Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam đủ khẩu trang cho tình hình mới của Covid-19
(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, không chỉ có khẩu trang, Việt Nam hiện hoàn toàn có đủ trang thiết bị để sản xuất và cung ứng các thiết bị vật tư y tế tiêu hao để vượt qua đại dịch Covid-19 lần này.
Việt Nam có đủ thiết bị vật tư y tế tiêu hao để đối phó với dịch Covid-19
“Việt Nam có đủ khẩu trang để đối phó với diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19”, đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, tại buổi gặp gỡ báo chí công bố triển khai các hoạt động “Hỗ trợ y tế trong giai đoạn bình thường mới”, do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam Nam tổ chức.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Thuấn, không chỉ có khẩu trang, mà Việt Nam hiện hoàn toàn có đủ trang thiết bị để sản xuất và cung ứng các thiết bị vật tư y tế tiêu hao để vượt qua đại dịch Covid-19 lần này.
Có được điều này trước hết là nhờ vào sự chung tay của các doanh nghiệp trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.
Ông cũng thông tin thêm rằng, từ nay đến hết năm 2020, Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam sẽ phối hợp cùng đơn vị tài trợ để “chi viện” 8 triệu khẩu trang y tế cho các lực lượng y tế, bộ đội biên phòng, các cơ quan đối ngoại và cả lực lượng thanh niên tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Chuẩn bị tâm thế để đối phó với tình hình mới của dịch
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhận định việc Việt Nam chính thức ghi nhận 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng (BN416, BN418) sau 99 ngày, chính là tín hiệu cảnh báo chúng ta không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh Covid-19, vốn vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới.
“Như chúng ta đã biết, Đà Nẵng đã có 2 ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, điều này đặt ra cho ngành y tế nói riêng và toàn bộ hệ thống chính trị nói chung phải có tâm thế đối phó với tình hình mới” – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trên thực tế, ngay sau khi có thông tin về ca bệnh tại Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ đã vào thực địa tại Đà Nẵng.
Tiếp đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã quyết định thành lập 3 tổ công tác đặc biệt để chi viện chống Covid-19 tại Đà Nẵng, bao gồm:
- Đội điều tra giám sát dịch do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đội trưởng cùng 6 thành viên khác.
- Đội điều trị do Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đội trưởng cùng 7 thành viên khác.
- Đội xét nghiệm do PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đội trưởng cùng 4 thành viên khác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
“3 tổ công tác đặc biệt này sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ trong công tác điều trị bệnh nhân, hướng dẫn cách ly, theo dõi, xét nghiệm cho các đối tượng tiếp xúc gần và xa với những ca bệnh Covid-19 vừa được ghi nhận, có những biện pháp xử lý kịp thời để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng” - Thứ trưởng Thuấn phân tích.
Trả lời về vấn đề đang rất được quan tâm là công tác đảm bảo an toàn cho Kỳ thi THPT Quốc gia 2020, giữa bối cách dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là Đà Nẵng sẽ tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội trong vòng 2 tuần, bắt đầu từ 13h chiều 26/7, ông cho biết, Bộ Y tế đã hội ý với Bộ Giáo dục và thống nhất: Bộ Giáo dục chủ trì và Bộ Y tế đóng vai trò hỗ trợ thông tin, chuyên môn để đảm bảo an toàn cho kỳ thi sắp tới. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về nguyên tắc giãn cách để áp dụng trong trường hợp cần thiết.
“Chúng ta phải ứng phó tùy theo tình hình cụ thể, thậm chí diễn biến có thể thay đổi theo từng ngày, từng giờ. Cần có sự vào cuộc của tất cả các lực lượng để đảm bảo kì thi thành công”, Thứ trưởng cho biết.
Người dân cần nâng cao cảnh giác với dịch bệnh
Trước tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác với đại dịch Covid-19, trong đó ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tuân thủ áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm: “Chúng ta có thể bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội trước đại dịch bằng các hành động hết sức thiết thực như đeo khẩu trang, đặc biệt là khi ra ngoài tiếp xúc với cộng đồng, nhất là nơi đông người; việc thứ 2 là rửa tay theo đúng quy chuẩn để phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh”.
Trước tình hình mới của dịch Covid-19, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai giai đoạn tiếp theo của chương trình “Chung tay phòng chống Covid-19, vì một Việt Nam khỏe mạnh” với phương hướng hoạt động cụ thể như sau:
- Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ trang thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ tuyến đầu bao gồm y bác sĩ, bộ đội biên phòng, cơ quan ngoại giao trong và ngoài nước.- Tăng cường nghiên cứu khoa học, chú trọng vào mảng dự báo, phát hiện sớm và khoanh vùng, truy xuất. Thành lập những nhóm nghiên cứu lâm sàng, thuốc điều trị, xét nghiệm chẩn đoán xác định, sản xuất máy thở và các trang thiết bị y tế cần thiết.
- Phối hợp với Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới hoàn thiện tài liệu về truyền thông nguy cơ và truyền thông trong dịch, cập nhật kinh nghiệm từ thực tế chống dịch của Việt Nam trong thời gian vừa qua và tập huấn cho cán bộ truyền thông ở tuyến cơ sở, tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân tuyên truyền rộng rãi về sự nguy hiểm của dịch bệnh và nguy cơ xâm nhập vào nước ta để người dân không chủ quan, lơ là; về những kết quả, kinh nghiệm, bài học thực tế và những tấm gương trong công tác phòng, chống dịch.