Các phòng bệnh của Khoa da liễu - Truyền nhiễm chật cứng bệnh nhân.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, chỉ trong ngày 18/4 (tính đến 12h trưa) đã có thêm 13 trường hợp có biểu hiện mắc sởi phải vào viện Nhi Thanh Hóa. Hiện bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã phải dành toàn bộ Khoa Truyền nhiễm để lưu dung bệnh nhân sởi nhẹ chưa có biến chứng. Phòng cấp cứu được ngăn làm khu cách ly để điều trị cho 8 trường hợp bệnh nhân sởi nặng. Trong đó có trường hợp bệnh nhi Ngô Văn Hải (5 tháng tuổi), ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa đang phải thở máy.
Theo Thạc sỹ Ngô Việt Hưng, Phó khoa Hồi sức cấp cứu - Điều trị tích cực cho biết, hầu hết các bệnh nhi nhiễm bệnh có độ tuổi dưới 15 tháng tuổi. Trong đó chủ yếu là từ 6 - 9 tháng tuổi. Những trường hợp mắc sởi chủ yếu rơi vào trường hợp chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đúng. Những bệnh nhi này có tình trạng viêm phổi, có bệnh nhân biến chứng viêm màng não. Sau khi được điều trị, hầu hết bệnh nhân có tiến triển hơn rất nhiều, nhưng chậm.
Bệnh nhi Ngô Văn Hải đang phải thở máy.
Tại các buồng bệnh của Khoa da liễu - Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, hầu hết các giường bệnh không còn chỗ trống. Thậm chí khoa Truyền nhiễm đã phải mượn phòng làm việc của nhân viên y tế để kê thêm 10 giường. Hiện tại đang đủ chỗ cho mỗi bệnh nhân một giường bệnh. Bệnh viện cũng đã phải lên phương án hai là dành tiếp khoa Nội dị ứng ở khu tầng 4 cho việc tiếp đón và điều trị bệnh nhân sởi.
Về phương tiện, những gì phục vụ được cho bệnh sởi đã được bệnh viện huy động về để điều trị cho bệnh nhân sởi như: bình ô xi, máy thở, monito theo dõi bệnh nhân; thuốc men đã được tăng cơ số thuốc cấp cứu và sẵn sàng thuốc gama glôbulin cho bệnh nhân nặng và các thuốc cấp cứu khác.
Về nhân lực, bệnh viện đã phải điều thêm hai nhân viên điều dưỡng có trình độ chuyên môn khá cho Khoa truyền nhiễm, các bác sỹ ở khoa chủ yếu tập trung cho bệnh nhân sởi.
Theo bác sỹ Nguyễn Viết Hải, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Thanh Hóa, hiện tại khó khăn nhất của bệnh viện là khu cách ly bệnh nhân ruyền nhiễm chưa xây dựng được. Dù đã dành riêng khu tầng 6, nhưng việc cách ly tuyệt đối bệnh nhân sởi với các bệnh nhân truyền nhiễm khác là rất khó khăn; phương tiện chưa đáp ứng, áp lực về nhu cầu của bệnh nhân rất lớn.
Ban Giám đốc bệnh viện cũng đã chỉ đạo tổng vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa phòng; thực hiện nghiêm các biện pháp khử khuẩn đối với cán bộ, nhân viên y tế và thực hiện chỉ đạo phòng chống dịch của Sở Y tế.
Bác sỹ Trịnh Văn Lực, Trưởng khoa da liễu - Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi, cho biết: “Từ đầu năm đã phát hiện những trường hợp chẩn đoán dương tính về sởi và có dự đoán sẽ tăng. Trong giao ban cũng đã báo cáo có trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Nhưng công tác tuyên truyền phòng chống dịch chưa hiểu quả”.
Và theo số liệu mới nhất, chỉ tính bệnh viện Nhi Thanh Hóa, từ đầu năm 2014 đến nay đã tiếp nhận, điều trị cho gần 130 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi. Hiện tại, có 59 bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Trong đó có 8 bệnh nhân có dấu hiệu biến chứng và một trong số đó rất nguy kịch.
Trong khi đó, chiều ngày 17/4, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Hữu Uyển, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, tính từ đầu năm đến nay, tại Thanh Hóa đã ghi nhận 32 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; trong đó đã có 9 trường hợp dương tính với vi rút sởi. Còn ông Hà Đình Ngư, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, ông Ngư đã từ chối cung cấp số liệu về tình hình dịch sởi trên địa bàn.
Như vậy, nếu chỉ tính riêng bệnh viện Nhi Thanh Hóa, độ vênh với số liệu Sở Y tế Thanh Hóa báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa là rất lớn. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có đến 27 huyện, thị xã, thành phố, thì số liệu thực sẽ khác xa báo cáo như thế nào? Và vì sao không công bố dịch nhưng việc báo cáo được bệnh viện Nhi Thanh Hóa thực hiện theo chế độ báo cáo về Trung tâm Y tế dự phòng và Sở Y tế là theo chế độ báo cáo dịch?
UBND Tỉnh ra chỉ thị khẩn về phòng chống dịch Ngày 17/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Chỉ thị số 09 về việc chủ động phòng chống dịch sởi năm 2014. Chỉ thị nêu rõ, tại Thanh Hóa, theo báo cáo của Sở Y tế từ đầu năm đến nay đã ghi nhận được 32 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; trong đó đã có 9 trường hợp dương tính với vi rút sởi. Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa, những trường hợp bệnh nhân nghi và mắc sởi nằm rải rác tại 7 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; chưa có bệnh nhân tử vong. Theo dự báo dịch sởi đang có nguy cơ lan rộng bùng phát nếu không triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống chủ động và tích cực. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp để tăng cường chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch từng cấp. Các đơn vị y tế trên địa bàn, đảm bảo cơ số thuốc men, vắc xin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch…phấn đấu không để xảy ra tử vong. |
Duy Tuyên