1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Coi chừng mang họa vì thực phẩm chức năng!

Sau một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường, kể từ ngày 1/2 thực phẩm chức năng bị “ghì cương” bởi Thông tư 43/2014 của Bộ Y tế.

“Thống kê năm 2013, Việt Nam ước chừng có 1.800 doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) với khoảng 10.000 sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Trong số đó có bao nhiêu TPCN không an toàn đối với sức khỏe con người vẫn còn là một ẩn số”, luật gia Phạm Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cảnh báo như trên tại hội thảo về quản lý TPCN do Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức tuần qua.

Một tháng “uống” 5 triệu đồng

Ông Nguyễn Văn Phong (ngụ quận 6, TPHCM) phản ánh đến Pháp Luật TPHCM: “Tôi bị đau khớp hơn hai năm. Tình cờ thấy trên mạng quảng cáo một loại TPCN có tác dụng chữa đau khớp nên tìm mua. Người bán nói sử dụng trong vòng một tháng sẽ hết bệnh. Tôi mua bảy hộp với giá trên 5 triệu đồng để dùng trọn tháng. Dùng xong bệnh vẫn còn”.

Những người tiêu dùng như ông Phong sẽ tiếp tục “lãnh đủ” nếu tình hình quản lý TPCN không được cải thiện.

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, khẳng định do không phải thuốc nên TPCN không thể trị bệnh như những gì họ quảng cáo.

Theo quy định của ngành y tế, nếu DN công bố sản phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật thì phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của sản phẩm hoặc phải có tài liệu chứng minh về tác dụng của các thành phần chứa trong sản phẩm đó.

“Tuy nhiên, hiện có không ít DN thổi phồng tác dụng của TPCN nhưng không có báo cáo lâm sàng cũng như tài liệu chứng minh” - BS Diệp nhận xét. Và như vậy người tiêu dùng tiếp tục tiền mất tật mang.

Coi chừng mang họa vì thực phẩm chức năng!
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (phải) cùng đoàn thanh tra Bộ Y tế kiểm tra hoạt động quảng cáo TPCN của một doanh nghiệp ở TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Luật gia Phạm Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, kể có DN quảng cáo một loại TPCN giúp cải thiện sinh lý nam giới. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm do cơ quan chức năng thực hiện cho thấy TPCN nói trên có chứa hoạt chất Sildenafil (Sildenafil chỉ được sử dụng khi được bác sĩ kê đơn) có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.

“Việc đưa trái phép chất Sildenafil vào TPCN có thể gây tác dụng phụ không mong muốn. Điều này cho thấy TPCN có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng”, bà Thu nói.

Quảng cáo thổi phồng

“Thực tế còn cho thấy nhiều thành phần trong TPCN chứa những chất nguy hại nhưng không được thông tin đầy đủ trên nhãn bao bì”, dược sĩ Ngô Hoa Lư, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TPHCM, cho biết.

Trong năm 2014, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm đã tiến hành xét nghiệm gần 100 mẫu TPCN, kết quả có gần 20 mẫu có các thành phần không đạt như các chỉ tiêu công bố (gần 18%). Các chỉ tiêu không đạt bao gồm hàm lượng một số vitamin A, C, D, E; hàm lượng khoáng chất như calci; hàm lượng vi chất dinh dưỡng như acid folic; hàm lượng acid amin như lysine HCL…

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết trong năm 2014, cơ quan quản lý phát hiện 6/41 cơ sở sản xuất được kiểm tra (gần 15%) và 4/42 cơ sở kinh doanh (gần 9%) TPCN sai phạm. Trong đó, gần 36% cơ sở sai phạm chưa thực hiện đúng nội dung ghi nhãn so với hồ sơ công bố sản phẩm; trên 17% cơ sở sai phạm chưa công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Đặc biệt, hơn 17% cơ sở sai phạm chưa thực hiện đúng nội dung quảng cáo thực phẩm.

“Hiện tượng bùng nổ quảng cáo TPCN không qua kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền đã thổi phồng tác dụng của TPCN, gây thiệt hại nặng nề cho sức khỏe và tiền bạc của người sử dụng” - BS Mai nói. Bởi vậy đã đến lúc phải “ghì cương” chú ngựa bất kham mang tên TPCN này!

- TPCN công bố có tác dụng đối với sức khỏe con người phải được thử nghiệm tại các tổ chức có chức năng nghiên cứu y học. Riêng đối với sản phẩm công bố có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh phải được thử nghiệm tại các bệnh viện có chức năng nghiên cứu khoa học từ tuyến tỉnh trở lên. Đối với TPCN nhập khẩu, việc thử nghiệm phải được thực hiện ở đơn vị được cơ quan có thẩm quyền nước sở tại thừa nhận hoặc kết quả thử nghiệm được đăng tải trên các tạp chí khoa học.

- Việc ghi nhãn TPCN phải tuân thủ quy định: Công bố khuyến cáo về nguy cơ nếu có. Tên sản phẩm và các nội dung trên nhãn phải phù hợp nội dung đã công bố và các tài liệu kèm theo trong hồ sơ công bố sản phẩm.

- Quảng cáo TPCN phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo. Việc quảng cáo trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Theo Thông tư 43/2014 của Bộ Y tế (ban hành ngày 24/11/2014) có hiệu lực từ ngày 1-2

Để đưa hoạt động quảng cáo TPCN của các doanh nghiệp vào khuôn khổ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành thông tư liên tịch về kiểm soát các nội dung trong lĩnh vực quảng cáo TPCN. Đồng thời quy định phối hợp xử lý vi phạm và chế tài phù hợp.

BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM