, nghẹt mũi, khàn giọng kéo dài hơn một tuần. Chàng trai kể, ở miền Bắc nhiệt độ lạnh, rét buốt liên tục nhưng khi trở lại TPHCM, anh có cảm giác sốc nhiệt. Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm mũi xoang, viêm họng cấp.

Trước tình trạng nhiều người viêm đường hô hấp sau Tết, bác sĩ Nguyễn Thị Hương lý giải, phần lớn bệnh nhân di chuyển từ các vùng miền khác vào TPHCM sau Tết. Do thay đổi nhiệt độ từ lạnh sang nóng và chênh lệch mức nhiệt quá cao nên sức đề kháng cơ thể không kịp thích nghi, dẫn đến đường mũi họng - hệ thống phòng vệ đầu tiên - bị bệnh.

TPHCM nắng nóng kéo dài, hàng trăm người dân nhập viện vì viêm mũi họng - 2

Bệnh nhân viêm mũi họng được bác sĩ tiến hành nội soi (Ảnh: BV).

Bác sĩ phân tích, thời tiết, độ ẩm không khí thay đổi là cơ hội cho vi khuẩn, virus hoạt động mạnh. Chưa kể, người dân phải di chuyển nhiều sau Tết, tiếp xúc nhiều nguồn bệnh, khói xe, bụi bẩn, các tác nhân gây dị ứng... cũng dễ gây ra các bệnh mũi họng. Bên cạnh đó, nắng nóng oi bức cũng làm cho cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, sức đề kháng suy giảm, nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Đáng chú ý, không ít trường hợp khi có bệnh viêm đường hô hấp lại tự uống kháng sinh hoặc các bài thuốc dân gian, dẫn đến kháng thuốc, điều trị sai cách, chậm trễ... khiến virus, vi khuẩn tấn công sâu xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi, viêm phế quản.

Để phòng ngừa các bệnh viêm mũi họng khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, bác sĩ khuyến cáo người dân tránh ra ngoài khi trời nắng gắt (từ 10h đến 15h), vì lúc này tia UV cao, bức xạ mặt trời lớn dễ gây sốc nhiệt. Song song đó, cần uống mỗi ngày 2 lít nước, ăn nhiều rau xanh và đủ chất, siêng tập thể dục.

Ngoài ra, người dân phải giữ vệ sinh mũi họng (súc miệng, xịt mũi thường xuyên bằng nước muối), luôn đeo khẩu trang khi ra đường, thường xuyên rửa tay và hạn chế ăn đồ cay, nóng hoặc quá lạnh.