Thực phẩm chức năng phải kiểm nghiệm về công dụng!
(Dân trí) - Trước tình trạng quảng cáo “tung trời”, vượt quá công dụng thực của thực phẩm chức năng (TPCN), Bộ Y tế vừa ban hành một quy định mới nhằm “siết” chặt quản lý mặt hàng này.
Theo đó, Thông tư 43/2014/TT-BYT quy định về quản lý thực phẩm chức năng có hiệu lực từ 15/1, có những quy định nghiêm ngặt về công bố, thử nghiệm công dụng sản phẩm và các quy định nhằm siết chặt nội dung quảng cáo để khắc phục thực trạng quảng cáo quá công dụng sản phẩm. Với những sai phạm này thay vì phạt hành chính việc xem xét thu hồi, không cho lưu hành sản phẩm cũng được tính đến.
Trong Thông tư quản lý về thực phẩm chức năng do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế kí quy định rất chi tiết về thử nghiệm hiệu quả về công dụng của TPCN.
Theo đó, sẽ cần phải thực hiện thử nghiệm hiệu quả về công dụng với sức khỏe con người với những sản phẩm công bố khuyến cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh; Sản phẩm công bố công dụng mới chưa được công nhận tại các quốc gia khác trên thế giới; Sản phẩm có chứa hoạt chất mới chưa được cho phép sử dụng.
Việc thử nghiệm hiệu quả về công dụng cũng cần áp dụng với những sản phẩm bảo vệ sức khỏe có công thức khác với sản phẩm đã có bằng chứng khoa học chứng minh, lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường; Sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, động vật lần đầu tiên đưa ra thị trường có thành phần cấu tạo khác với thành phần cấu tạo của các sản phẩm y học cổ truyền cổ phương, cổ phương gia giảm đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học; Thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt chưa được cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan được ủy quyền hoặc pháp luật của nước xuất xứ cho phép, nước xuất khẩu xác nhận về công dụng, đối tượng sử dụng và cách dùng được phép ghi trên nhãn hàng hóa.
Việc thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người phải được thực hiện tại các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học về y học. Riêng đối với sản phẩm công bố khuyến cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh phải được thực hiện tại các bệnh viện có chức năng nghiên cứu khoa học từ tuyến tỉnh trở lên. Trong trường hợp đánh giá thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người được thực hiện tại nước ngoài, việc thử nghiệm phải được thực hiện ở đơn vị được cơ quan thẩm quyền nước sở tại thừa nhận, công nhận hoặc kết quả thử nghiệm được đăng tải trên các tạp chí khoa học.
Để đảm bảo tính khách quan, Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục An toàn thực phẩm thành lập Hội đồng khoa học gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực phù hợp để tham gia thẩm định báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng sản phẩm và các bằng chứng khoa học được công bố.
Về quảng cáo, để siết chặt quảng cáo, quảng cáo TPCN cũng phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường.
Đánh giá về hoạt động quảng cáo TPCN, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết Cục thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng. Trong tháng 1/2015 Cục đã phát hiện, xử phạt 15 trường hợp vi phạm về quảng cáo TPCN. Đại đa số các sai phạm này là quảng cáo khi chưa được cấp phép, quảng cáo gây hiểu nhầm như có tác dụng chữa bệnh... Tuy nhiên việc xử phạt thường mới dừng lại ở xử lý hành chính phạt tiền, yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo sai quy định, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng. Cục ATTP cũng quy định sẽ thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đã cấp, tuy nhiên đến nay chỉ một số ít sản phẩm bị thu hồi.
Về quy định thu hồi TPCN, thông tư mới này yêu cầu TPCN phải được thu hồi trong các trường hợp sau đây:Quá thời hạn sử dụng; Không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế; Thông tin sản phẩm lưu thông trên thị trường không phù hợp với nội dung đã được xác nhận bởi cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc không phù hợp với nội dung Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật; Lưu thông trên thị trường mà chưa có chứng nhận hợp quy hoặc xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Khi cơ quan thẩm quyền các nước hoặc tổ chức quốc tế cảnh báo và được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định về tính không an toàn của sản phẩm.
Tú Anh