TPHCM: Không chủ quan khi sốt xuất huyết, tay chân miệng ở mức thấp

(Dân trí) - Các loại bệnh truyền nhiễm trong danh mục phải báo cáo trong tuần qua tại TPHCM hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây là giai đoạn thấp điểm cho một chu kỳ bệnh tăng mạnh, người dân, ngành y tế không được phép chủ quan.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, trong 4 tuần gần đây và riêng trong tuần 21 (từ 15-21/5) các bệnh truyền nhiễm trong danh mục phải báo cáo theo quy định của Bộ Y tế hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Do diễn tiến của bệnh sốt xuất huyết thời điểm cuối năm 2014 khá phức tạp nên đuôi của dịch kéo dài sang cả những tháng đầu của năm 2015. Tuy nhiên, đến tháng 5/2015 bệnh đã bắt đầu giảm mạnh thấp hơn ngưỡng của năm trước. Tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 86 trường hợp nhập viện được báo cáo (giảm 9 ca so với 2014).

Sốt xuất huyết đang ở thấp điểm nhưng nguy cơ tăng cao vào mùa mưa
Sốt xuất huyết đang ở thấp điểm nhưng nguy cơ tăng cao vào mùa mưa

Từ đầu năm đến ngày 21/5, toàn thành phố ghi nhận 4.417 ca sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, không ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh ở các phường xã. Các kết quả khảo sát trung gian truyền bệnh trong giới hạn bình thường.

Cùng với sốt xuất huyết loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác là tay chân miệng cũng đang được kiểm soát tốt. Tuần qua toàn thành phố ghi nhận 132 ca tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Số ca bệnh giảm 20 ca so với tuần trước và 50% so với cùng kỳ 2014. Cộng dồn từ đầu năm đến nay tại TPHCM đã có 2.700 trường hợp tay chân miệng nhập viện.

Theo nhận định của Trung tâm Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh tay chân miệng khá ổn định, số ca nhập viện hàng tuần luôn duy trì ở mức thấp hơn năm 2014 cũng như thấp hơn so với trung bình 4 năm trước đó. Ca bệnh giảm đều trên toàn thành phố, không ghi nhận “sóng dịch” thứ nhất trong năm (khoảng tháng 4 đến tháng 5) theo lý thuyết.

Bệnh nhân điều trị tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1
Bệnh nhân điều trị tại khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1

Các loại bệnh truyền nhiễm nói chung đang ở mức thấp, tuy nhiên BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng cảnh báo, khu vực TPHCM và Nam Bộ nói chung đang trong giai đoạn giao mùa, thời tiết nắng mưa thất thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển. BS Trí Dũng nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết khi bước vào mùa mưa và cảnh báo nguy cơ về sự gia tăng của bệnh tay chân miệng vào thời điểm khoảng tháng 8 đến tháng 11 và khuyến cáo các cơ sở y tế, người dân tuyệt đối không chủ quan khi bệnh ở mức thấp; chủ động các biện pháp phòng bệnh.

Hàng tuần mỗi người, mỗi nhà cần dành 10 phút để truy tìm và xử lý những vị trí, đồ vật có thể tích trữ nước sạch từ 7 ngày trở bởi đây là điểm có nguy cơ trở thành ổ chứa lăng quăng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Luôn giữ nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường quanh nhà.

Người giữ trẻ cần giữ vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên cho bản thân và cho trẻ bằng xà phòng; vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần đối với đồ chơi và khu vực trẻ vui chơi; thực hiện ăn chín, uống chín; không cho trẻ dùng chung khăn ăn chung chén (bát) đũa, muỗng… để hạn chế các bệnh lây truyền theo đường phân – miệng như: tay chân miệng, thương hàn, tiêu chảy, ngộc độc thực phẩm… Chủ động tiêm chủng những bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng bệnh.

Vân Sơn