Bộ Nông nghiệp: “Tỉ lệ nhiễm chất cấm vậy là nhiều!”
Tại cuộc họp về quản lý chất lượng nông lâm thủy sản chiều 5/4, Bộ NN&PTNT đánh giá, trong tháng 3, vấn đề nóng nhất là kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và tỉ lệ 5-6% mẫu có chất cấm là nhiều.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 3 tháng đầu năm, cục Chăn nuôi đã khẩn trương tổ chức lấy mẫu để kiểm tra chất cấm nhóm Beta agonist. Kết quả, có 13 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Beta agonist/268 mẫu (tức chiếm 4,8%); 8 mẫu thịt, gan lợn dương tính/179 mẫu (chiếm 4,4%); 7 mẫu nước tiểu có Beta agonist/108 mẫu (chiếm 6,4%); 2 mẫu thuốc thú y dương tính/18 mẫu (chiếm hơn 11%).
Hiện đã có 2 trại lợn ở Bình Dương bị xử lý với mức phạt cao nhất là 25 triệu đồng. Đồng Nai đã xác định được 11 trại có nước tiểu dương tính, hai cơ sở buôn bán chất cấm đã chuyển sang công an để điều tra truy xuất nguồn gốc.
Vấn đề đặt ra hiện nay là xây dựng cơ chế giám sát lâu dài như thế nào. Theo cục Thú y, trong khi chưa có nhiều cơ sở giết mổ tập trung, thì nhiều tỉnh không thực hiện kiểm soát giết mổ động vật nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, kết quả 11% thuốc thú y dương tính với chất cấm là một lo ngại.
Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho rằng, phải truy xuất lại những cơ sở này vì đây là vi phạm lớn…
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, những con số về tỷ lệ nhiễm chất cấm như vậy là nhiều, vấn đề cần làm ngay trong tháng 4 là phải tiến hành truy xuất nguồn gốc chất cấm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Riêng vấn đề gạo giả mà báo chí đưa tin trong những ngày vừa qua, cục Trồng trọt đã có mẫu phân tích. Đến thời điểm này, hiện chưa có sự khác biệt nhiều về các chỉ tiêu, chỉ có khác là gạo được coi là giả nấu lâu chín hơn gạo thật do hàm lượng amilo cao. Kết luận ban đầu của cục Trồng trọt thì đây mới chỉ là gạo kém chất lượng.
Theo Anh Thư
VTV