1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thêm bé trai hơn 2 tuổi suýt tắt thở vì tai nạn bất ngờ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong lúc chơi đùa, bé trai hơn 2 tuổi gặp sự cố bất ngờ, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn liên tục, khó chịu ở cổ họng.

Đó là trường hợp của bé T.P.T. (30 tháng tuổi, quê Đồng Tháp). Theo lời kể của người nhà, trong khi chơi đùa, bé trai ngậm một mảnh tròn kim loại rồi bất ngờ nuốt luôn vào bụng. Phát hiện sự việc, người nhà nhanh chóng đưa bé đi cấp cứu trong tình trạng nôn liên tục, rất khó chịu ở cổ họng.

Thêm bé trai hơn 2 tuổi suýt tắt thở vì tai nạn bất ngờ - 1

Hình ảnh mảnh kim loại bị kẹt ở miệng thực quản bệnh nhi (Ảnh: BV).

Ngay khi vào viện, bé được các bác sĩ chỉ định chụp X-quang để xác định vị trí của dị vật. Hình ảnh chụp chiếu cho thấy, bệnh nhi có dị vật cản quang dạng tròn ở đoạn hạ họng - miệng thực quản, kích thước ước lượng khoảng 17mm, to hơn kích thước đường tiêu hóa trên của một trẻ 30 tháng tuổi.

Bệnh nhi được nhanh chóng được chuyển đến khoa để tiến hành gắp dị vật ra ngoài. Hậu can thiệp, bác sĩ kiểm tra lại tại nơi dị vật mắc kẹt thấy có vết sướt nông nhẹ, chưa gây biến chứng nghiêm trọng.

Ngày 23/9, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trọng Tường, Phó trưởng khoa Nội soi chia sẻ, nếu không được xử trí gắp dị vật ra kịp thời, mảnh kim loại có thể sẽ bị nghẹt lại ở thực quản bệnh nhi, gây các biến chứng nguy hiểm. Thậm chí, dị vật có thể khiến bé tắt thở.

Thêm bé trai hơn 2 tuổi suýt tắt thở vì tai nạn bất ngờ - 2

Mảnh kim loại tròn, đường kính lớn được lấy ra khỏi đường thở của cháu bé (Ảnh: BV).

Trước đó như Dân trí đã thông tin, sáng 20/9, khi bảo mẫu Trường Mầm non tư thục V.H. (quận 6) đang đút đồ ăn cho bé D.T.K. (SN 2022) thì thấy trẻ có biểu hiện như bị nghẹn. Lập tức, bé được nhà trường đưa tới Bệnh viện quận 6 trong tình trạng ngưng tim, tím tái.

Ekip điều trị tại bệnh viện cấp cứu ban đầu ghi nhận, trong nội khí quản bệnh nhi có nhiều đàm nhớt lẫn thức ăn. Các bác sĩ nhận định, bé có khả năng bị hít sặc.

Bệnh nhi được cấp cứu, hồi sức rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, sau đó tử vong vào rạng sáng 21/9. Theo giấy báo tử do Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp, bệnh nhi tử vong với chẩn đoán ngưng tim, ngưng thở trước nhập viện, phù não, phù phổi cấp.

Thêm bé trai hơn 2 tuổi suýt tắt thở vì tai nạn bất ngờ - 3

Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Nguồn tin tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, dù kết quả chụp CT không phát hiện dị vật trong phổi của bé K., nhưng không vì vậy mà vội vã khẳng định bé không xảy ra việc hóc dị vật. Công an quận 6 (TPHCM) đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra nguyên nhân bé K. tử vong.

Các bác sĩ cảnh báo, do trẻ nhỏ có tính hiếu động, tò mò nên các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý, không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, các vật dễ nuốt như pin, đồng xu, viên bi, các vật có hóa chất độc hại…

"Phụ huynh phải luôn giám sát., không để trẻ chơi một mình. Dị vật rơi vào đường thở hoặc thực quản gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử trí kịp thời", bác sĩ nói.

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện (BV) Thống nhất (TPHCM), hít sặc là 1 tình huống khẩn cấp có thể đe dọa tính mạng, khi dị vật rơi vào đường hô hấp gây tắc nghẽn. Đây là biến cố có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt nguy hiểm hơn đối với người cao tuổi.

Hít sặc gây viêm phổi là nguyên nhân tử vong chủ yếu ở những bệnh nhân khó nuốt. Ước tính, khoảng 10-15% viêm phổi cộng đồng là do hít sặc.

Triệu chứng của hít sặc là ho, khò khè, khó thở, tím tái đối với những trường hợp nặng. Tuy nhiên các triệu chứng do hít phải thường bị bỏ qua vì ít nghĩ tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm