“Thịt lợn có chất độc tạo nạc: Người tiêu dùng tẩy chay là đúng!”
(Dân trí) - Đây là khẳng định của đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tại hội thảo có nhiều số liệu khác biệt về tỉ lệ thịt lợn có chất tạo nạc, về cách gọi tên cũng như có nên tẩy chay các loại thịt lợn siêu nạc… diễn ra sáng nay (13/4).
Khảo sát của CESCON cho thấy 33% thịt lợn có chất kích nạc độc hại còn Cục chăn nuôi “báo” chỉ khoảng 5-6%. VINASTAS ủng hộ người tiêu dùng tẩy chay thịt này trong khi nông dân cho rằng xếp thịt siêu nạc vào nhóm độc hại là nhầm lẫn tai hại…
Đây là những nội dung chính trong buổi Hội thảo Sử dụng chất tạo nạc và An toàn thực phẩm tổ chức tại Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam với sự tham dự của Cục chăn nuôi, Cục Thú y, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Viện kiểm nghiệm ATVSTPQG, hiệp hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, ....
Thịt có độc chất - Tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố
Theo kết quả đề tài “Đánh giá tồn dư hóa chất độc hại trong thịt lợn siêu nạc” do TT Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng (CESCON), đơn vị trực thuộc Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) thực hiện trong 4 tháng cuối năm 2011, 10/30 mẫu thịt (chiếm 33%) có tồn dư Beta-agonist, tăng hơn so với kết quả khảo sát cách đây 5 năm của Cục chăn nuôi là 11% và Chi cục Thú y TPHCM là gần 30%.
Đặc biệt, trong 40% mẫu mua tại TPHCM bị phát hiện có tồn dư chất kích nạc thì có đến 90% mẫu là ở khu vực trung tâm, nơi có số lượng khách hàng lớn và có hệ thống kiểm tra, kiểm soát VSATTP của cơ quan chức năng, ban quản lý chợ, cửa hàng và sự giám sát của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội VINASTAS, ông Trần Việt Hùng (giữa), phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam chủ trì buổi hội thảo cực kỳ sôi nổi này
Theo các chuyên gia, các kết quả này được đưa ra ở những thời điểm khác nhau và được xét nghiệm theo những cách khác nhau.
Cụ thể, kết quả của TT Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng là vào 4 tháng cuối năm 2011 (tháng 7 đến tháng 11), thời điểm mà ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng thịt lợn đang “sốt” do thiếu nguồn cung thịt gà, mang lại siêu lợi nhuận cho người chăn nuôi và thương lái (lợi nhuận có thể lên tới 3 triệu/con lợn) khiến người nông dân và thương lái sẵn sàng sử dụng mọi cách để thúc lợn lên cân, chóng xuất chuồng. Còn ở thời điểm hiện tại (tháng 3/2012), khi nguồn cung các loại thịt đang dồi dào, cùng với đó là sự vào cuộc của các ngành chức năng nên kết quả thử nghiệm thấp là đương nhiên.
Đứng về mặt khoa học, TS. Tô Liên Thu, Trưởng phòng Thú y cộng đồng, Cục thú y cho rằng sở dĩ có sự chênh lệch này là do phương pháp xét nghiệm khác nhau.
Cụ thể, kết của TT Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng là dựa trên phương pháp Elisa (xét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết với enzyme) tức là định tính và thực hiện xét nghiệm ở cơ sở không được cơ quan chức năng công nhận. Còn kết quả của Cục thú y là dựa trên phương pháp định lượng và được thực hiện ở 9 phòng thí nghiệm do Bộ Nông nghiệp chỉ định. Xét về mặt nào đó thì việc xét nghiệm của TT Nghiên cứu về tư vấn tiêu dùng là chưa đúng pháp luật.
Ông Lê Hồng Châu, người chịu trách nhiệm thực hiện nghiên cứu do TT Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng giao cho, giải thích: Biết là cần phải thực hiện xét nghiệm định tính nhưng với chi phí 1,8 - 2 triệu/mẫu, trong khi kinh phí của Hội rất hữu hạn nên chỉ có thể áp dụng 1 phương pháp để kiểm tra tồn dư chất kích nạc.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định rằng: “Hội thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình: đó là độc lập khảo sát, công bố kết quả, thông tin cảnh báo người tiêu dùng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền”. Còn việc nguy cơ đó ở mức độ nào và các công việc cụ thể khác là công việc của các cơ quan chức năng và việc làm xét nghiệm định tính cũng là công việc của cơ quan này.
Lo lắng hậu “lợn siêu nạc”
Trong khi đó, theo đại diện của một trang trại chăn nuôi lợn phát biểu tại hội thảo, việc tẩy chay tất cả các loại thịt siêu nạc là sai lầm. Bởi với các giống siêu nạc được tạo ra từ những công trình nghiên cứu tiền tỉ của nhà nước thì không cần phải sử dụng tới chất tạo nạc. Chính các giống lợn cũ, có tỉ lệ mỡ cao mới là nhóm có nguy cơ sử dụng các chất này.
Trước những ý kiến này, đại diện Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định: Việc người dân tẩy chay thịt lợn có chất tạo nạc là đúng. Vấn đề là phải tìm ra ai làm việc này, cũng như tuyên dương những người chăn nuôi làm tốt với sự bảo đảm của các cơ quan uy tín để người dân biết và không sử dụng các loại thịt không có nguồn gốc xuất xứ.
Hiệp hội cũng bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến cho rằng cần phải đề ra giới hạn về hạm lượng chất cấm (vì các chất này cũng là thuốc điều trị), tăng cường kiểm tra… của các cơ quan chức năng để tránh gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng cũng như hạn chế tình trạng “chạy theo lợi nhuận” của người chăn nuôi và thương lái.
Thu Phương