Cho con bú đến 9 tuổi, có nên không?
(Dân trí) - Mới đây, sự việc một người mẹ ở Vũng Tàu cho con bú tới 9 tuổi khiến dư luận xôn xao, bình luận trái chiều.
Tại chương trình tọa đàm "Phụ nữ hiện đại, không ngại nuôi con", diễn ra chiều 29/11 ở báo Tuổi Trẻ, các chuyên gia đã chia sẻ các kiến thức dinh dưỡng cho trẻ em, trong bối cảnh hiện nay có nhiều luồng thông tin khác nhau, khiến cha mẹ không biết đâu là sự thật.
Điển hình là cách đây vài tháng, dư luận xôn xao, bình luận trái chiều trước sự việc một người mẹ ở Vũng Tàu cho con bú tới 9 tuổi. Về vấn đề này, bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, các nghiên cứu y khoa trên thế giới khuyến cáo sản phụ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đến 6 tháng tuổi.
Từ giai đoạn này đến khi trẻ 2 tuổi, vẫn cần tiếp tục duy trì sữa mẹ, kèm hỗ trợ bằng các dưỡng chất khác. Hiện tại, chưa có khuyến cáo nào về việc trẻ bao nhiêu tuổi thì dừng nuôi bằng sữa mẹ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định, người dân cần phân biệt rõ khái niệm "dùng sữa mẹ" khác với "bú sữa mẹ". Nếu bú trực tiếp, trẻ sẽ đeo mẹ hoài và không chịu ăn. Do đó khi trẻ lớn, có thể cho trẻ bú bình, tìm cách tách trẻ ra khỏi việc bú mẹ.
Về quan niệm nuôi con bằng sữa mẹ ảnh hưởng nhiều đến việc lấy lại vóc dáng, bác sĩ Mai khẳng định, điều này không đúng. Bác sĩ phân tích, một người mẹ cho con bú mỗi ngày tốn khoảng 500kcal, trong khi bình thường phải tập luyện rất nhiều để tiêu hao năng lượng như vậy. Do đó khi nuôi con bằng sữa mẹ, việc lấy lại vóc dáng thậm chí còn thuận lợi hơn.
Ngoài ra, đã có nghiên cứu cho thấy, những bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ còn có tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn các bà mẹ khác.
Về vấn đề trữ đông sữa cho con, bác sĩ Mai thừa nhận ít nhiều sẽ làm giảm chất dinh dưỡng so với bú trực tiếp. Ngoài ra nếu việc vệ sinh, khử trùng dụng cụ vắt sữa không tốt, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Sữa mẹ cũng rất dễ nhiễm khuẩn nếu không bảo quản tốt.
Trước lo lắng về việc nhiều trẻ bị dị ứng đạm sữa, bác sĩ Khanh chia sẻ, đã có những bé xuất hiện các triệu chứng như đi cầu ra máu, nổi mề đay, có dấu hiệu dị ứng đạm sữa nhưng người mẹ không biết, lại cho uống đủ loại sữa khác nhau, khiến tình trạng nặng hơn. Trong trường hợp này, bác sĩ Khanh cho rằng cần phải ngừng sữa mẹ và cho trẻ uống sữa thủy phân (sữa đã được xử lý protein).
Về biến chứng tắc sữa, chuyên gia cho rằng ngay khi xuất hiện, bà mẹ phải can thiệp ngay, bằng cách chườm ấm, vắt sữa đều 2 bên, tránh để muộn dẫn đến việc rạch ngực, hoặc hình thành áp xe gây rất nhiều đau đớn. Ngoài ra, cần sử dụng các loại áo ngực thoải mái, không bó chặt.
Nhiều quan niệm sai lầm của bà mẹ
Dù khẳng định sữa mẹ là tốt nhất, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng người dân cũng không nên cực đoan, triệt tiêu sữa công thức. Quan niệm sữa hạt tốt hơn sữa công thức cũng hoàn toàn sai, vì sữa hạt là sữa thực vật, khó có thể đủ chất bằng sữa động vật.
Bác sĩ Khanh tâm sự, ông rất sợ nhiều loại sữa quá rẻ tiền đến mức không thể tưởng tượng nổi, "sữa cỏ" (sữa không có thương hiệu theo cách gọi của người miền Bắc), sữa tự chế, bỏ các loại lá cây vào. Nhiều bà mẹ không phân biệt được đâu là sữa uống thêm và sữa nuôi, dẫn đến chọn sữa cho con uống không đảm bảo dinh dưỡng.
Lại có những bà mẹ mang tâm lý sữa đắt tiền là sữa tốt, hay thấy con bị nóng quá lại nghĩ do loại sữa đang uống, mà không biết có thể đã pha không đúng cách, pha quá đặc làm trẻ bị táo bón. Vì vậy, các bà mẹ cần hết sức bình tĩnh, nghe tham vấn kỹ từ bác sĩ.
Gần đây, nổi lên thông tin về những loại sữa có thành phần biến đổi gen (GMO), khiến trẻ dậy thì sớm, thậm chí gây bệnh ung thư. Các bác sĩ cho biết, một số nghiên cứu nhỏ có chỉ ra mối liên hệ giữa thực phẩm biến đổi gen với một số tình trạng như rối loạn tự kỷ, dị ứng…
Các bằng chứng dù vẫn chưa rõ ràng, nhưng các cha mẹ cũng nên cân nhắc trong chọn lựa dinh dưỡng cho con.