Tiết lộ đột biến gen khiến trẻ dị ứng đạm sữa và rất nhạy cảm vị rau
(Dân trí) - Theo chuyên gia, có một số loại gen mà khi thay đổi di truyền sẽ khiến trẻ bị dị ứng các loại đạm sữa, cũng như rất nhạy cảm với vị đắng của rau mà từ chối không ăn.
Tại tọa đàm "Tìm hiểu cơ thể con để nuôi con cao lớn hơn" diễn ra tại TPHCM, nhiều vấn đề liên quan đến việc chăm sóc trẻ nhỏ đã được các chuyên gia lý giải.
TS.BS Phạm Diệp Thùy Dương, Giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ. Về mặt nguyên tắc, mỗi bà mẹ sẽ đủ sữa cho một cặp sinh đôi, trừ trường hợp có bệnh lý. Tuy nhiên thực tế, nhiều mẹ không đủ sữa, phải dặm thêm sữa bò, sữa công thức.
Theo bác sĩ Dương, khoảng 5% trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, biểu hiện trên da, đường hô hấp và đôi khi toàn thân. Biểu hiện lâm sàng có thể thay đổi rất nhanh, khiến chúng ta không nhận ra. Một số trẻ nôn ói nhiều, thậm chí sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Ngoài ra còn có triệu chứng ở đường tiêu hóa, đi phân ra máu, đau bụng.
Thạc sĩ Tăng Ngọc Nữ, Trưởng phòng tư vấn di truyền một đơn vị xét nghiệm gen có trụ sở tại Mỹ cho biết, khi có sự thay đổi di truyền bất lợi trên các gen TLR1, TLR6, IL10 sẽ gây ra tình trạng dị ứng đạm sữa bò. Trẻ có thể không ăn được bất kỳ thực phẩm nào làm từ sữa bò, chẳng hạn sữa, sữa chua, kem và bơ, và cũng dị ứng với các loại sữa khác như sữa cừu, dê...
Bác sĩ Trần Văn Công, chuyên khoa nhi chia sẻ, nhiều bà mẹ bối rối, không biết thời điểm nào sẽ cho con ăn dặm được. Theo bác sĩ, từ 6-14 tháng tuổi, mẹ có thể nghĩ đến việc cho con ăn dặm. Về đặc điểm cơ thể, trẻ sẽ có biểu hiện lưỡi lè ra, ngồi vững được, có khả năng bốc đồ ăn đưa vào miệng được.
Về nguyên tắc ăn dặm, bà mẹ phải chú ý cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc. Tùy tình trạng cụ thể của từng bé mà có cách cho ăn phù hợp. Bác sĩ cũng cảnh báo, có tình trạng mẹ sợ con thiếu chất, suy dinh dưỡng dẫn đến hành động sai lầm, như ép ăn, nuông chiều cho con xem tivi kéo dài, lạm dụng thuốc bổ...
Trước nhiều ý kiến thắc mắc vì sao có nhiều trẻ nhất quyết không ăn rau dù mẹ cố đút, bác sĩ Dương cho biết, cảm giác đắng trong thức ăn của mỗi trẻ khác nhau. Có nhiều trẻ nhạy cảm quá mức, nên có thể cha mẹ thấy ngon mà trẻ không thấy ngon. Về mặt gen, trẻ nhạy cảm với vị đắng do đột biến ở gen vị giác T2R38.
Bác sĩ Công chia sẻ thêm, phụ huynh có thể xét nghiệm gen cho con và phát hiện những tính trạng khác biệt như nhạy cảm vị đắng, dị ứng đạm sữa… từ đó không cần tránh các loại thực phẩm trên hoàn toàn, vì sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng.
Khi biết con nhạy cảm với vị đắng, phụ huynh có thể cho con ăn dặm với vị ngọt trước, rồi đến vị đắng sau, theo cấp độ đắng từ ít đến nhiều. Không nêm muối vào đồ ăn cho trẻ dưới 1 tuổi, không nêm đường khi trẻ dưới 2 tuổi.
Các bác sĩ khẳng định, dù việc chăm sóc sẽ tùy thực tế mỗi trẻ, bà mẹ cần đảm bảo các nguyên tắc khi cho bé ăn dặm, bao gồm đủ dinh dưỡng (đủ đường, đạm, béo, vitamin, khoáng chất và chất xơ), bữa ăn an toàn, tạo cho bé thói quen tốt, thú vị khi ăn.
Chuyên gia nhấn mạnh, bữa ăn của trẻ phải là "bữa ăn hạnh phúc", nghĩa là không ép, không áp lực cho trẻ, để trẻ đón nhận bữa ăn một cách mong chờ, háo hức. Điều này sẽ tốt cho cả mẹ lẫn bé.