TPHCM:

Heo ngậm chất cấm tứ phía tràn vào thành phố

(Dân trí) - Chỉ trong hai tháng đầu năm, hàng loạt vụ vận chuyển heo sống vào thành phố tiêu thụ bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện dương tính với chất cấm trong chăn nuôi. Vấn nạn trên đang đe dọa sức khỏe của người dân thành phố trước những nguy hại do thực phẩm gây ra.

Trong hai năm qua, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu hơn 9 tấn Sabutamol với mục đích phục vụ sản xuất thuốc điều trị các loại bệnh hô hấp, hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang… Tuy nhiên, chỉ khoảng 3 tấn trong số đó được sử dụng đúng mục đích, số còn lại bị các công ty dược tuồn ra ngoài.

Heo chết vận chuyển trái phép vào TPHCM tiêu thụ bị tịch thu, xử lý
Heo chết vận chuyển trái phép vào TPHCM tiêu thụ bị tịch thu, xử lý

Sabutamol và các chất cấm khác như Ractopamin, Clenbuterol (nhóm Beta Agonists) thời gian qua đã được sử dụng tràn lan trong chăn nuôi với mục đích tăng trọng, tạo nạc cho heo. Nhóm chất này được các nhà khoa học xác định, nếu con người ăn nhiều, độc tố tích tụ lâu dài trong gan sẽ gây ngộ độc, run cơ, tim đập nhanh, tăng huyết áp, ung thư, thậm chí tử vong.

TPHCM với số dân khoảng 10 triệu người, mỗi ngày nhu cầu tiêu thụ thực phẩm nói chung và sản phẩm từ thịt heo là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng cung cấp của các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu của người dân, do đó nguồn thực phẩm chủ yếu được nhập về từ các tỉnh lân cận.

Ngày 25/3, phóng viên đã có cuộc làm việc với Chi cục Thú y thành phố để tìm hiểu về thực trạng chất lượng an toàn của nguồn thịt heo mỗi ngày đang cung cấp cho người dân. Đại diện chi cục, bà Đặng Thị Tuyết, Phó trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành thú y cho biết: “Với 4 cửa ngõ ra vào thành phố và rất nhiều đường nhỏ, đường nhánh, công tác giám sát, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các lô hàng heo sống và thịt heo từ các tình chuyển đến mỗi ngày là nhiệm vụ rất gian nan với ngành thú y.”

Những cơ sở giết mổ lậu là điểm nguy cơ đưa thịt heo nuôi bằng chất cấm ra thị trường
Những cơ sở giết mổ lậu là điểm nguy cơ đưa thịt heo nuôi bằng chất cấm ra thị trường

Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra đột xuất tại 50 cơ cở chăn nuôi trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng không phát hiện heo bị nuôi bằng chất cấm. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra 345 lô heo sống vận chuyển từ các tỉnh đến chuẩn bị giết mổ, Chi cục Thú y đã phát hiện 32 lô dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists (tổng 492 mẫu, có 99 mẫu dương tính). Trong đó, Đồng Nai đang trở thành “thủ phủ” dùng chất cấm để nuôi heo với 13 lô dương tính; tiếp đến là Bình Thuận 9 lô, Tiền Giang 5 lô, Long An 3 lô; Bình Dương 1 lô và Bà Rịa Vũng Tàu 1 lô.

Bà Tuyết cho hay, nguồn heo sống được vận chuyển về thành phố giết mổ chủ yếu vào ban đêm nên chi cục phải thường xuyên cử người “trực chiến”. Khi phát hiện lô hàng có biểu hiện khả nghi, lực lượng chuyên ngành sẽ tiến hành test nhanh nước tiểu của heo bằng phương pháp thử định tính (30 phút cho kết quả). Nếu phát hiện dương tính với các chất cấm, toàn bộ lô hàng ngay lập tức sẽ bị lập biên bản, đình chỉ giết mổ, chờ xử lý.

Nguồn thịt heo bán tại các chợ nếu nghi ngờ chứa chất cấm sẽ được xét nghiệm kiểm tra bằng phương pháp định lượng. Nhưng, phương pháp này không phổ biến bởi thời gian cho kết quả tối thiểu phải mất 3 ngày hoặc cả tuần. Ngoài ra, việc xét nghiệm định lượng cũng vấp phải nhiều trở ngại, nếu nghi ngờ lô thịt của tiểu thương chứa chất cấm, cơ quan chức năng sẽ phải niêm phong, bảo quản để chờ xét nghiệm.

Không sử dụng thịt heo không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thức ăn
Không sử dụng thịt heo không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thức ăn

Tuy nhiên, hiện nay thành phố chưa đầu tư các kho chứa đông lạnh để phục vụ hoạt động này nên không có nơi bảo quản mặt hàng thịt nghi ngờ chứa chất cấm. Mặt khác, nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính thì chủ lô hàng phải tiêu hủy và chịu toàn bộ chi phí nhưng nếu âm tính thì cơ quan chức năng phải chịu bồi thường nhưng việc bồi thường như thế nào thì chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể.

Đại diện Chi cục Thú y cũng chia sẻ, mặc dù các đơn vị liên quan đã nỗ lực kiểm tra giám sát nhưng địa bàn quá rộng, nguồn thịt nhập lậu vẫn đang lén lút tràn vào thành phố. Cơ quan chức năng rất khó để có thể kiểm soát được chất lượng cũng như ngăn chặn các sản phẩm chứa chất cấm trước khi lên bàn ăn của người dân.

Đặng Thị Tuyết khẳng định bằng mắt thường rất khó để nhận biết và phân biệt được thịt heo sạch và thịt heo chứa chất cấm. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, bà Tuyết khuyến cáo người nội trợ chỉ mua, chế biến các sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch của thú y.

Sắp tới, tất cả các lô hàng chứa chất cấm đều sẽ bị tịch thu, tiêu hủy nên người chăn nuôi hãy có ý thức bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, không nên vì chút lợi nhuận trước mắt mà sử dụng chất cấm gây nguy hại cho đồng loại.

Vân Sơn