1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thiếu niên 16 tuổi lưng gồ lên như "mai rùa"

Nam Phương

(Dân trí) - Phát hiện bệnh từ bé sau một trận sốt, đến năm 16 tuổi, tình trạng cong vẹo cột sống của cậu thiếu niên 16 tuổi (Bắc Ninh) đã tiến triển nặng, góc vẹo lên đến 120 độ.

Thiếu niên 16 tuổi (ở Bắc Ninh) được phát hiện bị cong vẹo cột sống từ năm 3 tuổi. Trước đó, khi được 2 tuổi trẻ phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, tuy nhiên sau một trận sốt, gia đình bỗng thấy chân tay con lủng lẳng như không xương. Đưa con đi khám thì bé được chẩn đoán bị viêm đa rễ thần kinh. 

Thiếu niên 16 tuổi lưng gồ lên như mai rùa - 1

Cậu thiếu niên bị vẹo cột sống nặng, góc vẹo lên đến 120 độ (Ảnh: Nam Phương).

Tình trạng vẹo cột sống của trẻ tiến triển dần nặng lên. Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, trẻ bị vẹo cột sống nặng, góc vẹo lên đến 120 độ, chức năng hô hấp bị ảnh hưởng, rối loạn thông khí phổi. 

Trường hợp này, dự kiến sẽ phải trải qua 2 lần phẫu thuật, làm mềm cột sống sau đó mới tiến hành nắn chỉnh cho thẳng. 

Hiện nay cong vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới cong vẹo cột sống là khi đường cong của cột sống từ 10 độ trở lên (bình thường cột sống thẳng). Trường hợp cột sống cong dưới 10 độ có thể chấp nhận được trong giới hạn sinh lý. 

"Mức độ cong vẹo cột sống sẽ ảnh hưởng đến phát triển của trẻ. Vì thế, việc phát hiện sớm đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp điều trị tốt hơn mà còn ngăn ngừa các biến chứng sau này (ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi…)", TS Long cho biết. 

Thiếu niên 16 tuổi lưng gồ lên như mai rùa - 2

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: Nam Phương).

Nhiều trường hợp trẻ được cha mẹ đưa đi khám do nhận thấy cột sống bất thường. Một số tình cờ được phát hiện khi bị viêm phổi, đau lưng… được chụp X-quang. 

Theo TS Long, những trường hợp cong vẹo cột sống có căn nguyên (phổ biến do các dị tật bẩm sinh) thường được phát hiện sớm. Trong khi đó, những trẻ bị vẹo cột sống vô căn thường được phát hiện trong giai đoạn dậy thì. Đây là giai đoạn phát triển mạnh nhất của trẻ, các bất thường ở cột sống cũng bộc lộ rõ nhất. 

Dấu hiệu của tình trạng này là hai vai của trẻ không cân đối, bên phải hoặc bên trái thấp hơn bên còn lại, xương bả vai gồ cao hơn bên đối diện, bất tương xứng giữa hai bên, một bên hông cao, một bên thấp… Để phát hiện bệnh, cha mẹ có thể để trẻ đứng thẳng và cúi người dần xuống, bố mẹ có thể đứng trước hoặc sau để quan sát hai bên lưng có cân đối, có bằng nhau không. Với trẻ gầy, có thể nhìn xem gai cột sống có nằm trên đường thẳng không.

Việc điều trị căn cứ vào một số chỉ số như tuổi, vị trí vẹo và quan trọng nhất là mức độ vẹo. Với góc vẹo 10-20 độ, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi sát trẻ, tập thể dục đặc biệt là các bài tập liên quan đến cột sống để tình trạng không nặng thêm.

Với góc vẹo 20-40 độ, nếu trẻ đang trong độ tuổi phát triển thì sẽ được chỉ định sử dụng áo nẹp chỉnh hình để cột sống thẳng. Với góc vẹo 40-50 độ trở lên, bác sĩ sẽ cân nhắc việc chỉ định phẫu thuật.

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện nay cong vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến. Đáng chú ý, số trẻ em bị cong, vẹo cột sống chiếm từ 0,5 đến 1% dân số. Có đến 80 - 85% trường hợp bị cong, vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh, hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chương trình Khám và tư vấn miễn phí bệnh lý vẹo cột sống ở trẻ em trong các ngày 17-19/5 và 22-26/5. 

Để đăng ký khám, tư vấn miễn phí, người dân có thể liên hệ qua tổng đài 19001902. Thời gian khám: 6h30 - 16h30 ngày 17-19 /5 và ngày 22-26/5. Địa điểm tại Phòng khám số 9, tầng 2 nhà C2, khu Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm