Thói quen ăn uống gây ung thư dạ dày?
(Dân trí) - Ung thư dạ dày là bệnh ác tính khá phổ biến, trên thế giới và trong nước, đứng hàng đầu trong ung thư đường tiêu hóa, chiếm 10,5% trong các loại ung thư.
Nguyên nhân gây bệnh còn chưa được làm rõ nhưng việc chẩn đoán sớm còn gặp nhiều khó khăn và bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
Căn nguyên bệnh sinh của bệnh ung thư dạ dày cho đến nay vẫn chưa biết rõ, nhưng một số yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày. Ngoài vi khuẩn HP là yếu tố nguy cơ hàng đầu, một số bệnh lý ở dạ dày (viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột ở niêm mạc dạ dày, loét dạ dày…) thì thói quen ăn uống không tốt cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Thực nghiệm cho thấy, các loại thực phẩm hoặc nước uống có chứa nhiều nitrat làm nguy cơ ung thư dạ dày tăng cao. Nguồn gốc các nitrat xâm nhập vào cơ thể chủ yếu từ các loại rau do bón nhiều nitơ, ngũ cốc mốc, thịt cá ướp muối, hun khói.
Người ta thấy rằng, trong dạ dày các nitrat sẽ phản ứng với các amin cấp 2, cấp 3 tạo thành các nitrosamin. Nitrosamin khi được tạo thành sẽ alkyl hóa axit nhân ADN, ARN dẫn đến đột biến gen rồi gây ung thư.
Điều đáng tiếc là ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Trong khi đó đa số người bệnh đến khám và điều trị căn bệnh này tại Bệnh viện K ở giai đoạn muộn, đã di căn, gây khó khăn trong việc điều trị và tốn kém về kinh phí.
Các đối tượng có nguy cơ sau cần tầm soát ung thư dạ dày
-Tuổi cao (> 50 tuổi)
- Có người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa...
- Người bị viêm loét dạ dày-tá tràng mãn tính, nhiễm HP.
- Người có thói quen ăn uống nhiều đồ muối, đồ nướng, thực phẩm bảo quản kém chất lượng.
- Người thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu bia.
- Người có các triệu chứng nghi ngờ ung thư dạ dày: đau bụng, ợ hơi, ợ chua kéo dài…