1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam gặp khó khăn gì với bảo hiểm y tế?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam vừa khánh thành dù mang lại hy vọng sống cho nhiều trẻ sinh non, có bệnh lý nặng nhưng vẫn tồn tại những khó khăn, trong đó có trở ngại từ chính sách bảo hiểm y tế.

Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) vừa chính thức được khánh thành. 

Với quy mô 6 tỷ đồng, ngân hàng sữa mẹ trên được trang bị 2 máy thanh trùng sữa, công suất 62 lít mỗi ngày, lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Đây cũng là ngân hàng sữa mẹ thiết lập nhanh nhất, chỉ trong 11 tháng ngay giữa tâm dịch Covid-19.

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam gặp khó khăn gì với bảo hiểm y tế? - 1

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam vừa đi vào hoạt động tại TPHCM (Ảnh: TC).

Góp phần giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật ở trẻ sơ sinh

PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, thời điểm này năm 2021, số ca mắc mới Covid-19 tăng lên hàng chục ngàn, số ca tử vong có ngày trên 200 trường hợp.

Các trẻ sơ sinh chào đời từ thai phụ nhiễm Covid-19 cũng gia tăng, và trẻ buộc phải cách ly để đảm bảo an toàn. Khi Trung tâm H.O.P.E ra đời đã giúp nuôi dưỡng tạm thời con các thai phụ nhiễm Covid-19 không có điều kiện thực hiện da kề da sau sinh.

Nhưng dù được chăm sóc tận tình, trẻ vẫn thiệt thòi vì không nhận được nguồn sữa mẹ từ những giây phút đầu tiên chào đời. Từ trăn trở này của bệnh viện cùng với sự thấu hiểu của lãnh đạo TPHCM, đề án thành lập ngân hàng sữa mẹ đã ra đời và nhanh chóng được thực hiện.

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam gặp khó khăn gì với bảo hiểm y tế? - 2

Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương ra đời có sự hỗ trợ lớn từ bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo PGS Diễm Tuyết, hiện nay tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam còn cao. Số trẻ sơ sinh tử vong chiếm đến 70-80% ca tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi và khoảng 50-60% tử vong của trẻ dưới 5 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy trong số những giải pháp nhằm giảm tử vong cho trẻ, sữa mẹ là giải pháp quan trọng nhất.

Đặc biệt, đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao (bao gồm trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, nhiễm Covid-19), sữa mẹ sẽ giúp mang lại nguồn dinh dưỡng sẵn có với khả năng cứu sống tốt nhất. Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng có thể cho con bú. Các nguyên nhân thường gặp là do mẹ bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Chính vì vậy, việc ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương ra đời đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ bệnh tật ở trẻ sơ sinh.

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam gặp khó khăn gì với bảo hiểm y tế? - 3

Trẻ được chăm sóc tận tình tại Trung tâm H.O.P.E. trong mùa dịch Covid-19 nhưng thiệt thòi vì không nhận được nguồn sữa mẹ (Ảnh: Hoàng Lê).

TS.BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, khoa Sơ sinh của bệnh viện có 100 giường nội trú nhưng số trẻ nhập viện hằng năm luôn tăng dần. Đỉnh điểm là trong đại dịch Covid-19, có những ngày lên đến 250 trẻ vào khoa Sơ sinh điều trị, khiến nơi này trở nên quá tải. 

Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 5% trẻ điều trị tại khoa Sơ sinh được bú sữa mẹ. Do đó, việc thành lập ngân hàng sữa mẹ là điều rất cần thiết và cũng là khát khao của bệnh viện.

Chi phí sữa thanh trùng không được bảo hiểm chi trả 

Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương có 3 khu vực chính: Khu vực kỹ thuật, khu vực tư vấn và nuôi con bằng sữa mẹ, khu vực tư vấn và nhận sữa hiến tặng. Bên trong ngân hàng sữa được sắp xếp thành các phòng hành chính, phòng trữ thô, phòng thanh trùng, khu vực chia sữa, khu vực hấp tiệt khuẩn...

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam gặp khó khăn gì với bảo hiểm y tế? - 4

Máy hấp tiệt khuẩn thanh trùng bình sữa tại ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Hùng Vương (Ảnh: Hoàng Lê).

Từ cuối tháng 5 đến nay, đã có 17 bà mẹ hiến tặng sữa cho ngân hàng, với tổng cộng 235 lít sữa thô huy động. Sau khi sàng lọc và thanh trùng, có 13 bé đã bắt đầu sử dụng sữa, với tổng lượng 1.200 ml.

Dù có nhiều sự hỗ trợ và thuận lợi nhưng theo lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương, ngân hàng sữa mẹ cũng gặp những khó khăn. Như dịch Covid-19 gây nhiều trở ngại, thiếu nhân lực. Kế đến là việc vận chuyển máy móc từ nước ngoài về bị trì trệ do chiến tranh, dịch bệnh.

Một khó khăn khác là việc chi phí sữa thanh trùng cao nhưng chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Ngoài ra, kiến thức và thực hành về nuôi con bằng sữa mẹ của nhiều gia đình cũng còn hạn chế.

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam gặp khó khăn gì với bảo hiểm y tế? - 5

Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương ra đời góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật ở trẻ sơ sinh (Ảnh: TC).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự vào cuộc của lãnh đạo TPHCM và các đơn vị đã hỗ trợ, giúp Bệnh viện Hùng Vương đã có ngân hàng sữa mẹ. Ông gửi lời chân thành cảm ơn những người mẹ đã hiến nguồn sữa vô giá, để các trẻ tuy không phải con mình vẫn được bú nguồn sữa giàu dinh dưỡng, nâng cao được sức khỏe.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị, cần đẩy mạnh thêm việc tuyên truyền, để các bà mẹ hiểu được việc chia sẻ nguồn sữa cho các trẻ khác là việc làm hết sức thiêng liêng, ý nghĩa.

Ông cũng nhắc nhở Bệnh viện Hùng Vương cần đảm bảo vận hành ngân hàng sữa mẹ đúng kỹ thuật, quy trình chuẩn... để đảm bảo an toàn nguồn sữa cho trẻ.