1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế phản pháo “cáo buộc” tuồn 6 tấn salbutamol làm chất tạo nạc

(Dân trí) - Ngày 24/3, Bộ Y tế, chính thức phát đi thông cáo báo chí, khẳng định thông tin về việc cơ quan này cho nhập 9.140 kg chất salbutamol về Việt Nam là không chính xác. Thông tin “chỉ 3 tấn được sử dụng đúng quy định, còn lại tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi” là không có cơ sở.


Một phần Thông tin báo chí được Bộ Y tế gửi các báo ngay sau khi những thông tin của Toạ đàm Chất cấm trong chăn nuôi heo được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông

Một phần Thông tin báo chí được Bộ Y tế gửi các báo ngay sau khi những thông tin của Toạ đàm Chất cấm trong chăn nuôi heo được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông

“Vênh” số lượng nhập salbutamol

Trước đó, tại Hội nghị “Chất cấm trong chăn nuôi heo - thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 23/3, nhiều báo dẫn nguồn ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục chăn nuôi cũng bày tỏ ý kiến, cho rằng trong năm 2015 Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp phép nhập khẩu hơn 9 tấn Salbutamol để phục vụ làm thuốc điều trị trong y tế. Tuy nhiên thực tế, chỉ có khoảng 3 tấn sản phẩm này được các công ty dược báo cáo đã sử dụng để sản xuất thuốc, số còn lại đã “không cánh mà bay”. Sabutamol không có nguồn hàng xách tay về nước, loại chất cấm đang được mua bán tràn lan trên chắc chắn là khối lượng hơn 6 tấn Sabutamol không có báo cáo rõ ràng của ngành y tế, bị các công ty dược tuồn ra thị trường. Đây là hậu quả từ việc quản lý lỏng lẻo của ngành dược khi không giám sát sản phẩm Sabutamol từ lúc nhập khẩu đến khi sử dụng.

Trước những “cáo buộc” này, Bộ Y tế khẳng định: “Trong năm 2015 các doanh nghiệp dược nhập về Việt Nam 5.215kg sabutamol, năm 2014 nhập 3.876kg, (chứ không phải mỗi năm Bộ Y tế cho nhập 9.140kg salbutamol)”, Bộ Y tế khẳng định.

Cơ quan này cũng cho biết, trong lĩnh vực y tế, salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị từ nhiều năm nay. Các thuốc thành phẩm chứa hoạt chất Salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang.

Tuy nhiên, hiện nay, Salbutamol chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Vì vậy việc nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol làm thuốc được ngành y tế thực hiện theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010. Theo đó xem xét số lượng nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp sản xuất thuốc, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, với mục tiêu đảm bảo tính linh hoạt và chủ động trong sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho người dân.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực chăn nuôi, chất Salbutamol được quy định cấm trong Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT. Thông tư này Bộ Y tế không được tham khảo ý kiến cũng như không nhận được từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi ban hành để phối hợp quản lý.

Chưa xử lý được hình sự

Tuy nhiên ngành y tế đã rất chủ động kiểm soát Salbutamol để tránh việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích vào thức ăn chăn nuôi. Cụ thể ngày 20/11/2015 Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản số 21590/QLD-KD thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol, chủ động và phối hợp chặt chẽ với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – C49, để thanh tra, kiểm tra toàn bộ các công ty dược nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.

Cụ thể, Bộ Y tế đã hậu kiểm 10 cơ sở nhập khẩu Salbutamol (trong đó Cục Quản lý Dược phối hợp với C49 tiến hành kiểm tra tại 06 cơ sở) trong khoảng thời gian từ 04/12/2015 đến 30/12/2015. Qua đó phát hiện 4 cơ sở vi phạm bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định.

“Bộ Y tế đã xử lý sai phạm với chế tài cao nhất theo quy định của pháp luật: Ban hành quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc; đề nghị Sở Y tế địa phương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các đơn vị vi phạm”, thông cáo báo chí của Bộ nêu rõ.

Cục Quản lý Dược đã chuyển 03 trường hợp vi phạm là Công ty TNHH Hóa dược Quốc tế Phương Đông; Công ty CP dược Minh Hải; Công ty TNHH hóa dược Minh Anh sang cơ quan cơ quan công an (C49)

Tuy nhiên, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công An (C49) đã có phúc đáp, cho biết chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự về hành vi này và đề nghị Cục Quản lý Dược xử lý hành chính theo thẩm quyền đối với Công ty 3 công ty trên và Bộ Y tế đã xử phạt hành chính mức độ cao nhất với cả 3 công ty này.

Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung vào luật Dược sửa đổi, theo đó đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào nhóm thuốc “phải kiểm soát đặc biệt", cùng các nhóm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ. Việc đưa và danh mục này sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng. Việc cấp phép nhập khẩu mới sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho. Nội dung này đã được Thường vụ Quốc hội đồng ý để trình Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp lần thứ 11.

Hồng Hải