Tiêm vắc xin Covid-19: Vừa tiêm vừa đánh giá tác dụng phụ
(Dân trí) - Nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19. Việt Nam sẽ vừa tiêm vừa đánh giá tác dụng phụ đồng thời theo dõi tình hình tại các quốc gia khác.
Theo kế hoạch, vắc xin Covid-19 của AstraZeneca chính thức được tiêm cho lực lượng ưu tiên vào ngày 8/3 tại 3 điểm trên cả nước, trong đó có 2 điểm ở khu vực phía Bắc và 1 điểm ở phía Nam. Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin.
Toàn bộ số lượng vắc xin đã được nhập về Việt Nam sẽ triển khai tiêm theo đúng các đối tượng và thứ tự Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ và được phê duyệt. Đợt tiêm đầu tiên sẽ được thực hiện tại các bệnh viện với nhóm lực lượng y tế tham gia ở tuyến đầu chống dịch, kế đến sẽ là lực lượng quân đội chuyên nghiệp. Bộ Y tế sẽ giao cho các bộ phận từ khâu tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và thực hiện cho các đối tượng theo đúng quyết định của Chính phủ.
Tuy nhiên, trước thời điểm Việt Nam chính thức triển khai tiêm những mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên thì nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận những trường hợp phản ứng nặng, thậm chí nghi ngờ tử vong sau tiêm.
Trước những thông tin trên, ngành y tế Việt Nam đang chủ động thực hiện những giải pháp đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19. Ngày 5/3, trao đổi với phóng viên, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Bộ y tế luôn có bộ phận để nghiên cứu những tác dụng phụ của các loại thuốc mà đặc biệt là vắc xin. Việt Nam chúng ta sẽ vừa tiêm đồng thời vừa theo dõi thử nghiệm để có những đánh giá về tác dụng phụ của vắc xin, trong đó nặng nhất là tử vong và các tác dụng phụ khác như: đau, sốt, phản ứng giả cúm..."
Trước khi triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19, Bộ Y tế đã thành lập nhóm nghiên cứu để theo dõi tất cả các trường hợp tiêm vắc xin. Sau thông tin những trường hợp tử vong ở Hàn Quốc và một số quốc gia khác, Bộ Y tế cũng đang theo dõi. Tuy nhiên, không loại trừ các nguyên nhân tử vong không liên quan đến tiêm vắc xin. Các trường hợp tử vong sau tiêm được ghi nhận ở các quốc gia khác không phải là điều kiện để Việt Nam hạn chế công tác tiêm chủng".
Theo PGS Nguyễn Trường Sơn, trên thực tế các báo cáo về tác dụng và tính hiệu quả của vắc xin ở các nước đặc biệt là Mỹ báo và Israel cho thấy các quốc gia này đã giảm được đáng kể số lượng người mắc, số lượng người nhập viện. Vắc xin Covid-19 đang đem lại tác dụng tốt đối với các nước trên, đây là vấn đề mà chúng ta phải tiếp tục theo dõi.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khẳng định vắc xin không phải là giải pháp tuyệt đối trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Theo thông tin của nhà sản xuất, vắc xin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vắc xin AstraZeneca là 76% mũi 1 và 81% mũi 2. Do đó, bên cạnh việc tiêm ngừa, ngành y tế kêu gọi cộng đồng tiếp tục thực hiện các phương án phòng chống dịch để chủ động bảo vệ sức khỏe của mỗi người, vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế xã hội.
Vân Sơn
Tại khu vực phía Nam, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM là cơ sở sẽ thực hiện đợt tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm đối tượng theo diện ưu tiên nơi tuyến đầu chống dịch. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện cho biết: "Danh sách cụ thể những người sẽ tham gia tiêm chúng tôi đã nộp lên Bộ Y tế và đang chờ được phê duyệt. Dự kiến, toàn thể cán bộ công nhân viên của bệnh viện sẽ chích vắc xin Covid-19".