1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tiểu đường thai kỳ - Một biến chứng nguy hiểm

(Dân trí) – Trong thời kỳ mang thai, nguy cơ tai biến xảy ra nhiều nhất với những trường hợp bà mẹ có bệnh tiền sản giật, tim mạch hoặc tiểu đường. Trong khi bệnh tim mạch, tiền sản giật dễ phát hiện thì bệnh tiểu đường lại ít được chú ý.

Hậu quả nặng nề

 

Lấy chồng được 4 năm, chị Lan H. (Đống Đa, Hà Nội) mới mang thai đứa con đầu lòng. Vì muộn con, chị H giữ gìn rất cẩn thận, chú ý từ miếng ăn, giấc ngủ sao cho thai nhi được phát triển tốt nhất. Nhưng phải cái vì chăm hơi quá nên chị lên cân khá nhanh.

 

Mang thai đến tuần thứ 30 thì chị bị đau bụng quằn quại. Gia đình vội đưa chị đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ kết luận: Thai chết lưu. Chị chết giấc.

 

Sau khi xét nghiệm đường huyết, chị mới biết mình bị tiểu đường thai nghén, mức đường huyết đã vượt ngưỡng thông thường tới 3 lần, 282 mg% trong khi đó trị số trung bình là 80-110mg%.

 

Thạc sĩ Vũ Bích Nga, Trung tâm khám bệnh cao cấp Hanoi Medicare cho biết, có nhiều trường hợp, thai phụ không bị biến chứng thai chết lưu do tiểu đường thai nghén nhưng con sinh ra lại mang dị tật bẩm sinh nặng nề.

 

Thạc sĩ Nga nhấn mạnh, trong quá trình mang thai, nếu đường huyết cao mà không được khống chế hiệu quả thì nguy cơ xảy ra những biến chứng đáng tiếc là rất lớn. Bệnh có thể gây tử vong cho chính thai phụ bởi sự chuyển hoá của toan hoặc các biến chứng khác của tiểu đường thai kỳ. Bệnh hay kèm với cao huyết áp, bệnh tim mạch, làm suy giảm sức đề kháng, từ đó dẫn đến tình trạng bội nhiễm hay vết thương khó lành.

 

Nguy hiểm hơn, tiểu đường thai kỳ không điều trị tốt có thể dẫn đến những nguy cơ nặng nề đối với thai nhi, nhất là với thai phụ đã có bệnh từ trước. Các trường hợp không điều trị ổn định có tần suất thai nhi chết lưu trong bụng hay chết ngay sau sinh cao gấp 2-4 lần các thai phụ bình thường.

 

Tần suất trẻ dị tật bẩm sinh được sinh ra từ những thai phụ có đường huyết cao trong giai đoạn tạo cơ quan của phôi thai (5-8 tuần sau kỳ kinh cuối) cao gấp 8 lần bình thường; dị tật tim mạch cao gấp 18 lần và dị tật hệ thần kinh cao gấp 16 lần.

 

Ngay cả trong các trường hợp đái tháo đường xuất hiện muộn trong thai kỳ, nguy cơ của thai nhi như sang chấn lúc sinh hay suy hô hấp... cũng cao hơn nhiều lần so với bình thường. Nếu không kiểm soát đường huyết tốt, người mẹ dễ bị sẩy thai, sinh non hoặc thai dễ chết lưu. Con của thai phụ tiểu đường thai kỳ không được điều trị tốt thường rất nặng cân nhưng lại dễ bị suy hô hấp, chấn thương trong cuộc sinh, dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh lý.

 

Tiểu đường thai nghén ngày càng tăng

 

Các chuyên gia thai sản cho biết, tỷ lệ mắc tiểu đường ở sản phụ là khá cao và tình trạng đó ngày càng có dấu hiệu tăng. Theo một khảo sát tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2004, có tới 4% số thai phụ mắc phải bệnh này.

 

Đối tượng có nguy cơ cao là những người béo phì, người có tiền sử đẻ con to hoặc gia đình từng có người bị tiểu đường. Những ai từng bị thai chết lưu, xảy thai cũng cần chú ý nếu có ý định mang thai.

 

“Một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng thai phụ bị tiểu đường là do chế độ ăn. Nhiều người quan niệm ăn càng nhiều thai nhi càng phát triển nên dẫn đến thừa chất, lên cân quá nhiều. Khi đó, nguy cơ đường huyết cao là rất lớn nếu không kịp thời điều chỉnh chế độ ăn.

 

Tuần qua, phòng khám chuyên về tiểu đường thai kỳ của Hanoi Medicare qua thăm khám cho năm sản phụ thì có tới ba trường hợp có các dấu hiệu đầu tiên của tiểu đường thai kỳ”, thạc sĩ Nga cảnh báo.

 

Phòng ngừa như thế nào?

 

Tuy rất nguy hiểm nhưng các biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể giảm hoặc không xuất hiện nếu thai phụ được điều trị tốt. ThS Nguyễn Thanh Nga cho biết, tốt nhất, những ai thuộc diện có những dấu hiệu xếp vào loại có nguy cơ cao, nên đi khám và đo đường huyết trước khi mang thai.

 

Còn nếu phát hiện tiểu đường khi mang thai, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị, kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn thích hợp hoặc tiêm insuline. Kiểm soát được đường huyết tốt, thai nhi sẽ phát triển như những đứa trẻ khác.  Thai phụ nên đi khám đúng định kỳ với các bác sĩ sản khoa, nội tiết ở những bệnh viện, chuyên khoa sản, các trung tâm, phòng khám chuyên về tiểu đường thai kỳ uy tín.

 

Để phòng tiểu đường trong quá trình thai nghén, người mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, cũng không nên quan niệm ăn nhiều càng tốt sẽ dẫn đến tăng cân quá mức, khi đó, nguy cơ bị tiểu đường là rất cao.

 

Thai phụ cũng không nên ăn quá nhiều đồ ngọt, đường, nước uống có ga và nên tập thể dục nhẹ nhàng, đi bộ mỗi ngày.

 

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Mang thai