Người dân Sài Gòn rủ nhau đi hiến máu trong "tâm thế" 5K
(Dân trí) - Vì "máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu", ngay sau khi hay tin lượng máu dự trữ của TPHCM đang cạn dần, giới trẻ Sài Gòn rủ nhau đi hiến máu trong "tâm thế"... chuẩn 5K.
Ngày 3/6, UBND TPHCM phát thông báo cho biết tình hình dự trữ máu trên địa bàn thành phố đang thiếu hụt nghiêm trọng. Nguyên nhân do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hầu hết các đợt hiến máu lưu động đều phải hủy, lượng máu dự trữ cạn dần và có nguy cơ thiếu máu cấp phát cho các bệnh viện.
Các cá nhân, đơn vị có thể đến hiến máu tại 2 điểm cố định là: Bệnh viện Truyền máu Huyết học (số 118 Hồng Bàng, phường 12, quận 5) và Trung tâm Hiến máu Nhân đạo (số 106 Thiên Phước, phường 9, quận Tân Bình).
Các cơ quan, đơn vị khi đi đông có thể phối hợp với Trung tâm Hiến máu nhân đạo và Bệnh viện Truyền máu Huyết học tổ chức hiến máu an toàn như chia nhỏ số lượng người hiến theo khung giờ để đảm bảo mỗi thời điểm tối đa từ 20 - 30 người, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
Ngay sau khi thành phố thông báo, hàng loạt đơn vị đã chia sẻ thông tin này.
Nhiều người dân thành phố cũng tự phát đăng ký hiến máu tại các trung tâm tiếp nhận hiến máu tại TPHCM như bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM, trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM…
Ghi nhận tại bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM vào ngày 5/6, hàng trăm lượt người đã đến đây để chờ được hiến máu. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc kiểm tra y tế được thắt chặt, người hiến đều được khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và phân chia thành từng nhóm nhỏ chờ đến lượt lấy máu.
Bệnh viện bố trí ghế ngồi đợi và các vị trí lấy máu theo yêu cầu giãn cách. Đồng thời, bệnh viện cũng yêu cầu người hiến máu mang khẩu trang trong suốt quá trình hiến máu để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Để đảm bảo các quy tắc phòng dịch nên công tác hiến máu kéo dài hơn bình thường, thời gian chờ đợi của người hiến máu lâu hơn nhưng ít ai than phiền. Mọi người đều đến đây với tinh thần thiện nguyện nên bình thản chờ đợi đến lượt mình, hy vọng những giọt máu mình cho đi có thể chuyển kịp thời đến những bệnh nhân đang thật sự cần nó, giúp đỡ họ vượt qua nguy cấp.
Có mặt tại đây từ sớm, chị Nguyễn Thanh Huyền (23 tuổi) cho biết: "Tối qua, tôi mới hay tin lượng máu dự trữ tại ngân hàng máu sắp hết. Vì thế, sáng sớm nay tôi sắp xếp công việc để gấp rút đến đây hiến máu".
Chị Thanh Huyền cũng cho biết thêm, vì tình hình dịch căng thẳng nên khi đến đây, chị tuân thủ theo đúng khuyến cáo 5K và giữ khoảng cách 2 mét với mọi người xung quanh.
Còn chị Bùi Thị Hà Phương (24 tuổi) từng hiến máu nhiều lần, nhưng mấy tháng nay chị ngừng hiến máu vì dịch bệnh phức tạp, hầu hết các hoạt động hiến máu tại thành phố đều dừng lại.
Chị Hà Phương cho biết: "Qua tìm hiểu trên báo chí, tôi biết bệnh viện Truyền máu - Huyết học vẫn đang tổ chức hiến máu nên đến đây".
"Dịch bệnh tôi cũng sợ, nhưng tôi tin vào công tác đảm bảo an toàn của bệnh viện. Đồng thời, tôi mang theo nước rửa tay để thỉnh thoảng xoa hai tay, tự đảm bảo an toàn cho chính mình", chị Hà Phương chia sẻ thêm.
Ngồi chờ đến lượt hiến máu dưới gốc cây trong khuôn viên bệnh viện, một cụ ông cao niên cho biết: "Khi hay tin thiếu máu, tôi nhờ cháu ở nhà khai báo y tế trên điện thoại sẵn cho mình. Sáng nay tranh thủ ra sớm để hiến máu".
Trước đó, vào ngày 4/6, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đang làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã sắp xếp thời gian nghỉ giữa các ca trực để đến Bệnh viện Truyền máu - Huyết học hiến máu. Đoàn Khối, Công đoàn Viên chức TP, Hội Cựu chiến binh Khối Dân - Chính - Đảng TP, Hội Chữ thập đỏ TP… cũng phát động các thành viên tham gia hiến máu…
Ông Trần Thon (46 tuổi) đang chăm nuôi người thân mắc ung thư máu tại bệnh viện Truyền máu - Huyết học cho biết, một tuần người thân của ông cần truyền máu 2 - 3 lần, mỗi lần từ 250-450ml máu. Do đó, khi hay tin thiếu máu ông rất lo lắng.
"Người nhà tôi thuộc nhóm máu AB, đây là nhóm máu hiếm nên đợi truyền máu lâu hơn những nhóm máu khác. Nếu thiếu máu, gia đình tôi thật sự không biết phải thế nào. Hôm nay thấy mọi người đến hiến máu đông, tôi mừng ghê lắm!", ông Thon nói.
Ngày 3/6, UBND TPHCM ban hành công văn khẩn gửi các sở, ban, ngành; các quận, huyện, phường, xã, thị trấn đề nghị các đơn vị tăng cường vận động hiến máu nhân đạo.
Theo đó, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người nên rất nhiều đơn vị tổ chức hiến máu đã báo hủy đợt, hủy chuyến. Do đó, số lượng máu dự trữ giảm dần và đang ở mức báo động, có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu máu cấp phát cho hơn 130 bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Do vậy, UBND TP đề nghị các đơn vị duy trì vận động các đợt hiến máu lưu động đã đăng ký. Đồng thời, tiếp tục đăng ký tổ chức các đợt mới để đảm bảo có đủ nguồn máu cho cấp cứu và điều trị vì "máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu".