1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thiếu máu trầm trọng, nhân viên y tế gọi điện "cầu cứu" tình nguyện viên

Hoàng Lam

(Dân trí) - Nguồn máu dự trữ cạn kiệt trong bối cảnh cách ly xã hội, nhân viên Trung tâm huyết học truyền máu Nghệ An phải gọi điện "cầu cứu" từng tình nguyện viên để có đủ máu phục vụ cấp cứu, điều trị...

Thiếu máu, nhân viên trung tâm huyết học gọi "cầu cứu" tình nguyện viên.

Kho dự trữ máu cạn kiệt

Gần 12h, chị Đinh Thị Nhâm - Kỹ thuật viên trưởng Khoa truyền máu, Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An vẫn ngồi bên chiếc điện thoại. Chiếc bút trên tay rà xuống tờ giấy trên bàn. Đó là danh sách các tình nguyện viên đã từng hiến máu tại Trung tâm.

Thiếu máu trầm trọng, nhân viên y tế gọi điện cầu cứu tình nguyện viên - 1

Thời điểm này kho dự trữ máu ở Trung tâm Huyết học Nghệ An đã cạn kiệt, chỉ đủ cung cấp cho những trường hợp khẩn cấp (Ảnh: N.Cường).

"Có phải em Hà đấy không? Chị ở Trung tâm huyết học truyền máu Nghệ An. Hiện tại nguồn máu dự trữ tại Trung tâm rất khan hiếm, em tới giúp được không? Em đang mang bầu à? Ừ thế chị cảm ơn nhé. Nếu có thể, em thông tin người thân, bạn bè đến hiến máu giúp người bệnh, em nhé".

Kết thúc cuộc trò chuyện qua điện thoại chị Nhâm ngẩng lên: "Mấy ngày nay, 3 tổ máy của bệnh viện gần như phải hoạt động hết công suất, gọi vận động tình nguyện viên đi hiến máu nhưng kết quả hạn chế lắm. Người thì đang ở trong khu vực phong tỏa, người thì lại nằm ngoài vùng cách ly, không thể đến được".

Thiếu máu trầm trọng, nhân viên y tế gọi điện cầu cứu tình nguyện viên - 2

3 tổ máy của Trung tâm hoạt động liên tục để vận động người dân, tình nguyện viên đi hiến máu (Ảnh: Hoàng Lam).

Bản danh sách tình nguyện viên trong tay chị Nhâm chi chít những lời chú thích bên cạnh, chỉ một số ít có dòng chữ "sẽ đến hiến máu" kèm thời gian dự tính.

Theo ông Nguyễn Tâm Thành - Trưởng phòng tổ chức hành chính Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An, hiện nguồn máu và các chế phẩm máu trong kho rất ít. Từ cuối tháng 4 đã phải sử dụng cầm chừng.

Đặc biệt, từ 0h ngày 17/6, TP Vinh thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, việc vào, ra thành phố được kiểm soát chặt chẽ. Điều này tác động trực tiếp đến người nhà bệnh nhân và tình nguyện viên bởi việc sẽ bị cách ly 21 ngày sau khi đi hiến máu trở về. Hiện tại máu trong kho chỉ cầm cự được không quá 5 ngày và chỉ ưu tiên trường hợp khẩn cấp.

Thiếu máu trầm trọng, nhân viên y tế gọi điện cầu cứu tình nguyện viên - 3

Nhiều cuộc gọi điện được thực hiện trong ngày nhưng kết quả không mấy khả quan do tâm lý e ngại của người dân khi TP Vinh đang thực hiện cách ly xã hội phòng Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lam).

Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An là đơn vị cung cấp máu phục vụ công tác điều trị cấp cứu cho các bệnh viện trong tỉnh và một số bệnh viện phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đang trực tiếp điều trị cho 42 bệnh nhân huyết tán bẩm sinh.

"Mỗi năm chúng tôi cần 40.000 đơn vị máu và 70.000-80.000 chế phẩm máu. Tính chung toàn tỉnh, trung bình mỗi ngày, các cơ sở khám, chữa bệnh cần 130-180 đơn vị máu. Trong khi đó, tại thời điểm hiện nay, Trung tâm Huyết học truyền máu cũng chỉ tiếp nhận được 30 - 50 đơn vị máu/ngày, chỉ bằng 1/5 lượng máu thu được trước đó", ông Nguyễn Tâm Thành cho hay.

Sẵn sàng điều xe chở người tới hiến máu

Thiếu máu trầm trọng, nhân viên y tế gọi điện cầu cứu tình nguyện viên - 4

Ông Nguyễn Đình Khuê - Giám đốc Trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An: Chỉ cần có 5-10 người đồng ý hiến máu, chúng tôi sẽ cho xe đến chở tận nơi (Ảnh: Hoàng Lam).

Từ cuối tháng 4 tới nay, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương, trong đó có Nghệ An, tỉnh này đã hoãn, hủy 11 chương trình hiến máu tình nguyện, tương đương với việc "hụt" thu 6.300 đơn vị máu để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Trong khi đó, theo chu kỳ thiếu máu vào mùa hè thì nay, tình trạng thiếu máu càng trở nên gay gắt hơn.

Anh Nguyễn Việt Phú, trú phường Đội Cung, TP Vinh và vợ đi hiến máu tại Trung tâm Huyết học truyền máu Nghệ An. "Thông qua mạng xã hội Facebook và các phương tiện truyền thông, tôi biết hiện nguồn máu dự trữ rất hiếm, không đủ đáp ứng yêu cầu. Tôi và vợ tới hiến máu, hi vọng có thể giúp được các bệnh nhân một phần trong thời điểm này", anh Phú nói.

Thiếu máu trầm trọng, nhân viên y tế gọi điện cầu cứu tình nguyện viên - 5

Nghe thông tin thiếu máu trầm trọng, anh Nguyễn Việt Phú (TP Vinh) cùng vợ liền tới Trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An để hiến máu (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo ông Nguyễn Đình Khuê - Giám đốc Trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiều văn bản trình cấp có thẩm quyền để tìm nguồn máu. Trong đó huy động người dân tham gia hiến máu, phát huy điểm hiến máu cố định tại trung tâm huyết học truyền máu. Hiện, công tác tiếp nhận máu tại trung tâm được thực hiện 20/24h mỗi ngày. Người đến hiến máu đều thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu Nghệ An, đơn vị còn triển khai vận động các nhóm nhỏ, các cơ quan trường học để tổ chức hiến máu. Cơ quan, đơn vị nào tổ chức 5-10 người đăng kí hiến máu, trung tâm sẽ tổ chức xe đến đón để tiếp nhận máu.

Thiếu máu trầm trọng, nhân viên y tế gọi điện cầu cứu tình nguyện viên - 6

Lượng người đến Trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An trong thời điểm này chỉ bằng 1/5 bình thường, dẫn tới trung bình một ngày các bệnh viện trong tỉnh Nghệ An thiếu 100 đơn vị máu (Ảnh: Hoàng Lam).

"Cùng với đó, chúng tôi lập một đội tuyên truyền, vận động tổ chức gọi điện, nhắn tin đến từng cá nhân, tình nguyện viên đã từng tham gia hiến máu, vận động họ nếu đủ sức khỏe và bình an trong chống dịch chia sẻ giọt máu của mình. Không chỉ vậy, đội ngũ cán bộ, bác sỹ, nhân viên Trung tâm cũng sẵn sàng tham gia hiến máu, bổ sung vào nguồn dự trữ trong thời gian này", ông Nguyễn Đình Khuê cho hay.

Một trong những lo ngại của người dân khi tham gia hiến máu là sẽ khiến cơ thể mất đi đề kháng, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao hơn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tâm Thành khẳng định: "Việc tiếp đón, sàng lọc, lấy máu được thực hiện đúng quy trình, thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Hiến máu không có hại cho sức khỏe mà là sự thay đổi tế bào, trong đó có  thay đổi miễn dịch, loại bỏ một số thành phần không có lợi, thúc đẩy tủy sản sinh lượng tế bào mới khỏe mạnh trong thời gian ngắn".